Thứ 6, 19/04/2024 20:57:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:22, 26/02/2016 GMT+7

Bù Đốp đối mặt với nắng hạn - Bài 1

Thứ 6, 26/02/2016 | 13:22:00 271 lượt xem

KHÁT CHỒNG LÊN KHÁT

BP - 10 giờ trưa, nắng như đổ lửa xuống đồng ruộng, tiếng máy nổ xình xịch đều đặn bơm nước. Ao có nước lúc nào thì tưới lúc đó, bất chấp nắng nóng như thiêu đốt cây trồng. Tranh thủ tưới đêm không đủ nước, người dân ấp 2, xã Thanh Hòa (Bù Đốp) tưới cả ngày. Dù vậy vẫn tốt hơn nhiều so với người dân ấp 8 cùng xã không có giọt nước nào để tưới cho cây. Có người muốn bỏ rẫy đi làm thuê để không phải nhìn thấy cây trồng của mình chết đứng trong khô hạn.

VÉT AO - AO CẠN

Cách đây hơn một tuần, nhà nông Điểu Dương, già làng của ấp 8, xã Thanh Hòa đã thuê máy nạo ao hết 8,5 triệu đồng nhưng vẫn không tìm thấy nước. Để cứu lấy 500 nọc tiêu của gia đình, già làng Điểu Dương phải thuê ao nhà hàng xóm với mức giá 100 ngàn đồng/giờ để bơm nước tưới tiêu. Thế nhưng lượng nước vẫn không đủ đáp ứng cho vườn tiêu nên đã có 110 nọc tiêu héo vàng. May mắn hơn già làng Điểu Dương, hộ ông Đinh Quang Chính vừa vét lại cái ao bao năm qua không hề hết nước vào mùa khô mất 4,5 triệu đồng. Vậy mà chờ cả ngày, cái ao sau khi vét chỉ đủ nước tưới cho 20 đến 30 nọc tiêu. Phải mất đến 10 ngày, gia đình ông Chính mới tưới được một lượt 400 nọc tiêu. Cạnh đó, nhà của Điểu Ché không tìm được nguồn nước nên 200 nọc tiêu 5 tuổi đang héo úa trong vườn đất khô khốc.

1,5 ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Đỏ ở ấp 8, xã Thanh Hòa đang chết khô vì thiếu nước tưới1,5 ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Đỏ ở ấp 8, xã Thanh Hòa đang chết khô vì thiếu nước tưới

Đã hơn 10 ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Đỏ không tìm được nguồn nước tưới nên 1,5 ha cà phê 10 tuổi chuyển từ màu xanh sang màu vàng. 1/3 số cây cà phê trong vườn đã chuyển hẳn sang màu đen. Sờ đến lá, lá rụng. Cầm đến cành, cành gãy rụm. Vợ ông, bà Nguyễn Thị Lan bảo rằng: “Nếu một tháng nữa, trời không mưa chắc cả nhà phải đi làm thuê chú ơi! Nhìn cây cà phê xót lắm, biết nó chết vì thiếu nước nhưng mình không làm gì được. Mỗi ngày cứ nhìn vườn cây khô héo dần trong nắng gắt sau 10 năm chăm sóc khó nhọc, hỏi ai không buồn cơ chứ?!”.

Xã Thanh Hòa có 420 ha hồ tiêu nhưng hiện 347 ha đã rơi vào tình trạng thiếu nước tưới. Trong tổng số 352 ha cà phê của xã, đã có 150 ha thiếu nước đang héo vàng. Tổng diện tích lúa của xã 318 ha thì cả con số này đều bỏ trống trong vụ đông xuân vừa qua, lý do đơn giản là thiếu nước tưới. Có những hộ tiếc rẻ đất hoang gieo trồng lúa trong vụ đông xuân vừa rồi nhưng đều chết khô.

Tại ấp 5, gia đình ông Võ Văn Thử chỉ có 54 nọc tiêu nhưng vẫn không đủ nước tưới. Biết trước mùa khô năm nay sẽ khốc liệt, đại gia đình ông Hoàng Văn Lan đã đầu tư hết 17 triệu đồng để kéo điện khoan giếng nhưng giếng khoan vẫn không đủ nước tưới cho 2 ha hồ tiêu của gia đình. Không chỉ giếng đào, giếng khoan mà ngay cả ao, hồ tại ấp 5, ấp 8, xã Thanh Hòa đều khô cạn. Người dân tìm mọi cách móc, nạo, vét ao nhưng vẫn không có nước.

MUỐN KHOAN GIẾNG, KHÔNG CÓ ĐIỆN

Ngay UBND xã Thanh Hòa hiện giếng khoan cũng đã hết nước. Chủ tịch UBND xã Vũ Viết Duy cho biết, các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế xã cả 2 tuần qua chia nhau từng can nước sinh hoạt. Nỗi lo của xã hiện nay không chỉ thiếu nước sinh hoạt, nước tưới mà còn thiếu cả điện. Nhiều hộ muốn khoan giếng để lấy nước tưới tiêu nhưng khổ nỗi không có điện. Nằm cách UBND xã 300m tính theo đường chim bay và 1km theo đường bộ nhưng bao năm qua người dân ấp 8 vẫn chưa có điện. Già làng Điểu Dương nói như than thở: “Bà con ở đây từ năm 1977 nhưng đến nay vẫn không có điện. Giá điện sinh hoạt đến tay đồng bào ấp 8 lên đến 9.000 đồng/kWh. Mấy tháng nay đóng tiền điện sợ luôn”.

Điện yếu, gia đình anh Liêu Văn Thì ở ấp 5, xã Thanh Hòa phải dùng máy nổ để tạo nguồn điện bơm nước giếng khoanĐiện yếu, gia đình anh Liêu Văn Thì ở ấp 5, xã Thanh Hòa phải dùng máy nổ để tạo nguồn điện bơm nước giếng khoan

Mỗi tháng gia đình già làng Điểu Dương phải đóng tiền điện dao động từ 650 đến 700 ngàn đồng. Cá biệt như hộ ông Nguyễn Hữu Tùng tháng vừa qua đóng tiền điện lên đến 900 ngàn đồng. Điều đáng nói là phần lớn mọi gia đình trong ấp 8 đều không có máy giặt, máy nước nóng hay máy lạnh, hầu hết điện chỉ dùng thắp sáng hoặc tưới tiêu. Thế nhưng, tiền điện hằng tháng người dân phải trả khá cao. Dù vậy điện ở xã Thanh Hòa vẫn đang là cơn “khát”, có tiền nhưng không có điện để dùng.

“Từ đầu mùa khô đến nay, Điện lực Bù Đốp đã nâng công suất 33 trạm biến áp để phục vụ nhu cầu tưới tiêu trên địa bàn huyện. Tổng kinh phí đầu tư 226 triệu đồng, gấp 3 lần so với những mùa khô trước đây. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện của người dân là không thể tránh khỏi. Bởi suất đầu tư cho mỗi hộ dân ở huyện Bù Đốp là quá lớn. Nếu tính theo suất đầu tư thì huyện Bù Đốp còn lâu mới đến lượt. Cũng may lãnh đạo ngành điện không tính như thế nên hằng năm Bù Đốp vẫn có nguồn để đầu tư”.

Ông Mai Quy Tiên, Giám đốc Điện lực Bù Đốp

Hộ ông Liêu Văn Thì ở ấp 5 có 250 nọc tiêu và một giếng khoan. Thế nhưng trước tết, gia đình ông phải đầu tư thêm máy nổ chạy lấy điện thắp sáng. Ngoài thắp sáng, máy nổ còn có chức năng tạo nguồn điện để bơm nước giếng khoan. Ông Thì cho biết: “Điện sinh hoạt của 60 hộ dân tại tổ 5 hiện rất yếu. Từ 6 đến 10 giờ đêm không thể xem tivi. Gia đình nào sử dụng bóng dài hoặc ngay cả bóng compact có khi điện cũng không thể sáng được. Quạt máy, nồi cơm điện chỉ để không. Vậy mà hằng tháng, mỗi gia đình ở đây phải trả bình quân từ 250 đến 500 ngàn đồng tiền điện”.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Trưởng ấp 5 cho biết, cả ấp có 218 hộ nhưng hiện chỉ 56 hộ có điện. Để có điện sinh hoạt, người dân chia sẻ với nhau nhà này nối tiếp nhà kia. Cây tre, cây gỗ, cây điều hoặc bất kỳ loại cây gì dựng lên được cũng có thể dùng làm trụ điện. Người dân tự trồng trụ, tự kéo nên hao tổn điện ở đường dây rất lớn. Nhưng không còn cách nào khác.

Tương tự, người dân ấp 8, ấp 2, ấp 3 hiện cũng đang trong cơn “khát” điện. Ngay cả nhà văn hóa cộng đồng của các ấp nói trên cũng không có điện để sinh hoạt. “Cả xã Thanh Hòa hiện có đến 896 hộ chưa có điện sinh hoạt, chiếm gần 40% tổng số hộ trong xã. Nhu cầu sử dụng điện của người dân rất lớn, thế nhưng tỷ lệ hộ có điện sinh hoạt trên địa bàn xã hiện chỉ mới đạt 60%. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, trông chờ vốn nhưng vẫn không biết lấy từ nguồn nào để đầu tư lưới điện” - ông Vũ Viết Duy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa chia sẻ.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92863

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu