Thứ 3, 19/03/2024 11:34:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:05, 01/09/2013 GMT+7

Cung đường “nóng” vùng giáp ranh Bình Phước - Đắk Nông (tt)

Chủ nhật, 01/09/2013 | 08:05:00 3,090 lượt xem

>> Bài 1: Hàng ngàn ha rừng ở Đắk Nông đã biến mất như thế nào?

Côn đồ tụ tập băng nhóm để khai thác gỗ, lấn chiếm đất, chặn đường lập barie thu tiền, khống chế, đe dọa, hành hung dân xâm canh, doanh nghiệp và cả cơ quan chức năng, bảo kê cho thuê đất rừng. Doanh nghiệp được giao dự án không những không giữ rừng mà còn chiếm đoạt nông sản của dân xâm canh…

Một số khu vực thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông trở thành “điểm hẹn” của những nhóm xã hội đen được hình thành ở các xã Đắk Nhau, Đường 10, Bom Bo, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Kết quả điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông và ghi chép của phóng viên Báo Bình Phước cho thấy tình trạng hỗn loạn ở khu vực giáp ranh Bình Phước, Đắk Nông suốt 5 năm qua.

Bài 2:
Băng nhóm nào thao túng?

Như trong bài viết trước chúng tôi đã phản ánh, lợi dụng sự yếu kém trong quản lý bảo vệ rừng, nhiều nhóm xã hội đen từ Bù Đăng đã nổi lên, qua huyện Tuy Đức của tỉnh Đắk Nông dùng “luật rừng” để khai thác gỗ, bảo kê cho dân xâm canh lấn chiếm đất rừng, bảo kê hoặc xâm nhập, bắt tay với doanh nghiệp để phá rừng hoặc thỏa thuận, ăn chia với dân xâm canh...

Vì sao có thực trạng đó và những “anh chị” nào cầm đầu các băng nhóm này?


GIANG HỒ “CAI QUẢN” HÀNG NGÀN HA

Từ cuối năm 2008, đầu năm 2009, nổi cộm nhất trên khu vực giáp ranh huyện Bù Đăng với Tuy Đức là băng nhóm Thành nghĩa địa cầm đầu. Thành nghĩa địa có tên thật là Nguyễn Văn Thành, thường trú tại thôn 4, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng. Dưới trướng của Thành nghĩa địa có khoảng 100 đàn em, chủ yếu là dân “tóc xanh tóc đỏ”, dân “xăm trổ” ở các xã Bom Bo, Đắk Nhau của huyện Bù Đăng, như: Tân tày, Bình đen, Nam trọc, Oanh cụt, Tuấn bake... Dân xã hội đen cũng như người dân trong vùng quen gọi Nguyễn Văn Thành là “Thành nghĩa địa”, bởi nhà Thành gần nghĩa địa ở thôn 4, xã Bom Bo.


Ngã ba Mông Dương - điểm “nóng” để các đối tượng phạm pháp tụ tập thu “tiền đường”

Theo điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông, nhóm của Thành nghĩa địa có 2 khẩu súng AK báng gấp, 2 khẩu Klíp đạn 1 li 7, 1 súng thể thao tự chế, một số súng tự chế và cả mìn tự chế. Thành nghĩa địa trở thành “con cọp đầu đàn” nơi vùng đất dữ, sẵn sàng “xử đẹp” các nhóm khác, “trừng phạt” mọi người dân và chống trả quyết liệt lực lượng chức năng khi cần thiết.

Sau khi rừng nguyên sinh bị tàn phá hết, gỗ cũng không còn, ở Tuy Đức trơ đất trống đồi trọc hết tầm mắt. Thứ còn lại “hấp dẫn” nhất chính là đất đai màu mỡ - điều kiện lý tưởng để hình thành một vựa mì cực lớn hàng ngàn ha. Và hoạt động chính của băng Thành nghĩa địa là bảo kê trồng, thu mua mì trên đất xâm canh trái phép, thu tiền đường khi người dân qua khu vực bến Sa Rang, giáp ranh giữa xã Đắk Nhau với xã Đắk Ngo thuộc huyện Tuy Đức, để vận chuyển về Bình Phước với điểm đến là các nhà máy chế biến tinh bột mì ở xã Đức Liễu (Bù Đăng) và xã Bù Nho (Bù Gia Mập).

Ỷ số lượng đông, Thành nghĩa địa huy động đàn em đánh người dân cướp đất để bán, hoặc cho thuê. Chúng còn tổ chức họp dân, bắt mỗi hộ nộp 500 ngàn đồng/ha, lấy cớ là tiền ủi đường, làm cầu. “Trong khi đó, người dân vẫn có thể đi lại qua con đường sẵn có và đường hư hỏng cũng đều do xe chở gỗ, chở mì của bọn chúng cày phá”, một người dân ở thôn Đăng Lang, xã Đắk Nhau có đất trồng mì tại khu vực này nói.

Tại khu vực Sa Rang, chúng còn bắt thương lái nộp hàng chục triệu đồng/người nếu muốn thu mua mì hoặc ép thương lái bán lại mì để chúng bán cho các xe đường dài hưởng chênh lệch. Nếu không bán, bọn chúng không cho vào khu vực mua mì. Thương lái đồng ý điều kiện này, dĩ nhiên họ phải mua mì của người dân với giá rẻ hơn. “Chúng tôi đi mua mì ở khu vực xã Đắk Ngo, có ngã ba Mông Dương (nhiều người quen gọi là ngã ba Đông Dương) và bến Đắk Zên là cửa ngõ buộc phải đi qua để về xã Đắk Nhau. Tại hai chốt kiểm soát Mông Dương và Đắk Zên, xe 30 tấn họ thu 300 ngàn đồng, xe nhỏ thu 200 ngàn đồng/lượt chạy qua. Họ gạt sơ đường sau mùa mưa và thu tiền. Thời điểm giá mì khô ở Bù Đăng 3.700-3.800 đồng/kg, ở Đắk Ngo chỉ có giá 2.800 đồng/kg và cũng chỉ có vài người được mua. Người nơi khác đến không biết “luật”, có khi không mua được mì mà còn rước họa vào thân”, một thương lái ở thị trấn Kiến Đức, tỉnh Đắk Nông kể lại.


AI ĐÃ TẠO CƠ HỘI HÌNH THÀNH CÁC BĂNG NHÓM XÃ HỘI ĐEN?

Thành nghĩa địa còn lừa gạt để chiếm đoạt tài sản. Cuối tháng 10-2012, Thành lừa bán 7 ha đất tại khu dự án của Công ty 59 cho một người dân ở xã Bom Bo lấy 130 triệu đồng. Người này sau đó biết bị lừa đến đòi tiền còn bị Thành cho đàn em đánh đập phải đi cấp cứu ở bệnh viện. Tháng 3-2010, Thành đưa hàng chục đàn em với danh nghĩa bảo vệ nhằm giải tỏa dân xâm canh trong khu đất của Công ty Sơn Long được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê, nhằm kiểm soát toàn bộ nguồn lợi khu vực Sa Rang.


Barie kiểm soát trước cửa rừng do Hạt Kiểm lâm Đắk Ngo dựng lên, nay không còn hoạt động

Nhóm của Thành nghĩa địa hoạt động theo hai hướng: Nhóm thứ nhất gồm những trùm đầu nậu chuyên bỏ tiền thuê người tổ chức phá rừng, chiếm giữ đất, sau đó bán rẻ cho chúng, nổi cộm là Chín Hường, Hùng mát. Nhóm thứ hai gồm các đối tượng khai thác gỗ hoặc bảo kê khai thác gỗ, như: băng nhóm do Ngô Đình Quang (tức Quang Kiều), Nguyễn Văn Chở (tức Sáu Chở) cầm đầu, hoạt động mạnh nhất từ năm 2009-2011 với hàng chục đối tượng tham gia. Nhóm này chủ yếu tiếp cận, mua chuộc hoặc tạo cớ khống chế một số cán bộ có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn xã Quảng Trực (Tuy Đức) về xưởng gỗ của Sáu Chở tại xã Đường 10 (Bù Đăng) để tiêu thụ.

Theo điều tra của Công an tỉnh Đắk Nông, các công ty: Kiến Trúc Mới, Hoàng Ba, 59 muốn thuê đất trồng cao su, trồng rừng nhưng việc triển khai dự án, quản lý và bảo vệ rừng bị bỏ mặc hoặc thuê một số đối tượng trong các băng nhóm xã hội đen để bảo vệ. Nhóm đối tượng được thuê này đã phá rừng lấy đất bán, thu tiền khai thác gỗ trái phép, cho dân thuê đất dự án để trồng mì... Điển hình như vụ Công ty Kiến Trúc Mới khai hoang 70 ha rừng khi chưa có giấy phép, trong đó có 38 ha khoanh nuôi bảo vệ bị san ủi nghiêm trọng, sau đó vu khống cho dân phá rừng, lừa dối cơ quan chức năng.

Thực tế hoạt động của các công ty hầu hết không có khả năng quản lý đất đai, bảo vệ rừng; bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng bị vô hiệu hóa. Đây là cơ hội cho các băng nhóm xã hội đen ở Bù Đăng thao túng “cung đường” giáp ranh trong thời gian qua.

Trần Phương - Tuyết Ly
Bài 3: Tài nguyên của đất nước đã bị “xâu xé” như thế nào?

  • Từ khóa
92299

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu