Thứ 6, 29/03/2024 13:48:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:22, 22/03/2018 GMT+7

Cần hiểu đúng về xã hội dân sự

Thứ 5, 22/03/2018 | 07:22:00 1,928 lượt xem

BP - Cùng với những thành tựu trong xây dựng nhà nước pháp quyền trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, những trào lưu, quan điểm đề cao xã hội dân sự (XHDS) cũng được nhắc đến thường xuyên. Đáng chú ý hơn cả là luận điệu của các thế lực thù địch muốn lợi dụng XHDS như một tổ chức để làm đối trọng chống đối Nhà nước pháp quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này, trước hết ta cần biết về quan niệm và cấu trúc của XHDS hiện nay.

KỲ 1:

Sự hình thành quan niệm  về XHDS Trong lịch sử

Thuật ngữ XHDS được Marcus Tullius Cicero (106-43 TCN - nhà triết học, nhà hùng biện La Mã cổ đại lừng danh) đề cập lần đầu tiên ở thế kỷ I trước Công nguyên, tiếng Latin là civilic - nghĩa là xã hội công dân (XHCD). Và nó chỉ chính thức được thừa nhận ở châu Âu vào năm 1400, cũng với nghĩa là XHCD. Từ giữa thế kỷ XIX trở lại đây, cùng với những thành tựu trong xây dựng nhà nước pháp quyền, XHDS mới được bàn đến nhiều, mới được đề cập tới như một đối tác của nhà nước, cùng với nhà nước và thị trường tạo thành thế chân kiềng của sự phát triển xã hội. Cũng từ đây, thuật ngữ XHDS mới được hiểu theo nghĩa khác hoàn toàn với XHCD. Theo đó, XHCD được hiểu là một chính thể, quốc gia, được hình thành từ nhiều loại công dân như: thường dân, thứ dân, kiều dân, giáo dân, lương dân... để phân biệt với xã hội thần dân (civil people). Như vậy, XHCD nghiêng về cấu trúc, kết cấu trong hệ thống xã hội, còn XHDS lại gồm cả chức năng và mối quan hệ trong hệ thống đó. Với nghĩa ban đầu tốt đẹp đó, XHDS chính là một đối tác, đối trọng của nhà nước.

Tuy nhiên, hiện chưa có một tổ chức, quốc gia nào đưa ra được khái niệm đầy đủ, rõ ràng về XHDS. Quan niệm về XHDS còn rất mơ hồ, chưa hình dung nổi nếu có một XHDS thật sự thì nó có quyền lực gì, chi phối xã hội ra sao? Mỗi nước, mỗi tổ chức có một cách hiểu khác nhau về XHDS, tùy theo cách tiếp cận.  Từ góc độ đối xứng tương tác, người ta cho rằng XHDS là tổ chức ngoài nhà nước, bên cạnh nhà nước, không thuộc nhà nước. Nếu hiểu theo cách này thì trên thế giới hiện nay chưa có một tổ chức nào như thế. Từ góc độ xác định chủ thể của sự vật hiện tượng thì Tổ chức Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) cho XHDS là diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi người bắt tay nhau để thực hiện quyền lợi chung. Theo cách diễn đạt này thì XHDS quá đơn giản, bởi chế độ chính trị nào, dù phản động hay tiến bộ đều có tuyên ngôn vì quyền lợi chung của đất nước mình, nhân dân mình.

Có quan niệm lại cho rằng “XHDS là xã hội trong đó các tổ chức khác nhau của các công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm,... thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình” (Tác phẩm “Chế độ dân chủ, nhà nước và xã hội” của N.M.Voskresenskaia và N.B.Dalevletshina). Nếu quan niệm như vậy thì lộ rõ mục đích chính trị của các tổ chức XHDS là đối kháng, chống lại nhà nước. Theo Alexis de Tocqueville, Ngoại trưởng Pháp (1849), trong tác phẩm nổi tiếng “Về nền dân trị ở Mỹ”  viết: “Người Mỹ lập hội để tổ chức lễ, tết, lập hội để mở trường học theo lối các Séminaires (trường dòng, trường chủng viện - tác giả), lập hội để xây dựng các quán nhậu, để dựng nhà thờ, để quảng bá sách, để cử các nhà truyền giáo đi tới những vùng xa xôi tận đẩu tận đâu” (Bản tiếng Việt, Phạm Toàn dịch, NXB Tri thức, Hà Nội, 1-2007).

Mặc dù còn nhiều cách hiểu khác nhau, song theo PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thanh Tú thì XHDS có thể tiếp cận trên các hướng sau: (1) XHDS tồn tại một cách độc lập và có phần đối trọng (chứ không phải đối lập) với nhà nước, các công dân tự tổ chức thành nhóm và giải quyết các vấn đề phát sinh thông qua đối thoại theo nguyên tắc phi bạo lực. Các tổ chức này kiểm soát, điều tiết mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường; (2) XHDS là một bộ phận cấu thành xã hội, không hoàn toàn tách biệt với nhà nước, thị trường và gia đình, các tổ chức xã hội nhằm đem lại sự đồng thuận tốt lành cho mọi người; (3) XHDS đề cao vai trò liên kết, hợp tác giữa các bên tham gia thảo luận đối thoại. (Cần hiểu đúng về xã hội dân sự - Tài liệu tham khảo về đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, Nxb QĐND, xuất bản năm 2014, trang 236).

Tóm lại, XHDS là một vấn đề cần phải được nghiên cứu, làm sáng tỏ để thống nhất chung về nhận thức trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay. Vì vậy, kêu gọi Nhà nước Việt Nam phải cho phép tự do thành lập các tổ chức XHDS, công nhận hoạt động của các tổ chức XHDS theo tiêu chuẩn, ý chí và pháp luật của nước khác về XHDS là một sự khiên cưỡng, gượng ép, một đòi hỏi phi lý, không thể chấp nhận.

Cấu trúc của XHDS

Trong công trình nghiên cứu “Xã hội dân sự - những khái niệm cơ bản” tác giả Vũ Duy Phú (Viện Những vấn đề phát triển - Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng: Cấu trúc của XHDS được hình thành bởi nhiều bộ phận, trong đó có các bộ phận quan trọng như các tổ chức xã hội có tính đại diện giới, ở Việt Nam gọi là các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức xã hội có tính đại diện nghề nghiệp, ngành, lĩnh vực (các hội và liên hiệp hội thuộc các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, văn hóa nghệ thuật...); các phương tiện truyền thông đại chúng ngoài nhà nước, các nhà xuất bản, các đài, báo, kể cả của tư nhân và các nhóm không chính thức; các tổ chức từ thiện của các tôn giáo và tổ chức tín ngưỡng. Như vậy, theo hướng nghiên cứu này, ở nước ta hiện nay đã và đang tồn tại nhiều tổ chức XHDS như công đoàn, hội nông dân, hội phụ nữ, hội bảo trợ người khuyết tật, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hội những người yêu bon sai, hội làm vườn...

Theo Bộ Nội vụ thì các hội ở nước ta hiện nay rất phong phú và đa dạng về loại hình tổ chức, mục tiêu, tôn chỉ và phương thức hoạt động. Căn cứ vào tính chất, đặc điểm của các tổ chức xã hội, có thể phân thành các nhóm: hội chính trị - xã hội và chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hội xã hội, nhân đạo, từ thiện; hội xã hội - nghề nghiệp; hiệp hội kinh tế; quỹ xã hội, nhân đạo. Dựa vào phạm vi hoạt động, có thể phân thành: các hội, quỹ có phạm vi hoạt động toàn quốc; hội, quỹ hoạt động ở địa phương; các tổ chức cộng đồng dân cư ở nông thôn. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ mang tính chất tương đối (Theo Báo cáo thực trạng tổ chức, hoạt động của các hội năm 2014 - Bộ Nội vụ).

Đây là một vấn đề hết sức phức tạp, đang được tiếp tục nghiên cứu để ban hành luật. Tuy nhiên, lợi dụng tình hình này, có nhiều luận điệu xuyên tạc, kích động đã xuất hiện, cho rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, đòi tự thành lập XHDS để chống phá chính quyền và nhân dân. Vậy vì sao ở nước ta hiện nay, các tổ chức XHDS chưa được cấp phép thành lập mới và thực chất âm mưu đòi thành lập các tổ chức XHDS ở Việt Nam hiện nay là gì? Mời đón đọc kỳ sau.

Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2751

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu