Thứ 6, 03/05/2024 01:49:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:17, 30/03/2014 GMT+7

Đồ gỗ thời thượng

Chủ nhật, 30/03/2014 | 07:17:00 796 lượt xem

Là xứ sở của gỗ và gần kề với nước bạn Campuchia - nơi thị trường gỗ luôn sôi động, nên đồ gỗ mỹ nghệ đã trở thành mặt hàng hút khách ở Bình Phước. Vì thế, những người làm nghề mộc đã đổ về Bình Phước lập nghiệp và tạo nên một thị trường đồ gỗ mỹ nghệ khá phong phú, đa dạng. Hiện nay, nhiều người chuộng đồ gỗ được làm từ gốc cây. Đây là loại gỗ được tận dụng nhưng thuộc hàng hiếm, giá trị cao.


Bài 1 Gốc cây trở thành hàng “độc”

Ngày nay, để tìm được một gốc cây có giá trị (thuộc loài gỗ quý, có hình dáng tự nhiên đẹp) rất khó. Chính vì vậy, “thợ săn” đã nghĩ ra nhiều cách để bắt những gốc cây quý đang nằm sâu trong lòng đất lộ diện. Từ những gốc cây tưởng chừng là củi, qua bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ đã trở thành những món hàng độc, có giá từ vài chục đến cả trăm triệu đồng.   

Gặp gốc quý là bắt được của

Trước đây, khi người dân khai phá đất làm rẫy, họ thường gom các gốc cây lớn thành đống, đốt lấy than bán, hoặc lấy tro bón cây trồng. Một số gốc cây to nằm sâu trong lòng đất không đào lên được, họ gom cành cây khô đốt để giải phóng mặt bằng trồng cây. Những gia đình có điều kiện thuê máy xúc đào gốc cây lên, để dành khi nào cần thì sử dụng. Sau này, phong trào chơi gốc cây phát triển mạnh thì những gốc to và quý đã cạn kiệt. Những gia đình còn giữ lại những gốc cây có giá trị như “giữ được của”, xem như báu vật trong nhà và trở thành đối tượng để những tay săn gỗ thời thượng nhắm tới.

Những gốc cây vô hồn, qua bàn tay người thợ mộc sẽ thành những món đồ có giá trị cao

 
Ông Hồ Thông, ngụ ấp 2, xã Đồng Nơ (Hớn Quản) đưa gia đình từ Nghệ An vào Bình Phước lập nghiệp năm 2003. Buổi đầu vào miền đất mới, ông Thông mua 1 ha rẫy để trồng cao su. Trong quá trình dọn vườn, ông phát hiện một gốc gỗ gõ đỏ cả trăm năm tuổi hình dáng khá đẹp. Vốn là dân biết chơi gỗ nên ông đã đào gốc cây, đem về nhà đánh rửa sạch sẽ làm bàn uống trà. Một số tay săn gỗ vào hỏi mua, trả 30 triệu đồng nhưng ông không bán. Sau này, ông Thông lại đào được một gốc gỗ hương khác trong vườn. Năm trước, ông thuê thợ đục thành bức tượng phật Di lặc ngồi dưới gốc cây đào tiên, với tiền công cả chục triệu đồng.

Tương tự, anh Trương Đắc Mới ở ấp 10, xã Tân Hiệp (Hớn Quản) trong một lần đi làm rẫy phát hiện cạnh bờ suối có một gốc cây lộ thiên khoảng 30cm. Anh Mới huy động bạn bè, người thân vào đào gốc cây lên, với mục đích thuê thợ về đục chạm làm đồ kiểng. Để đưa được gốc cây về nhà, anh đã phải huy động 10 người vào phụ đào và thuê máy cày chở về. Anh Mới cho biết: “Đây là gốc cây trai lớn, ngang khoảng 4m, cao 3m. Rễ cây có hình đuôi rồng quấn vào nhau, giữa có hình hai đầu rồng chụm vào một mặt trăng. Gốc này có thể đục thế “lưỡng long chầu nguyệt”, nên từ khi tôi đào gốc về đã có nhiều người hỏi mua. Do chưa đến tuổi chơi cây, tôi đã để lại cho người bạn thân với giá hữu nghị 7 triệu đồng”.

Độn thổ, rẽ nước... tìm gỗ

Khi gốc cây quý trở nên khan hiếm, những tay săn gỗ đã “phát minh” ra nhiều cách tìm gỗ, gốc cây quý để bán. Một trong những cách phổ biến là “độn thổ” (theo cách gọi của dân săn gỗ). Họ chế một đoạn thép đặc có đường kính 10-12cm, dài khoảng 2m. Một đầu thanh thép được tán dẹp và cắt hình đuôi én, đầu còn lại có hàn thêm một thanh thép vuông góc tạo thành hình chữ T làm tay cầm.

Qua bàn tay khéo léo của người thợ, một gốc cây tự nhiên đã trở thành hàng “độc” trị giá hàng chục triệu đồng

Tại những vùng đất trước đây có cây gỗ quý, thợ săn gốc dùng thanh thép đâm mạnh xuống lòng đất. Khi phát hiện có gốc cây chìm sâu trong lòng đất, họ xoay nhẹ thanh thép để đuôi én lấy một phần gỗ lên khỏi mặt đất. Nếu lấy được miếng gỗ bằng ngón tay, thợ săn có thể nhận biết bằng mắt thường là gỗ gì, nhưng nếu lấy được mẩu nhỏ hơn thì phải “giám định” bằng cách đốt để ngửi mùi và dựa vào tro để đoán định loại gỗ.

Anh Tùng cùng 3 thợ săn gỗ gần 2 tháng trời chỉ kiếm được 3 gốc gỗ quý. Do trên địa bàn tỉnh ngày càng khan hiếm gốc nên gỗ kiếm được trong lòng đất bán không đủ công lao động. Gần đây, nhóm thợ của anh Tùng quyết định chuyển lên khu vực Tây nguyên tiếp tục đi tìm những “kho báu” trong lòng đất.

Anh Đinh Văn Tùng, một “thợ săn” từ miền Tây lên Bình Phước tìm gốc cây quý, bật mí: “Nếu đào bằng tay tốn nhiều thời gian và chưa chắc lấy được toàn bộ gốc cây. Như vậy uổng công tìm kiếm. Dùng máy múc đất vừa nhanh, lại đào trọn gốc và bán được giá. Đào gốc cây theo phương pháp này như mò kim đáy bể. Nhiều khi chúng tôi mất gần 2 tháng trời mới tìm được một gốc gỗ trắc, bán được 40 triệu đồng”.

Ngoài ra, một số tay săn gỗ quý còn sử dụng phương pháp “rẽ nước” dưới đáy hồ. Những tay săn này chủ yếu kiếm gỗ quý ở những khu vực ít người sinh sống, qua lại. Họ lặn hàng giờ dưới đáy hồ để tìm gỗ quý như hương, trắc, gõ đỏ... Khi tìm thấy gỗ quý, họ dùng dây cột vào thân gỗ rồi trục vớt từ đáy bùn lên bờ. Anh Mai Văn Hiệp, một thợ săn gỗ theo kiểu “rẽ nước” ở ấp Xa Cát, xã Tân Khai (Hớn Quản) cho biết: “Muốn tìm được gỗ quý phải lặn sâu hàng chục mét, rồi lần theo các vực trong lòng hồ thì may ra mới tìm được gỗ. Những nơi này trước kia người ta làm thủy điện không lấy hết gỗ, nên bây giờ còn sót lại. Tuy nhiên, tìm gỗ kiểu này rất nguy hiểm, chỉ cần một sai sót nhỏ có thể bỏ mạng”.

Nhất Sơn
Bài 2: Đất Nam, thợ Bắc

  • Từ khóa
92409

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu