Thứ 5, 28/03/2024 18:36:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:38, 10/10/2018 GMT+7

Để Nghị quyết số 21-NQ/TW đi vào cuộc sống - Bài 1

Thứ 4, 10/10/2018 | 06:38:00 1,356 lượt xem

BP - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012-2020”, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 118.660 người tham gia BHXH, đạt khoảng 28,4% lực lượng lao động (số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 0,17% lực lượng lao động), tăng gần 61% so với năm 2012. Tuy đối tượng tham gia BHXH ở tỉnh tăng nhưng vẫn còn những khó khăn ảnh hưởng đến mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động” của nghị quyết. Vì vậy cần có quyết tâm chính trị cao và cách làm mới để BHXH trở thành trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

KHÓ PHÁT TRIỂN ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BHXH TỰ NGUYỆN

BHXH tự nguyện là loại hình bảo hiểm do người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định. Người dân tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu theo quy định; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này góp phần giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động. Nhưng thực tế hiện nay nhiều người vẫn chưa quan tâm tới BHXH tự nguyện bởi nhiều lý do.

An vui tuổi hưu với BHXH

Bà T.T.T ở phường Long Thủy (Phước Long) là công chức nghỉ hưu đã 5 năm. Với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng, bà thảnh thơi với cuộc sống khi không phải phụ thuộc tài chính vào con cháu. Bà T cho biết: “Dù sống chung hay riêng với con, tôi cũng cảm thấy thoải mái, đi đâu hay làm gì cũng chủ động vì mình có lương hưu. Các con không phải lo lắng nhiều cho mẹ ngoài việc động viên tôi giữ gìn sức khỏe. Về hưu, tôi có thời gian chăm sóc bản thân, tạo niềm vui với bạn bè nên cuộc sống vui, khỏe”.

Tư vấn hướng dẫn chính sách tại BHXH tỉnh

Không may mắn như bà T, ông N.Đ.T ở xã Phú Riềng (Phú Riềng) khi về hưu lại mắc bệnh hiểm nghèo. Quá trình điều trị bệnh của ông T khá tốn kém nhưng nhờ tham gia BHXH nên ông được thanh toán 95% chi phí khám, chữa bệnh. Con của ông T chia sẻ: “Nhờ tham gia BHXH nên gia đình tôi đỡ gánh nặng chi phí khi chữa bệnh cho cha, bởi điều kiện kinh tế khó khăn. Nếu không có thẻ BHYT, gia đình phải bán nhà để chữa bệnh cho cha”.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều người tham gia BHXH, lúc về hưu khi điều trị bệnh có thẻ BHYT được giảm rất nhiều chi phí, nhất là những người mắc bệnh hiểm nghèo. Có đối tượng hưu trí được cơ quan BHXH chi trả gần 200 triệu đồng. Mặc dù lợi ích thiết thực nhưng số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất hạn chế. Tính đến ngày 30-6-2018, toàn tỉnh có 588 người tham gia BHXH tự nguyện. Hầu hết đối tượng tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc, đóng tiếp BHXH tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Tháng 9-2018, chị Đ.T.T.N ở phường Tân Phú (Đồng Xoài) đến cơ quan BHXH rút sổ và hưởng BHXH 1 lần sau khi thôi việc tại cơ quan nhà nước. Chị N đã có hơn 10 năm đóng BHXH bắt buộc và 2 năm đóng BHXH tự nguyện. Khi được nhân viên BHXH vận động tiếp tục đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lợi ích trong tương lai thì chị N từ chối. Chị N cho biết để đảm bảo cuộc sống thời gian tới, chị cần vốn để kinh doanh và sẽ chọn mua gói bảo hiểm nhân thọ khác.

Lợi thì có lợi, nhưng...

Từ ngày 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Đây là một giải pháp kích cầu đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, khi được đại lý thu BHXH tuyên truyền, vận động về quyền lợi khi tham gia, chị N.T.Đ ở xã Nghĩa Trung (Bù Đăng) cho rằng: Tôi thấy BHXH tự nguyện có lợi về sau này nhưng với cùng mức đóng hoặc hơn nếu so sánh các loại hình bảo hiểm nhân thọ khác thì BHXH tự nguyện không có nhiều chế độ trước mắt như đau ốm, tai nạn, thai sản... Chưa kể khi tôi mất, bảo hiểm nhân thọ sẽ hỗ trợ chi phí nuôi con tôi. Cho nên chính sách BHXH tự nguyện hiện nay nếu không thay đổi thì khó thu hút người lao động tham gia.

Người dân xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) tham gia đối thoại về chính sách bảo hiểm xã hội

Thực tế hiện nay vẫn còn một bộ phận người lao động ở Bình Phước nói riêng và cả nước nói chung chưa có thói quen tham gia BHXH tự nguyện khi còn trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Nhiều người lao động là công nhân các công ty cao su khi nghỉ việc vẫn lựa chọn hưởng BHXH 1 lần vì cho rằng “bảo hiểm tuổi già là con cái”. Một bộ phận người dân ở vùng sâu, xa do cuộc sống khó khăn nên chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về BHXH tự nguyện. Bà Thị Vân, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) cho biết: Tôi mới biết đến chính sách BHXH tự nguyện nhưng không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh nên rất khó tham gia.

Một nguyên nhân “cản trở” việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là do thu nhập của số đông người dân trên địa bàn còn thấp và không ổn định, áp lực chi tiêu trước mắt lớn nên ít quan tâm đầu tư cho tương lai. Thời gian qua, để chính sách BHXH đến gần với người dân, BHXH tỉnh đã phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở nhằm tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách BHXH, BHYT để vận động, thuyết phục hội viên, đoàn viên thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên đến nay số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn rất hạn chế.

Phương Dung

  • Từ khóa
1463

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu