Thứ 7, 04/05/2024 16:58:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:18, 12/12/2014 GMT+7

Cầm cố điều non trong đồng bào DTTS “nóng” nguy cơ tái nghèo

Thứ 6, 12/12/2014 | 07:18:00 187 lượt xem
BP - Vài năm trở lại đây, tình trạng mua bán, cầm cố điều non ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong tỉnh diễn biến rất phức tạp. Hàng ngàn ha điều của đồng bào DTTS bị bán “non”. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

ÂM Ỉ “THỊ TRƯỜNG” MUA - BÁN ĐIỀU NON

Trong vai người tìm mua điều non, chúng tôi đến nhà ông Điểu Lế ở thôn 4, xã Bình Minh (Bù Đăng). Ông bà Điểu Lế có 4 người con đều đã lập gia đình. Ba người đã ra ở riêng. Hiện ông bà đang ở cùng vợ chồng con trai Điểu Sơn và 3 đứa cháu. Bảy người hiện phải ở trong căn nhà tạm được dựng nhờ trên mảnh đất của người bà con cùng thôn. Căn nhà vách nứa tuềnh toàng không một tài sản đáng giá. Khi chúng tôi hỏi mua điều non, ông Điểu Lế cho biết đã bán rồi.

Ông Điểu Lế (trái) đã bán non vườn điều của gia đình, nay già yếu nên cuộc sống rất khó khăn

Ông đưa chúng tôi xem tờ giấy mua bán điều non ghi ngày 13-3-2014, giữa gia đình ông với một người tên Phan Quốc Thắng. Tờ giấy mua bán điều non này có 2 người làm chứng. Hai bên thống nhất bán 1,4 ha điều non thời hạn 6 năm, tính từ tháng 8-2015 đến tháng 8-2021 với giá 46 triệu đồng. Được biết, gia đình ông Điểu Lế từng bán diện tích điều non này từ năm 2010 và đến tháng 8-2015 mới hết hạn.

Gia đình ông Điểu Muôn ở thôn 2, xã Bình Minh (Bù Đăng) từng ổn định kinh tế nhờ gần 10 ha điều. Nhưng 5 năm trở lại đây, gia đình ông đã phải bán điều non toàn bộ diện tích này trong nhiều năm để lấy tiền trả nợ. Tuy nhiên, số tiền bán gần 10 ha điều non mấy năm liền vẫn không đủ trả nợ nên ông phải bán đứt hơn 2 ha điều. Giờ đây, cha con ông Điểu Muôn phải đi làm thuê, làm mướn cho các chủ vườn để lấy tiền công sống qua ngày.

Kinh tế ổn định nhưng bản tính thật thà nên khi một số hộ đồng bào DTTS nhờ ông Điểu Muôn đứng ra vay giúp thì ông đã không ngần ngại. Nhưng làm ăn thất bại nên họ không thể trả và biến ông thành con nợ. Một số hộ khác thì rơi vào bi kịch cầm cố, bán điều non là do tập quán cưới hỏi tốn kém. Mỗi đám cưới nhà trai phải mang đủ trâu, bò, heo, tố, xà lung... đến nhà gái có giá trị từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng làm lễ vật. Không ít gia đình phải đi vay mượn tiền với lãi suất cao sắm lễ rồi lâm cảnh nợ nần. Số khác thì không biết tính toán làm ăn, chi tiêu không hợp lý dẫn đến thiếu nợ, lâu ngày lãi chồng lãi không có khả năng chi trả nên phải bán điều non.

GIẢI PHÁP NÀO NGĂN CHẶN?

Giấy viết tay ông Điểu Lế bán điều non

Sau cầm cố hoặc bán điều non, các hộ đồng bào DTTS đều rơi vào cảnh bi đát. Bán vườn điều non thời gian 11 năm, giờ Điểu Sơn phải đi làm mướn nuôi cả gia đình 7 người. Vợ Điểu Sơn phải ở nhà giữ 3 đứa con nhỏ, còn ông bà Điểu Lế đã quá già yếu không phụ giúp được. Tiền công Điểu Sơn làm mướn luôn thiếu trước hụt sau. Số tiền thiếu nợ gạo muối và thức ăn các quán được tính cả gốc và lãi cứ mỗi ngày thêm tăng. Còn ông Điểu Muôn đang phải làm mướn trên chính vườn của mình cho biết, già rồi chỉ làm cỏ hay xịt thuốc mướn thôi, không còn đủ sức hái cà phê và vác điều như người ta. 

Anh Nguyễn Xuân Kiên, Trưởng thôn 4, xã Bình Minh cho biết: Hầu hết các vụ giao dịch mua bán, cầm cố vườn điều non trong đồng bào DTTS diễn ra kín đáo. Người bán và người mua tự tìm đến với nhau thống nhất giá cả rồi cùng ký vào bản viết tay có mời người làm chứng mà không đến chính quyền. Vì thế, chúng tôi hầu như không biết. Nếu biết, chúng tôi đã ngăn chặn.

Những rẫy điều bạt ngàn ở sóc Bom Bo mùa thay lá (ảnh lớn). Ông Điểu BLố ở thôn 2, xã Bình Minh (Bù Đăng) đang phải làm thuê trên chính rẫy điều của mình (ảnh nhỏ)

 
Theo luật, cầm cố vườn điều non trong đồng bào là tự nguyện không sai quy định. Tuy nhiên về lâu dài, nếu không ngăn chặn sẽ dẫn đến việc đồng bào phải gán đất để trả nợ và mất hết đất sản xuất. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến bất ổn về an ninh trật tự và tái nghèo. Những năm qua, Đảng ủy, UBND và các đoàn thể xã Bình Minh cũng luôn trăn trở tìm biện pháp nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, hạn chế và ngăn chặn tình trạng mua bán, cầm cố vườn điều non. Tuy nhiên, một giải pháp căn cơ thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào thì chính quyền xã vẫn chưa tìm ra.

ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Bình Minh đề xuất: Cấp trên cần phải có những dự án riêng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó xây dựng những mô hình cụ thể, như hợp tác xã nông - lâm nghiệp để định hướng cho đồng bào tính toán làm ăn, nâng cao hiệu suất lao động, giúp họ thoát nghèo. 

Theo thống kê của Ban Dân tộc, toàn tỉnh hiện có gần 700 hộ cầm cố hoặc bán điều non thời gian từ 1 đến 11 năm, với tổng diện tích gần 1.100 ha. Huyện Bù Đăng có gần 450 hộ cầm cố hoặc bán điều non, với diện tích trên 800 ha. Riêng xã Bình Minh có 118 hộ với diện tích gần 200 ha. Và đây có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng cầm cố, bán điều non trong đồng bào DTTS.

     

Văn Tuyên - Trung Sinh

  • Từ khóa
50442

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu