Thứ 5, 18/04/2024 17:34:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:14, 17/08/2016 GMT+7

Bết bát chuỗi dịch vụ ăn theo sinh viên - Bài 1

Thứ 4, 17/08/2016 | 08:14:00 391 lượt xem
BP - Những năm trước, các trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật, trung cấp Y tế và cao đẳng Sư phạm tuyển sinh khá nhiều. Lượng học sinh, sinh viên theo học đông nên khu vực quanh 3 trường khá sầm uất. Việc kinh doanh phòng trọ, quán ăn, cà phê, tạp hóa, thời trang… hướng tới sinh viên đua nhau nở rộ. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, lượng sinh viên giảm mạnh khiến dịch vụ kinh doanh “ăn theo” trở nên đìu hiu.

NHỮNG KHỐI TÀI SẢN “CHẾT”

Vốn không quá lớn, không cần nhiều người quản lý và cũng không phải “đau đầu” lên kế hoạch kinh doanh, với nhiều người, xây phòng trọ cho sinh viên thuê là an toàn, đem lại nguồn thu ổn định nhất. Tuy nhiên, việc “đi trước đón đầu” của nhiều hộ kinh doanh đã không được như ý khi số lượng sinh viên cứ giảm dần.

NHÀ TRỌ HẾT “SỐT”

Khảo sát một vòng các khu nhà trọ tập trung, chúng tôi lo lắng thay cho nhiều chủ nhà trọ. Khá nhiều dãy phòng được đầu tư khang trang, sạch đẹp nhưng thưa người thuê. Nhiều dãy nhà trọ cửa đóng then cài, cỏ mọc um tùm vì không người ở. Trên địa bàn Đồng Xoài có rất nhiều hộ kinh doanh nhà trọ, ít thì 5-10 phòng, nhiều lên tới 20 phòng. Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 1/10 số phòng trọ có người thuê.

Dãy nhà trọ ở ấp 4, xã Tiến Thành của chị Nguyễn Thị Bé vẫn đang chờ người thuêDãy nhà trọ ở ấp 4, xã Tiến Thành của chị Nguyễn Thị Bé vẫn đang chờ người thuê

Ở Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài hiện có 157 hộ kinh doanh phòng trọ thuộc diện xã quản lý. Đi quanh khu vực này, chúng tôi thấy hầu hết nhà trọ trưng biển “Còn phòng cho thuê”, “Cho thuê phòng trọ...” kèm theo số điện thoại, quảng cáo giá rẻ, điện, nước tiện dụng...

Chị Nguyễn Thị Minh, chủ khu nhà trọ ở ấp 1A, xã Tiến Thành thở dài: “Gia đình tôi đầu tư 350 triệu đồng xây dãy nhà trọ. Bỏ tiền cục thu tiền rời mà tính ra đến nay cũng chỉ đủ vốn. Nếu không có người thuê thì đành phá bỏ để xây nhà ở. Tưởng sẽ có nguồn thu lâu dài, ai dè lại lỗ vốn”.

Đến xóm Đoàn Kết, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, chúng tôi nhận thấy tình hình cũng chẳng khá hơn. Từ đầu xóm giao với đường Trần Hưng Đạo kéo dài vào trong khoảng 100m có hơn 20 dãy nhà trọ nhưng số người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trước đây, khu vực này đông kẻ ra người vào, không bao giờ có phòng trống vì gần Trường cao đẳng Sư phạm; khu trung tâm hành chính tỉnh có nhiều con đường tập trung khu trọ cho sinh viên, công chức như Huỳnh Văn Nghệ, Nguyễn Thị Định, nay cũng chung cảnh ảm đạm. Vắng khách không chỉ khiến chủ nhà trọ mất nguồn thu mà các phòng bị ẩm mốc, rêu bám và nhanh xuống cấp hơn.

HY VỌNG MONG MANH

Gia đình chị Nguyễn Thị Bé ở ấp 4, xã Tiến Thành đầu tư 6 phòng trọ từ năm 2009 hết 390 triệu đồng và đã sinh lời từ 2 năm trước. Từ đầu năm đến nay, dãy phòng trọ của chị chỉ còn một thanh niên thuê. Tuy nhiên tuần trước, anh ta lẳng lặng rời đi mà “quên”... thanh toán tiền điện, nước suốt hơn nửa năm (!?).

Dù gia đình chị Bé đã dán quảng cáo, tờ rơi cho thuê phòng trọ khắp khu vực Trường trung cấp Y tế ngay từ đầu năm nhưng hiện vẫn chưa có ai tới trọ. Tiếc dãy nhà còn chắc chắn, chị không nỡ phá bỏ mà đóng cửa với hy vọng khi đường Trần Hưng Đạo nối dài mở rộng thì dân cư sẽ đông lên và nhiều người lại tìm đến thuê phòng. Đặc biệt, nếu Trường trung cấp Y tế nâng cấp lên cao đẳng thì may ra...

Cả dãy nhà trọ 6 phòng trên đường Phạm Ngọc Thạch, gần Trường trung cấp Y tế Bình Phước giờ chỉ còn 2 người thuêCả dãy nhà trọ 6 phòng trên đường Phạm Ngọc Thạch, gần Trường trung cấp Y tế Bình Phước giờ chỉ còn 2 người thuê

Hiện kinh tế gia đình chị Bé dựa vào kinh doanh giày dép. Đây là cửa hàng có từ thời chị xây phòng trọ với chuỗi dịch vụ: Nhà trọ, quán giải khát, giày dép nhằm phục vụ sinh viên. Tên quán là “Giày dép sinh viên” cũng từ ý đồ này. Nhưng hiện sinh viên không nhiều nên khách của chị phần lớn là người dân quanh vùng. Chị Bé cho biết: “Trước đây, sinh viên kéo đến nườm nượp. Giờ thì èo uột, doanh thu chẳng bằng một nửa trước đây. Đã thế, hàng quán lại “mọc” lên nhiều nên thu nhập càng thấp. Quán chè thì tôi đã ngừng bán từ lâu, giờ chỉ còn trông vào mỗi cửa hàng này”. Đi ra phía sau nhà, chúng tôi không khỏi tiếc cho khối tài sản phục vụ quán chè gồm: Bàn, ghế, chạn tủ chén chất đống, mạng nhện giăng đầy. Khu nhà trọ không có hơi người nên thiếu sinh khí.

Nhà trọ Tam Giang thuộc ấp 1A, xã Tiến Thành càng “thảm” hơn khi đầu tư xây mới 20 phòng giờ không có khách trọ. Lâu lâu cũng có người hỏi thuê phòng nhưng khi biết chỉ có một mình ở trong dãy nhà dài họ cảm thấy “ớn” nên không dám ở. Cũng có khi chủ nhà trọ từ chối, chấp nhận đóng cửa vì 1 người thuê mất công làm thủ tục quản lý tạm trú, tạm vắng và lo lắng nhiều vấn đề phức tạp, tiêu cực nảy sinh.

Em Nguyễn Thị Hằng, sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Bình Phước cho biết: “Tuy phòng trọ trống nhiều nhưng lại khó tìm được nơi ưng ý. Nơi thì phòng trọ xuống cấp, ẩm thấp; nơi sạch sẽ lại không có ai ở, nên em sợ và buồn. Hơn nữa chỗ ở ít người rất dễ bị mất cắp và lỡ có kẻ xấu đột nhập không biết phải xoay xở ra sao?”.

Hy vọng mong manh từ việc Trường trung cấp Y tế Bình Phước được nâng cấp lên cao đẳng nên nhiều chủ nhà trọ vẫn kiên nhẫn chờ thời. Để cầm cự, những hộ này giảm giá thuê phòng. Nhưng với chủ hộ không thể kiên nhẫn thì đã dán giấy rao bán khu nhà trọ khắp nơi. Điển hình, một chủ nhà trọ có 14 phòng/10m ngang ở đường N.C thuộc ấp 1A, xã Tiến Thành đang rao bán 1,2 tỷ đồng nhưng qua nhiều tháng vẫn chưa có người mua. Không người ở khiến khu phòng trọ ồn ã một thời giờ trở nên hoang vắng, cỏ mọc tận hè.

N.Tú - N.Bích

  • Từ khóa
93040

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu