Thứ 6, 19/04/2024 17:42:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 04:20, 20/10/2017 GMT+7

Công tác cán bộ nữ - vì sao Bình Phước xuất sắc? - Bài 1

Thứ 6, 20/10/2017 | 04:20:00 442 lượt xem
BP - Trong khi rất nhiều tỉnh, thành phố phải chật vật để tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ đạt 15% theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng thì tại Bình Phước, tỷ lệ này lần lượt là 21,81% và 31,25%. Để đạt được tỷ lệ này, Bình Phước đã và đang làm gì?

ĐIỂM SÁNG LỘC NINH  

43 năm sau ngày giải phóng, huyện biên giới Lộc Ninh có nữ Bí thư Huyện ủy đầu tiên. Phát huy truyền thống anh hùng, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo môi trường văn hóa phong phú… là nhiệm vụ không nhẹ nhàng đối với người đứng đầu Đảng bộ huyện Lộc Ninh. Nhưng “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”, 3 năm sau Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, với tỷ lệ cán bộ nữ tham gia ban chấp hành, ban thường vụ các cấp cao nhất tỉnh, Lộc Ninh đã có những bứt phá trong công tác cán bộ.

Chuyện nữ bí thư đảng ủy xin “giải thể” chi bộ

Lộc Thiện là xã biên giới, có 7 ấp, trong đó 1 ấp giáp biên giới và 2 ấp vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Đảng ủy xã Giang Thị Hiền cho biết: Đa số chi bộ khu dân cư không có cấp ủy do không đủ số lượng đảng viên theo quy định. Trong khi, qua theo dõi thực tế, cộng với ý kiến của đảng viên, tôi nhận thấy việc giải thể chi bộ cơ quan trực thuộc Đảng ủy xã là rất cần thiết, bởi đa số đảng viên sinh hoạt tại chi bộ cơ quan là đảng ủy viên, cán bộ chủ chốt của xã nên có sự trùng lắp, chồng chéo trong nội dung sinh hoạt. Một đảng viên vừa họp bàn chủ trương trong đảng ủy, sau đó về sinh hoạt tại chi bộ cơ quan và được quán triệt lại chủ trương đó, rồi thêm một lần nữa khi sinh hoạt tại chi bộ khu dân cư (theo phân công) tiếp tục được nghe lại chủ trương đã được triển khai thì quá lãng phí thời gian. Ngoài chồng chéo trong sinh hoạt, khi ban hành nghị quyết chi bộ không thể cụ thể mà chỉ chung chung do vướng nghị quyết của đảng ủy. Bất cập nữa là về thời gian sinh hoạt định kỳ không đảm bảo do lịch công tác của các bộ phận vênh nhau. Từ thực tế đó, khi xây dựng nghị quyết cho năm 2017, Đảng ủy xã Lộc Thiện đã chủ trương giải thể chi bộ cơ quan để tăng cường đảng viên về sinh hoạt ở khu dân cư.

Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết tặng Biểu tượng Hồ Chí Minh cho cá nhân có thành tích trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện, giai đoạn 2013-2016

“Giải thể một chi bộ là việc không phải Đảng ủy xã quyết định mà phải xin chủ trương của Huyện ủy, thậm chí Tỉnh ủy. Sau khi có nghị quyết, Đảng ủy giao chi bộ cơ quan họp bàn để ra nghị quyết đề nghị Đảng ủy xem xét. Sau đó Đảng ủy tổ chức họp ban chấp hành lấy ý kiến. Song song đó, đảng ủy cũng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đảng viên chi bộ khu dân cư, tham khảo ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo xã. Được sự nhất trí cao, Đảng ủy xã thống nhất lập tờ trình đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Ninh xem xét cho chủ trương” - đồng chí Giang Thị Hiền cho biết.

Công việc đề ra từ đầu năm, song đến tháng 8-2017 mới hoàn tất và có chủ trương giải thể. Trong quá trình họp bàn cũng có ý kiến cho rằng khi giải thể thì một số cán bộ, công chức không sinh sống trên địa bàn xã sẽ không có điều kiện kết nạp Đảng. Nhận thấy bất cập của vấn đề này, Đảng ủy xã đã đưa ra giải pháp phân công cán bộ, công chức chưa là đảng viên về các khu dân cư trong xã tham gia các tổ chức hội, đoàn thể để có điều kiện phấn đấu. Đảng ủy cũng đã phân công đảng viên về sinh hoạt tại khu dân cư, cán bộ chủ chốt về sinh hoạt tại 3 ấp trọng điểm. Cụ thể, đồng chí Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã về sinh hoạt tại Chi bộ ấp Vườn Bưởi - ấp giáp biên giới; 2 ấp vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phân công đồng chí Phó bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND xã và Phó chủ tịch UBND xã về sinh hoạt. Nhờ sự linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể Đảng ủy, đặc biệt là vai trò của nữ Bí thư Đảng ủy xã Giang Thị Hiền, đến nay 100% khu dân cư đã có chi bộ. Sức mạnh của chi bộ các khu dân cư tăng lên, đồng nghĩa Đảng bộ xã sẽ vững mạnh.

Biến khó khăn thành lợi thế phát triển 

Huyện Lộc Ninh có đường biên giới dài hơn 100km giáp huyện Mi Mốt, tỉnh Tbong Khmum và huyện Sanoul, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. Huyện có 15 xã và 1 thị trấn, trong đó 7 xã biên giới, 2 xã được hưởng Chương trình 135 và có 19% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Với đường biên giới dài, việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị ngày một bền chặt, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đồng thời biến khó khăn đó thành lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế đòi hỏi sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phải rất nỗ lực cố gắng và khéo léo.

Thực hiện các chương trình đột phá về phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, Lộc Ninh ngày càng thay đổi để xứng đáng là huyện anh hùng - Ảnh: S.H

“Đảng viên phải chấp hành mọi sự phân công của Đảng, của tổ chức. Song khi nhận nhiệm vụ tại địa bàn đặc thù, tôi cũng trăn trở, lo lắng là làm sao để phát huy tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước đã được các đồng chí tiền nhiệm vun đắp và cũng tranh thủ lợi thế thông thương của các cửa khẩu để nâng cao đời sống người dân trong huyện nói riêng, đóng góp vào thu ngân sách của tỉnh nói chung. Tôi cũng may mắn được các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chia sẻ, rồi học tập các cán bộ lão thành, từ đó vượt qua khó khăn, tự tin hơn” - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Trần Thị Ánh Tuyết chia sẻ.

Năm 2017, dự kiến thu ngân sách của huyện Lộc Ninh vượt 30% so với năm 2016 và là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2013 đến nay. Để đạt được kết quả này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Lộc Ninh đã tập trung xây dựng chương trình đột phá về phát triển kinh tế, tập trung vào thế mạnh cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao là hồ tiêu, điều, cao su, cây có múi gắn với phát triển hợp tác xã và chăn nuôi trang trại.

Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lộc Tấn Đặng Thị Chiến cho biết: Trên cơ sở nghị quyết của huyện, xã đã bám sát và dựa vào tiềm lực riêng là cây trồng có múi như cam, quýt, bưởi để phát triển kinh tế hợp tác. Là xã biên giới và còn nhiều khó khăn nhưng xác định đúng hướng nên kinh tế của Lộc Tấn ngày càng khởi sắc, thu nhập bình quân năm 2016 đạt 28 triệu đồng/người, 2 năm qua mỗi năm tăng 2-3 triệu đồng/người. Đây là minh chứng để người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và chính quyền.

Công tác cán bộ nữ - cần chính sách đặc thù?

Bí thư Đảng ủy xã Lộc Hiệp Nguyễn Quốc Bảo cho biết: Cấp ủy đảng luôn tạo điều kiện cho cán bộ, công chức nữ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị để phát huy khả năng của các đồng chí. Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy xã chỉ có 2 nữ trong tổng số 11 ủy viên. Đây là con số còn khiêm tốn so với các xã khác trong huyện nhưng phải khẳng định rằng ít mà chất lượng. Các chị năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Không chỉ được tín nhiệm trong cơ quan, các chị còn là những phụ nữ tiêu biểu được nhân dân yêu mến. Hiện nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ tới của xã nhiều, dự kiến số lượng nữ cấp ủy sẽ tăng gấp đôi và sẽ có nữ vào ban thường vụ. Để đảm bảo quy hoạch, ngoài sự nỗ lực của các chị để đạt chuẩn về chuyên môn, cấp ủy đảng, chính quyền luôn sát sao giúp các chị hoàn thành các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị. Năm 2016 có 5 chị được cử đi học sơ cấp chính trị, năm 2017 có 2 chị đang học trung cấp lý luận chính trị và 2 chị đang hoàn thiện hồ sơ đi học.

Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ đưa vào quy hoạch của huyện vượt quy định 7,76%. Cấp huyện, tỷ lệ nữ tham gia ban thường vụ đạt 30,7%, ban chấp hành đạt 20,15% nhiệm kỳ 2015-2020. Nữ tham gia cấp ủy huyện đạt 20,93% nhiệm kỳ 2015-2020. Tỷ lệ nữ là trưởng, phó các phòng, ban, ngành của huyện đạt 30%, chiếm 52,3% tổng số trưởng, phó các phòng, ban, ngành. Đối với cấp xã, có 16 cán bộ nữ/16 xã giữ các chức danh chủ chốt (4 cấp ủy, 4 phó chủ tịch UBND, 4 phó chủ tịch HĐND, 4 chủ tịch UBMTTQVN). Nữ đại biểu HĐND cấp huyện đạt trên 35%, cấp xã đạt 26,49%.

Thực hiện Chương trình đột phá số 12-CTr/TU, ngày 2-8-2011 về đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực, Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 21-6-2012 về “Tiếp tục thực hiện mục tiêu công tác cán bộ nữ theo Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị” của Tỉnh ủy, Huyện ủy Lộc Ninh đã chọn, cử cán bộ trong quy hoạch đi đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể, huyện phối hợp mở 3 lớp trung cấp hành chính tại huyện với 99 cán bộ nữ tham gia; 1 lớp đại học hệ tại chức cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ nguồn với 78 cán bộ nữ tham gia; 2 nữ lãnh đạo được cử đi đào tạo cao học... Ngoài ra, nhiều cán bộ nữ đã tự sắp xếp thời gian, công việc để theo học các lớp nâng cao trình độ chuyên môn. Từ đó, cán bộ nữ có trình độ cao học nâng lên 6 người, trình độ đại học 595/1.082 cán bộ, công chức nữ; cao cấp lý luận chính trị 24 đồng chí, trung cấp lý luận chính trị 112 đồng chí.

Về hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ nữ trên địa bàn, Bí thư Trần Thị Ánh Tuyết đánh giá: “Lộc Ninh có thế mạnh đội ngũ cán bộ nữ nhiều. Các chị biết cân bằng việc nước - việc nhà để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các chị đã khẳng định được mình có tri thức, có kinh nghiệm thực tế. Lợi thế của nữ làm lãnh đạo là mềm dẻo, tinh tế, cẩn thận, tỉ mỉ, các chị đều phát huy được. Hơn nữa bây giờ môi trường làm việc, sức khỏe của nữ giới đã tốt hơn rất nhiều, đó là điều kiện thuận lợi để các chị tham gia sâu vào hoạt động chính trị. Các chị là người trung hậu, đảm đang, chăm lo cho tổ ấm của mình. Chính vì vậy, huyện sẽ mạnh dạn kiến nghị tỉnh có chính sách đặc thù trong công tác cán bộ nữ là luân chuyển địa bàn gần nhà; thời gian luân chuyển còn 24 tháng, thay vì 36 tháng như quy định. Đây là động lực để các chị phấn đấu đóng góp công sức nhiều hơn vào công cuộc phát triển quê hương, đất nước”.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
93399

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu