Thứ 6, 29/03/2024 02:08:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:40, 27/08/2016 GMT+7

Đăng Hà và bài toán khó trong phát triển kinh tế - xã hội - Bài cuối

Thứ 7, 27/08/2016 | 13:40:00 482 lượt xem

>> Bài 1: Sống tại Bình Phước, đi chợ ở Lâm Đồng

HỘ KHẨU BÌNH PHƯỚC, CANH TÁC Ở  ĐỒNG NAI

BP - Bất cập nhiều năm qua chưa được chính quyền 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai giải quyết dứt điểm là có hàng trăm hộ dân hộ khẩu thường trú tại thôn 1 và một phần thôn 3, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước nhưng lại đang sinh sống trong vùng đệm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, thuộc địa giới hành chính xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Sự bất cập này khiến người dân chưa yên tâm lao động sản xuất, nhất là chưa được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách ưu đãi nào của Đảng và Nhà nước.

NỖI LO TRẮNG TAY

Anh Đoàn Văn Khánh, hộ khẩu thường trú tổ 4, thôn 1 kể: “Gia đình tôi từ tỉnh Cao Bằng đến đây sinh sống từ năm 1992. Lúc đó đất đai nhiều, khai hoang mưu sinh không thấy ai có ý kiến gì. Qua bao năm bươn chải, ngoài nuôi 2 con ăn học, vợ chồng tôi còn tích góp làm được căn nhà mái Thái khang trang và đóng góp hàng chục triệu đồng cùng người dân trong tổ làm đường, kéo điện. Những tưởng cuộc sống như thế đã êm xuôi, ai ngờ năm 2007, khi phân giới cắm mốc mới biết là đất thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Thời gian gần đây, lãnh đạo Vườn quốc gia Nam Cát Tiên gợi ý làm hợp đồng thuê đất, khiến chúng tôi càng lo lắng hơn, bởi không biết tương lai sẽ như thế nào. Vì nếu ký hợp đồng thuê đất, nghĩa là gia đình tôi và các hộ dân ở đây sẽ mất hết đất, nhà cửa, cây trồng, cơ sở hạ tầng tích góp đầu tư hàng chục năm qua”.

Cây cầu sắt dài 6m được 64 hộ dân tổ 4, thôn 4, xã Đăng Hà đóng góp xây dựng từ đầu năm 2016, trị giá 210 triệu đồngCây cầu sắt dài 6m được 64 hộ dân tổ 4, thôn 1, xã Đăng Hà đóng góp xây dựng từ đầu năm 2016, trị giá 210 triệu đồng

Khi được hỏi nguyện vọng như thế nào, anh Khánh vừa buồn vừa lo lắng nói: “Nếu vườn quốc gia lấy lại đất thì phải đền bù chính đáng cho chúng tôi. Tôi cũng như những hộ dân ở đây luôn mong muốn hộ khẩu, sinh sống ở Bình Phước, bởi mọi sinh hoạt, đi lại, phong tục, tập quán của người dân và học tập của con em gắn liền với mảnh đất này 25 năm qua, không muốn dứt bỏ”.

Các hộ dân ở tổ 4, thôn 1 không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhưng trước đây được chính quyền các cấp tạo điều kiện làm hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác, nhưng những năm gần đây vấn đề này được siết chặt nên rất khó khăn. Hiện nay, để có các giấy tờ hợp pháp cho con em học tập và làm việc, nhiều gia đình đã phải nhập khẩu ké. Gia đình anh Đoàn Văn Hướng ở tổ 4 là điển hình. Gia đình anh có 5 anh em trai cùng vào Đăng Hà lập nghiệp từ năm 1996. Đến năm 2006, sau khi lấy vợ, người anh trai đầu là Đoàn Văn Luân và người thứ 2 là Đoàn Văn Ỷ được làm hộ khẩu riêng. Những năm sau đó, anh Hướng cùng 2 người em còn lại dù lập gia đình ở riêng nhưng không được làm hộ khẩu mà phải nhập ké vào nhà 2 anh trai.

TỰ LỰC CÁNH SINH TRONG KHÓ KHĂN

Xã Đăng Hà có 4 trường học, ngoài cấp 2-3 Đăng Hà đã được đầu tư xây dựng khang trang thì 1 trường mẫu giáo và 2 trường tiểu học đều đã xuống cấp, trong đó còn 6 phòng học tạm, 6 phòng học mượn. Các trường học cũng đã được quy hoạch xây dựng đạt chuẩn nhiều năm nay nhưng chưa có kinh phí đầu tư xây dựng. Toàn xã hiện có 289 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Hằng năm, xã đề ra chỉ tiêu giảm 1% trên tổng số hộ nghèo, nhưng lại phát sinh tương ứng 1%. Nguyên nhân do thiên tai, mất mùa thường xuyên xảy ra nên nguy cơ tái nghèo rất cao. Thu nhập bình quân của xã hiện chỉ đạt 15 triệu đồng/người/năm.

Toàn xã có 226 hộ/hơn 1.000 người đăng ký cư trú tại các tổ 2, 3, 4, 5, 6, 7 của thôn 1 và tổ 5, 6 của thôn 3, xã Đăng Hà, nhưng lại đang sinh sống tại vùng đệm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên thuộc địa giới hành chính xã Đắk Lua. Thôn 1 có 276 hộ đều có hộ khẩu thường trú Bình Phước nhưng hơn 2/3 diện tích đất tự nhiên với 201 hộ lại sinh sống trên vùng đệm Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Chính sự bất cập này mà những năm qua người dân chưa được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách ưu đãi, dự án nào của chính quyền 2 tỉnh dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, vất vả. Các công trình dân sinh như kéo điện, làm đường, xây dựng cầu, cống dân đều tự bỏ tiền làm.

“Mang tiếng là thuộc địa giới hành chính xã Đắk Lua, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, nhưng chưa bao giờ thấy cán bộ xã Đắk Lua qua lại khu vực này, nói chi đến chuyện quan tâm đầu tư, hỗ trợ” - ông Triệu Văn Tích, Trưởng thôn 1 cho biết.

Tổ 3 và 4 đông dân nhất thôn 1 với 119 hộ, lại tách rời các khu vực khác bởi suối Đập Lúa. Để qua lại, trao đổi hàng hóa và cho con em đến trường học tập, những năm trước người dân đã nhiều lần đầu tư làm cầu gỗ nhưng đến mùa lũ nước lại cuốn trôi cầu. Chờ mãi không được đầu tư xây dựng, từ năm 2014 đến nay, các hộ dân đã tự đóng góp làm 2 cây cầu sắt trị giá hơn 200 triệu đồng/cầu. Từ trục đường chính của thôn vào 2 tổ này dài hơn 2km nhưng người dân cũng tự đóng góp mỗi hộ từ 10-15 triệu đồng để kéo điện sinh hoạt. Ngoài ra, các hộ dân thôn 1 và 3 thuộc địa giới hành chính xã Đắk Lua còn đóng góp hàng trăm triệu đồng làm hơn 10km đường giao thông. Một khó khăn nữa là đất của người dân chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng nên chưa thể tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất.

NGUYỆN VỌNG ĐƠN GIẢN

“Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân đều mong muốn được giữ lại đất ở, đất sản xuất và hộ khẩu Bình Phước. Nếu Vườn quốc gia Nam Cát Tiên lấy lại đất sẽ rất thiệt thòi cho dân, bởi họ sẽ trắng tay sau hàng chục năm đầu tư, xây dựng. Mặt khác, nếu chuyển hộ khẩu về Đồng Nai sẽ làm đảo lộn cuộc sống người dân. Đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc tìm hướng xử lý dứt điểm tình trạng này theo đúng quy định pháp luật và nguyện vọng của người dân” - Trưởng thôn 1 Triệu Văn Tích nói.  

Chia tay ra về sau nhiều ngày cùng ăn, cùng ở, làm việc với cán bộ và người dân xã Đăng Hà, tôi hỏi Chủ tịch UBND xã Võ Ngọc Hoàng Vũ: “Sau 22 năm thành lập, đến nay thay đổi lớn nhất của xã là gì?”. Ông lắc đầu ngao ngán: “Qua tìm hiểu nhà báo biết rồi đó, trong điều kiện như thế này thì đổi thay được những gì? Mong nhà báo viết bài phản ánh thực tế của xã làm cầu nối giúp nhân dân”. Câu trả lời của ông khiến tôi băn khoăn, trăn trở: Những vấn đề đặt ra của Đăng Hà, những khó khăn, đặc biệt là những bất cập đã tồn tại nhiều năm, qua nhiều “nhiệm kỳ”, bao giờ mới được giải quyết?

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
93057

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu