Thứ 7, 27/04/2024 02:17:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:31, 05/04/2017 GMT+7

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG BÙ ĐỐP (7-4-1972 - 7-4-2017); 14 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HUYỆN (1-5-2003 - 1-5-2017)

Đầu tư kết cấu hạ tầng - nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện Bù Đốp

Thứ 4, 05/04/2017 | 08:31:00 4,484 lượt xem

Hà Anh Dũng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bù Đốp

BP - Những ngày này, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp đang náo nức không khí thi đua chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng Bù Đốp (7-4-1972 - 7-4-2017) và chào mừng kỷ niệm 14 năm Ngày thành lập huyện (1-5-2003 - 1-5-2017). Từ các thôn, ấp vùng sâu đến khu trung tâm hành chính huyện, đâu đâu cũng thấy gương mặt rạng ngời của người dân trước những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đạt được.

Qua 14 năm xây dựng và phát triển, từ chỗ chỉ có 7 cơ sở đảng ngày mới thành lập huyện, thời điểm này toàn huyện đã có 55 cơ sở đảng với 1.544 đảng viên. Sự lớn mạnh của Đảng bộ huyện không chỉ được thể hiện ở số đảng viên và tổ chức cơ sở đảng tăng nhanh mà thể hiện rõ nét qua những thành tựu huyện đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị.

Những bước tiến vượt bậc

Trong lĩnh vực kinh tế, giai đoạn mới thành lập huyện (2004), tăng trưởng bình quân chung chỉ đạt 8-10% thì đến giai đoạn 2010-2015 đã đạt 12,39%. Cụ thể, giá trị ngành nông nghiệp năm 2005 là 164,67 tỷ đồng, đến năm 2015 là 376,34 tỷ đồng. Giá trị công nghiệp - thương mại - dịch vụ năm 2005 chỉ đạt 11,28 tỷ đồng thì đến năm 2015 đạt 37,56 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 19,55%. Dịch vụ bưu chính - viễn thông, điện lực phát triển nhanh, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, góp phần cải thiện đời sống và thúc đẩy sản xuất phát triển. Giao thông phát triển nhanh, các tuyến đường giao thông chính được nâng cấp nên chất lượng phục vụ người dân được nâng lên đáng kể. 

 

Một góc Trung tâm hành chính huyện Bù Đốp hôm nay - Ảnh: Sỹ Hòa

Lĩnh vực văn hóa - xã hội được đầu tư tương xứng với phát triển kinh tế, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm và mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân. Từ một địa bàn biên giới, vùng sâu, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, y tế nhiều hạn chế, đến nay, sự nghiệp giáo dục, y tế trên địa bàn huyện đã có những bước tiến vượt bậc. Năm học 2016-2017, toàn huyện có 28 trường với 13.188 học sinh các cấp và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; duy trì 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, được công nhận thêm 2 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 5/28 trường. Hiện cả 7/7 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Năm 2016, huyện đã hoàn thành việc sáp nhập Bệnh viện đa khoa với Trung tâm Y tế thành Trung tâm Y tế huyện quy mô 70 giường bệnh. Các cơ sở y tế đã khám, chữa bệnh 86.633 lượt bệnh nhân không chỉ trên địa bàn huyện mà cả nhân dân khu vực giáp biên của nước bạn Campuchia; đồng thời thực hiện tốt công tác dân số và các chương trình y tế quốc gia. Giai đoạn 2010-2015, toàn huyện đã xóa được 1.429 hộ nghèo; giải quyết việc làm cho trên 10 ngàn lao động và đào tạo nghề cho 1.084 lao động.

Tập trung đầu tư hệ thống giao thông và những công trình quan trọng

Chỉ trong 5 năm (2010-2015), toàn huyện đã xây dựng 111 công trình, cho thấy sự nỗ lực quyết tâm của huyện trong đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm thay đổi diện mạo vùng biên giới Bù Đốp. Và chỉ sau hơn một năm tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, trung tâm của huyện và các xã, thị trấn đã khang trang, đẹp hơn rất nhiều. Đó là nhờ các công trình: Tượng đài chiến thắng Bù Đốp - một công trình văn hóa đặt tại thị trấn Thanh Bình với kinh phí 2,227 tỷ đồng; Trường mầm non Thanh Bình, diện tích 16.216m2, gồm 9 phòng học, 11 phòng chức năng và khu vui chơi giải trí với kinh phí 22,7 tỷ đồng; hội trường trung tâm hành chính huyện quy mô 350 chỗ ngồi; Bệnh viện đa khoa Bù Đốp với quy mô 70 giường bệnh, tổng kinh phí đầu tư 31,892 tỷ đồng và đường Lộc Tấn - Hoàng Diệu dài 2.188m với tổng kinh phí 48,434 tỷ đồng...

Kết cấu hạ tầng huyện Bù Đốp đang đổi thay từng ngày. Trong ảnh là một góc khu trung tâm huyện Bù Đốp hôm nay - Ảnh: Đông Kiểm

Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, nhiệm vụ đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng tiếp tục được Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt, đồng bộ trên tất cả lĩnh vực. Từ nguồn vốn nhà nước, vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, vốn huy động nhân dân và vốn xã hội hóa đã được huyện đầu tư theo hướng đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Theo thống kê đầu năm 2017, tổng chiều dài đường giao thông trên toàn huyện là 430km, trong đó đường nhựa và đường bê tông xi măng 109km, đường cấp phối sỏi 321km. Trên địa bàn huyện có 2 tuyến trục chính đi qua là ĐT759, từ cầu Sông Bé đến ngã ba thị trấn Thanh Bình dài 5km; ĐT759B nối từ Lộc Ninh đến Cửa khẩu Hoàng Diệu dài 28km. Như vậy, hệ thống giao thông đã cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu thông vận tải hàng hóa của nhân dân trên toàn huyện.

>> Những bước tiến vượt bậc của ngành giáo dục Bù Đốp

Cùng với đầu tư hệ thống đường giao thông, huyện quan tâm đầu tư và phối hợp với các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình quan trọng khác nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Một công trình đặc biệt quan trọng là thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn hiện đã hoàn thành. Công trình này được xây dựng nhằm lấy nước từ hồ thủy điện Cần Đơn cung cấp nước tưới cho khoảng 4.548 ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc 4 xã, thị trấn của huyện, gồm Thanh Hòa, Thanh Bình, Tân Tiến và Tân Thành; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt và kết hợp phát triển giao thông. Quy mô dự án gồm 17,96km kênh chính; 32km kênh tưới cấp 1; 7,2km kênh tiêu cấp 1; 18km kênh tưới nội đồng và 4km kênh tiêu nội đồng. Ngày 23-2 vừa qua đã vận hành thử nghiệm toàn tuyến công trình thủy lợi sau thủy điện Cần Đơn. Qua vận hành thử nghiệm, nước đã được thông toàn tuyến kênh chính trong sự vui mừng của người dân.

Huyện đã lựa chọn các công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày thành lập huyện, trọng tâm là xây dựng khu trung tâm thương mại và dân cư thị trấn Thanh Bình, Trường THPT Thanh Hòa, Trường dân tộc nội trú, xây dựng Trường mẫu giáo Tuổi Thơ đạt chuẩn quốc gia, phấn đấu xây dựng xã Thiện Hưng đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu đến năm 2020, đường liên xã đạt 40-50% được nhựa hóa; đường trong khu trung tâm hành chính huyện đạt 70-80% được nhựa hóa, đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 50-60%...

Một công trình quan trọng nữa là Bến xe khách huyện quy mô 10.000m2 với 7 tuyến liên tỉnh và nội tỉnh, do Hợp tác xã Thiện Hưng đầu tư hoạt động thường xuyên đã đáp ứng rất tốt nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân, góp phần kích thích sản xuất - kinh doanh phát triển. Hiện hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ đến các thôn, ấp trên địa bàn, chất lượng cung cấp điện tăng lên nhờ trạm biến áp 110kV được đầu tư và đưa vào vận hành năm 2014. Bằng các nguồn vốn điện khí hóa nông thôn, các chương trình mục tiêu 135, 160 và vốn ngành điện đã đầu tư trong thời gian qua nâng tổng chiều dài lưới điện trên địa bàn huyện lên 195km trung thế, 270km hạ thế và 342 trạm biến áp, với dung lượng 34.281kVA, cấp điện thường xuyên, liên tục cho 13.432 hộ, đạt gần 95,1% (hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020 ngay trong năm đầu tiên thực hiện nghị quyết).

Với những kết quả đã đạt được, huyện Bù Đốp tiếp tục đề ra mục tiêu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thương mại nhằm tạo sự gắn kết và khả năng thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, tạo ra lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, huyện đã đề ra các giải pháp: triển khai hiệu quả chương trình đột phá kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020; tập trung điều chỉnh quy hoạch về kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020 tầm nhìn 2030; điều chỉnh quy hoạch khu trung tâm hành chính huyện; xây dựng kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng giai đoạn 2016-2020 và cân đối nguồn ngân sách, vốn các chương trình mục tiêu theo hướng xác định danh mục ưu tiên để đạt các mục tiêu chương trình đột phá đã đề ra... Và một giải pháp không thể thiếu là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, đảm bảo thuận lợi, minh bạch, giảm chi phí; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ, chia sẻ trách nhiệm với nhà nước trong quá trình thực hiện.

H.A.D

  • Từ khóa
17650

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu