Thứ 7, 20/04/2024 01:28:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:15, 02/04/2017 GMT+7

Cảnh giác với “Giặc lửa”  - Bài 1

Chủ nhật, 02/04/2017 | 15:15:00 223 lượt xem
BP - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh và cả nước xảy ra nhiều vụ cháy, nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Thực trạng này đặt ra cho cơ quan chức năng và các cấp chính quyền cần có biện pháp mạnh để lập lại trật tự về phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn.

NGUY CƠ CHÁY TỪ CÁC QUÁN KARAOKE

Sau vụ cháy quán karaoke ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) tháng 11-2016 làm 13 người thiệt mạng, vấn đề an toàn cháy, nổ tại các điểm kinh doanh karaoke, nhà hàng, quán bar được dư luận xã hội và chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Bình Phước tuy chưa xảy ra vụ cháy, nổ nào liên quan đến quán karaoke nhưng qua kiểm tra cho thấy nhiều nguy cơ cháy, nổ, hiểm họa rình rập từ loại hình kinh doanh dịch vụ này.

 

Kiểm tra an toàn PCCC tại một số quán karaoke trên địa bàn thị xã Đồng XoàiKiểm tra an toàn PCCC tại một số quán karaoke trên địa bàn thị xã Đồng Xoài

Thực hiện Điện khẩn số 47-ĐK:HT ngày 2-11-2016 của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an về việc kiểm tra an toàn PCCC chuyên đề các cơ sở vui chơi giải trí, tập trung đông người, ngay trong tháng 11-2016, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng công an các huyện, thị xã rà soát, tổng kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, nhà hàng, khu vực tập trung đông người trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Công an tỉnh đã thành lập 5 tổ công tác, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 137 cơ sở. Trong đó có 5 nhà hàng, quán ăn; 3 quán bar; 112 cơ sở kinh doanh karaoke, 17 cơ sở massage. Qua kiểm tra cho thấy, đa số cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này là loại nhà chỉ có 1 tầng. Các cửa thoát hiểm dẫn trực tiếp ra sân, bãi đất trống tương đối thuận tiện cho việc thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra. 100% các cơ sở đã lắp đặt thiết bị đóng ngắt điện tự động cho từng phòng và từng khu vực. Dây dẫn điện đi âm trong tường, không tiếp xúc trực tiếp với các dạng chất cháy... Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở kinh doanh quy mô lớn, được đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh được người dân tận dụng nhà cũ, cải tạo, cơi nới thành phòng hát phục vụ khách.

Để tạo ấn tượng với khách hàng, các cơ sở kinh doanh karaoke xây dựng khép kín, trang trí nhiều màu sắc, đèn chiếu sáng. Một số quán thiết kế như “ma trận” với nhiều ngã rẽ nhưng tất cả phòng hát chỉ có một cửa ra vào, chưa đảm bảo quy định về chiều rộng để thoát nạn trong trường hợp xảy ra sự cố cháy nổ. Sự ngột ngạt trong mỗi phòng hát được các chủ quán “hóa giải” bằng những máy điều hòa công suất lớn. Nguy hiểm hơn, để tăng hiệu quả cách âm, các quán karaoke thường ốp nệm mút, ván ép, thạch cao lên tường rất dày. Đây đều là những vật liệu dễ cháy và rất khó dập lửa khi xảy ra sự cố. 

Một thực trạng đáng báo động là các nhà hàng, tiệc cưới, quán ăn có diện tích lớn, lượng người tập trung cùng một thời điểm đông. Trong khi đó, đa số nhà hàng sử dụng vật liệu nguy hiểm dễ gây cháy, nổ như bình gas mini, cồn khô, thiết bị tạo khói, bàn ghế, rèm vải... Thế nhưng, các công cụ PCCC như bình bột, còi báo động, búa rìu cứu nạn tại đây lại được bố trí ở những góc khuất, khó nhìn thấy. Theo lý giải của các chủ quán, phòng ốc rộng rãi, sân bãi lớn nên rất khó xảy ra cháy nổ. Để dụng cụ PCCC trong phòng mất thẩm mỹ và nhiều khách hàng lấy ra đùa nghịch dễ gây hậu quả khó lường...

Đặc biệt, trong số 277 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, nhà hàng trên địa bàn tỉnh đang hoạt động, có 31 cơ sở thuộc diện thẩm duyệt về PCCC. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có 9 cơ sở thực hiện thẩm duyệt. Một số cơ sở trong quá trình hoạt động đã tự ý cơi nới, cải tạo, mở rộng diện tích nhưng không thông báo cơ quan chức năng xem xét, thẩm duyệt về PCCC. Những cơ sở này chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ các yêu cầu trong thiết kế PCCC, thoát nạn cũng như trang bị chưa đầy đủ các hệ thống, phương tiện PCCC theo quy định. Đội PCCC của các cơ sở này thường chỉ có 1-2 người. Tuy đã được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC nhưng chủ yếu là chủ cơ sở. Số còn lại đa số là nhân viên thời vụ, làm việc trong thời gian ngắn, thường xuyên thay đổi nên thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC. Lối thoát hiểm của nhiều cơ sở chưa được trang bị thiết bị báo động và biển chỉ dẫn thoát nạn. Một số cơ sở trang bị bình chữa cháy không đúng chủng loại so với tính chất hoạt động của đơn vị, hoặc có trang bị nhưng không đủ số lượng tối thiểu 1 bình/50m2 diện tích sàn.

Thượng tá Hoàng Văn Hiệp, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết: Đa số quán karaoke còn lơ là với PCCC. Sau khi kiểm tra, đoàn yêu cầu các cơ sở khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định. Dự kiến quý 2/2017, phòng sẽ tổ chức các lớp tuyên truyền, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về PCCC cho chủ và nhân viên các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này. 

Bình Phước hiện có 277 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, massage, quán bar, nhà hàng đang hoạt động. Trong đó, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh quản lý 44 cơ sở; công an các huyện, thị xã quản lý 233 cơ sở. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 28 cơ sở với 92 triệu đồng. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh đình chỉ hoạt động 1 cơ sở. Các cơ sở này chủ yếu vi phạm về hệ thống thoát nạn; hệ thống và phương tiện PCCC; sắp xếp, bảo quản hồ sơ và trách nhiệm của người đứng đầu. 

>> Bài 2: Làm gì để phòng ngừa hỏa hoạn?

Minh Luận

  • Từ khóa
93247

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu