Thứ 6, 29/03/2024 19:13:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:30, 13/05/2019 GMT+7

Chủ động khoanh vùng dập dịch tả lợn châu Phi

Thứ 2, 13/05/2019 | 10:30:00 3,710 lượt xem
BP - Ngày 10-5, UBND huyện Đồng Phú ra quyết định công bố dịch đối với dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn huyện. Dịch được xác định xảy ra ở thị trấn Tân Phú và xã Tân Lập từ ngày 8-5-2019. Đến nay, DTLCP mới chỉ phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ngành chức năng đang khẩn trương khoanh vùng, tập trung khống chế không để dịch lây lan diện rộng.

>> Đồng Phú xuất hiện thêm 2 ổ dịch tả lợn châu Phi
>> Phát hiện một nông hộ có 7 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi
>> Đồng Phú công bố dịch tả lợn châu Phi

Khoanh vùng, xử lý triệt để dịch

Ngày 9-5, đàn lợn 7 con của gia đình ông Nguyễn Đức Nhân ở khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú có triệu chứng sốt, bỏ ăn, táo bón. Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú y) cho thấy, mẫu bệnh phẩm lấy tại hộ chăn nuôi này dương tính với virus DTLCP và đây là ổ dịch đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đức Nhân cho biết: Hằng ngày, tôi thường gom thức ăn dư từ các hộ buôn bán bún, phở trong khu phố cho lợn ăn. Đây có thể là nguyên nhân khiến lây lan mầm bệnh. Đàn lợn có dấu hiệu bị bệnh từ ngày 6-5 nên tôi đã báo thú y địa phương, trưa 8-5 lấy mẫu đi kiểm tra, đến 23 giờ cùng ngày có kết quả dương tính với DTLCP.

Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn huyện Lộc Ninh đang chủ động phòng ngừa dịch tả lợn châu Phi

Tiếp đó, ngày 10-5, tại ấp 8, xã Tân Lập, tiếp tục phát hiện thêm 2 ổ dịch dương tính với DTLCP tại 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước đó, khi phát hiện 1 con lợn nái trong chuồng bị bệnh, ông Nguyễn Tuấn Biết ở ấp 8 nghĩ lợn chỉ bị bệnh thông thường nên mua thuốc về cho lợn uống nhưng lợn không khỏi mà có các triệu chứng bỏ ăn, sốt, đỏ da, ít vận động, sau 3 ngày thì chết. Đàn lợn 28 con của gia đình ông đồng loạt có các triệu chứng tương tự và chết liên tục nên ông Biết chủ động đem chôn. Khi cán bộ thú y đến ghi nhận thì chỉ còn 5 con lợn và đã tổ chức tiêu hủy toàn bộ số còn lại.

Dịch cũng nhanh chóng lây lan sang đàn lợn của hộ ông Lê Văn Duẩn (hàng xóm của ông Biết) và buộc phải tiêu hủy 9 con trong chuồng. Ông Duẩn cho biết: “Các hộ nuôi đều sử dụng cám của công ty có uy tín cho lợn ăn chứ không dùng thức ăn dư thừa nên không biết nguyên nhân dịch xuất phát từ đâu”. Ngay khi phát hiện dịch, ngành chức năng đã tập trung dập dịch tại chỗ và làm thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy đúng quy định.

Nhận định tình hình dịch có chiều hướng phức tạp do huyện Đồng Phú nằm trên tuyến giao thông huyết mạch ĐT741, lưu lượng xe qua lại đông, tiếp giáp các tỉnh có tổng đàn lợn lớn, vì vậy ngay trong ngày phát hiện dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp UBND huyện tổ chức họp khẩn đánh giá công tác phòng chống, khoanh vùng dịch, cắm biển báo cũng như quy trình xử lý khi phát hiện dịch.

Ông Văn Tài, Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Nơi xuất hiện ổ dịch giáp ranh với các xã An Thái, Phước Sang, An Bình và Tam Lập của huyện Phú Giáo (Bình Dương). Trong đó 2 xã An Thái và Phước Sang tiếp giáp ấp 8, nơi đang xảy ra dịch. UBND xã đã gửi công văn đến các xã giáp ranh, kịp thời có biện pháp phòng, chống và phối hợp với trạm kiểm dịch kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển lợn trên các tuyến đường, nhất là vùng ven giáp ranh với các tỉnh, thành khác.

Khống chế dịch bùng phát

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 11.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với trên 130.500 con và 251 trại chăn nuôi tập trung với tổng đàn gần 740.000 con. Riêng Đồng Phú có trên 71.000 con, phần lớn nuôi tập trung ở các trang trại. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, dịch lây lan là do đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đan xen trong khu dân cư, không thường xuyên vệ sinh phòng bệnh, sử dụng thực phẩm dư thừa cho lợn ăn khá phổ biến, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Ngoài ra, các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh từ các nơi đang có dịch đến làm tăng nguy cơ xâm nhập, lây lan bệnh; thời tiết biến đổi bất lợi, tạo điều kiện thuận lơi cho mầm bệnh phát triển.

Nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các lực lượng chức năng thành phố Đồng Xoài, phường Tân Phú phun hóa chất khử trùng trước khi tiêu hủy heo nhiễm bệnh tại hộ ông Đoàn Ngọc Thể ở khu phố Phú Mỹ - Ảnh: Kim Phụng

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VI chia sẻ: “Virus DTLCP có thể tồn tại rất lâu trong môi trường bình thường, còn ở trong thịt hoặc xúc xích có thể tồn tại từ 300-1.000 ngày. Trong phòng, chống dịch nếu chỉ tập trung tiêu hủy lợn bệnh mà không xử lý triệt để vấn đề môi trường thì nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng rất cao. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương và người chăn nuôi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tiêu độc, vệ sinh chuồng trại khu vực có dịch; xác định rõ vùng dịch, vùng nguy cơ để có phương án khống chế kịp thời.

Ông Nguyễn Văn Tặng, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho biết: Sau khi phát hiện ổ dịch, huyện đã phối hợp ngành chức năng tiêu hủy toàn bộ lợn bệnh và tổ chức tiêu độc khử trùng, khoanh vùng phạm vi dịch bệnh. Trọng tâm là đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống dịch cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng bị dịch uy hiếp. Trong thời gian có dịch, huyện cũng đề nghị các xã, tổ chức, cá nhân liên quan phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tạm dừng các hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bị nhiễm bệnh ra vào vùng dịch...

Chủ động phòng dịch

DTLCP mới xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trong phạm vi hẹp. Do vậy, giải pháp cấp bách để đối phó với dịch thời điểm này là người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không nên hoang mang, lo lắng mà phải thường xuyên cập nhật tin tức liên quan, tập trung phòng dịch, tăng cường tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tăng sức đề kháng cho lợn...

Anh Nguyễn Thanh Lâm, trưởng trại lợn Phước Thiện 2 ở xã Phước Thiện (Bù Đốp) cho biết: Trại đang nuôi gia công cho Công ty cổ phần CP Việt Nam 2.370 con lợn các loại. Trước diễn biến khó lường của DTLCP, trại đang thực hiện thường xuyên các biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại, rải vôi sát khuẩn, giảm mật độ đàn cũng như cách ly người và phương tiện ra vào trại. Lợn chết được xử lý tại trại, không đưa ra ngoài. Xe chở cám khi ra vào trại đều phải phun thuốc khử trùng theo quy định của dịch tễ. Công nhân ra vào trại phải đi qua hệ thống phòng dịch theo tiêu chuẩn của công ty. Đặc biệt, thức ăn của công nhân phải do công ty cung cấp, nghiêm cấm không đưa thức ăn từ bên ngoài vào trại.

DTLCP xảy ra sẽ để lại hậu quả rất nghiêm trọng với ngành chăn nuôi của tỉnh, bởi Bình Phước là địa phương có tổng đàn lớn. Vì vậy, tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ công tác phòng, chống dịch, tăng cường tuyên truyền các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và trang trại nhằm chủ động phòng ngừa lây lan dịch bệnh. “Sở đã tham mưu UBND tỉnh có chỉ đạo nhanh về vấn đề này, đồng thời thông báo đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nắm bắt thông tin diễn biến để có biện pháp phòng ngừa. Các cấp, ngành, địa phương phải tập trung cao độ trong công tác phòng dịch, hạn chế tối đa phát sinh mới. Cần báo ngay cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không che giấu khi phát hiện lợn có biểu hiện khác thường” - ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị.

Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do DTLCP gây ra, chỉ sự nỗ lực của các nhà quản lý, ngành chức năng, tổ chức xã hội thì chưa đủ mà rất cần sự chung tay của chính người dân, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là việc tự ý thức trong phòng chống dịch.

Ngân Hà

Đồng Xoài tiêu hủy 50 con lợn rừng lai nghi nhiễm DTLCP

UBND thành phố Đồng Xoài, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố và UBND phường Tân Phú sáng 11-5 đã kiểm tra, lập biên bản, thực hiện các biện pháp và quy trình tiêu hủy 50 con lợn rừng lai của 2 hộ chăn nuôi thuộc địa bàn khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú nghi bị nhiễm DTLCP.

Trước đó, ngày 10-5, hộ ông Đoàn Ngọc Thể và hộ ông Phạm Hồng Văn có trại lợn rừng lai cạnh nhau phát hiện 2 con lợn trong đàn của gia đình ông Thể bị bệnh chết, số còn lại có dấu hiệu bất thường. 2 hộ đã báo cáo UBND phường và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố. Sau đó, UBND thành phố và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đến kiểm tra, lấy mẫu thịt của 2 con lợn chết gửi về TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm. Kết quả mẫu xét nghiệm dương tính với DTLCP.

Do vậy, toàn bộ 50 con lợn rừng lai, trọng lượng gần 1.200kg của 2 hộ đã được các lực lượng chức năng thu gom tiêu hủy đúng quy định. Cùng với đó, gần 2.000m2 chuồng chăn nuôi của 2 hộ được rắc vôi bột và phun hóa chất khử trùng.

Chiều cùng ngày, Phó chủ tịch UBND thành phố Phạm Văn Liêm chủ trì họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm nguy hiểm trên địa bàn thành phố.

Kim Phụng

  • Từ khóa
94544

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu