Thứ 6, 29/03/2024 19:40:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:47, 13/12/2014 GMT+7

70 NĂM QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG

Chiến dịch Bắc Tây Nguyên 1972: Thành công của nghệ thuật tạo lập thế trận, nghi binh lừa địch

Thứ 7, 13/12/2014 | 09:47:00 6,127 lượt xem
BPO - Thực hiện quyết tâm mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, tháng 3-1972, Đảng ủy và Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã mở chiến dịch tiến công ở khu vực Bắc Tây Nguyên, nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng địch, giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh và thị xã Kon Tum, mở rộng vùng căn cứ phía tây Gia Lai, Đắc Lắc, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ.
Bộ đội hành quân diệt địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu.
 

Bộ Tư lệnh chiến dịch đã huy động lực lượng tương đương 1 quân đoàn, bao gồm 2 sư đoàn (320 và 2), 4 trung đoàn (66, 95, 28 và 24), 1 tiểu đoàn bộ binh, Trung đoàn đặc công 400, 1 tiểu đoàn xe tăng, 2 trung đoàn pháo binh, 6 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 đại đội tên lửa chống tăng B-72 cùng LLVT địa phương. Lúc này, lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa bố trí trên địa bàn chiến dịch có 2 sư đoàn bộ binh (22 và 23), 2 lữ đoàn dù, 2 liên đoàn biệt động quân, 10 chi đoàn thiết giáp, 10 tiểu đoàn pháo binh, 25 đại đội bảo an, 112 trung đội dân vệ, 3 đại đội thám báo và 30 đoàn bình định.

Từ ngày 30-3-1972, chiến dịch Bắc Tây Nguyên mở màn đồng loạt với các hướng tiến công chiến lược ở Bắc Quảng Trị, Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu 5, đồng bằng sông Cửu Long. Các đòn tiến công dồn dập trên chiến trường Bắc Tây Nguyên đã đánh mạnh vào tuyến phòng thủ ngoại vi của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên dãy điểm cao tây sông Pô Cô. Lợi dụng thế bố trí dài và hẹp của địch trên địa bàn rừng núi Bắc Tây Nguyên, ta tạo thế chia cắt buộc địch phải đối phó cả ở phía trên và dưới thị xã Kon Tum, khiến 2 lữ đoàn dù và Sư đoàn 23 Quân đội Việt Nam Cộng hòa bị giam chân không thể ứng cứu cho nhau. Ngày 24-4-1972, sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta tiến hành đột phá hệ thống phòng thủ kiên cố đang bị cô lập của Sư đoàn 22 quân đội Việt Nam Cộng hòa ở Đắc Tô - Tân Cảnh, giải phóng hai quận Đắc Tô và Tân Cảnh. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, ta tiêu diệt được một căn cứ sư đoàn trên tuyến phòng thủ vững chắc của địch.

Trên đà thắng lợi, từ ngày 25-4 đến ngày 5-6-1972, ta tập trung lực lượng tiến công địch co cụm xung quanh thị xã Kon Tum, dồn địch vào trung tâm thị xã, đánh chiếm được một số vị trí quan trọng như khu hành chính, Sở chỉ huy Trung đoàn 44, khu chiêu hồi, bệnh viện dã chiến, khu kho 40 và 41... giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum, cắt đứt đường số 14 và đánh bại nhiều địch phản kích của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau khi giành được nhiều thắng lợi quan trọng, ngày 5-6-1972, ta chủ động kết thúc chiến dịch, chuyển sang hoạt động chống phá bình định.

Sơ đồ chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Ảnh tư liệu
.

Trải qua hơn 2 tháng kiên trì đấu trí, đấu lực, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, quân dân Mặt trận Tây Nguyên đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 7.400 địch, bắn rơi 207 máy bay, phá hủy 849 xe quân sự, thu 14 khẩu pháo, 13 xe tăng, xe bọc thép, 4 máy bay trực thăng, hơn 4.000 súng các loại; giải phóng khu vực bắc Kon Tum, góp phần phát triển thế và lực của ta trong cuộc tiến công chiến lược 1972. Nét đặc sắc của chiến dịch Bắc Tây Nguyên là nghệ thuật lập thế, nghi binh, kéo địch ra phía Tây sông Pô Cô để tiêu diệt, tạo điều kiện tập trung lực lượng đánh chiếm Đắc Tô - Tân Cảnh. Lần đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội xe tăng đã xuất hiện và phát huy sức mạnh đột kích trong những trận đánh công sự vững chắc.

Trong hoàn cảnh đương đầu với kẻ địch đông và mạnh, tác chiến dài ngày trên chiến trường có chiều sâu lớn, chiến dịch Bắc Tây Nguyên thắng lợi đã góp phần phát triển, hoàn thiện thêm một bước nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, đánh dấu bước trưởng thành của bộ đội chủ lực Tây Nguyên.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
12255

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu