Thứ 6, 19/04/2024 10:46:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:15, 07/05/2017 GMT+7

Bất cập trong quản lý và khai thác nước ngầm - Bài cuối

Chủ nhật, 07/05/2017 | 10:15:00 548 lượt xem
BP - Để trả lời câu hỏi đâu là giải pháp sử dụng nguồn nước bền vững và giúp người dân hiểu, nâng cao ý thức trong bảo vệ nguồn nước, phóng viên Báo Bình Phước đã phỏng vấn ông Nguyễn Phú Quới, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về những biện pháp quản lý tài nguyên nước, người hành nghề khoan giếng và việc cấp giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất (KNDĐ) trên địa bàn tỉnh hiện nay.

>> Bài 1: Vàng thau lẫn lộn

GIẢI PHÁP BẢO VỆ TÀI NGUYÊN NƯỚC BỀN VỮNG

Xin ông cho biết điều kiện để được cấp phép hành nghề khoan giếng? Hiện trong tỉnh có bao nhiêu cá nhân, cơ sở được cấp phép hành nghề KNDĐ, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Quới: Để được cấp giấy phép hành nghề KNDĐ, các tổ chức, cá nhân thi công công trình thăm dò nước dưới đất phải đáp ứng các điều kiện về hành nghề KNDĐ do Bộ TN-MT quy định, được chia làm 3 quy mô nhỏ, vừa và lớn. Đối với hành nghề KNDĐ quy mô nhỏ được khoan và lắp đặt các giếng KNDĐ có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110mm, thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày đêm. Quy mô vừa là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng KNDĐ có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 250mm và thuộc công trình có lưu lượng từ 200m3 đến dưới 3.000m3/ngày đêm. Quy mô lớn thuộc các công trình có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên. Tại Điều 11, Thông tư số 40/2014/TT-BTNMT, ngày 11-7-2014 của Bộ TN-MT, đối với giấy phép hành nghề KNDĐ quy mô lớn do Bộ TN-MT cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi giấy phép. Đối với giấy phép hành nghề KNDĐ quy mô vừa và nhỏ do UBND tỉnh cấp, gia hạn, điều chỉnh nội dung, cấp lại, đình chỉ hiệu lực, thu hồi.

Công nhân làm việc cho hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Biển ở tổ 4, khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh (Bình Long) chuẩn bị khoan nước dưới đấtCông nhân làm việc cho hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Biển ở tổ 4, khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh (Bình Long) chuẩn bị khoan nước dưới đất

Các đơn vị, cá nhân ngoài giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có nội dung hoạt động liên quan đến ngành nghề KNDĐ, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật phải am hiểu quy định của pháp luật về bảo vệ nguồn nước dưới đất. Đối với hành nghề KNDĐ quy mô nhỏ, người chịu trách nhiệm về kỹ thuật phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan; có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc công nhân khoan có tay nghề bậc 3/7 và có ít nhất 4 năm kinh nghiệm liên tục trong lĩnh vực hành nghề... Đối với nghề KNDĐ quy mô vừa, phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề hoặc trung cấp trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 5 công trình KNDĐ có lưu lượng từ 200m3/ngày đêm trở lên. Đối với hành nghề KNDĐ quy mô lớn phải có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các ngành địa chất, khoan và có ít nhất 7 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hành nghề; đã trực tiếp tham gia lập đề án, báo cáo thăm dò, thiết kế hệ thống giếng khai thác hoặc chỉ đạo thi công ít nhất 3 công trình KNDĐ có lưu lượng từ 3.000m3/ngày đêm trở lên.

Thời gian qua, sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp 3 giấy phép hành nghề KNDĐ cho các tổ chức, cá nhân. Trong đó, Công ty TNHH Xây dựng DT, phường Tân Phú (Đồng Xoài) có Giấy phép số 11/GP-UBND, quy mô vừa và nhỏ, cấp ngày 31-5-2006 và đã hết hạn. Doanh nghiệp tư nhân Nam Thịnh Phát ở xã Đức Liễu (Bù Đăng), Giấy phép số 18/GP-UBND với quy mô nhỏ, cấp ngày 10-6-2008 đã hết hạn ngày 10-6-2013. Chỉ còn hộ kinh doanh Nguyễn Đăng Biển ở tổ 4, khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh (Bình Long), Giấy phép số 41/GP-UBND, quy mô nhỏ, cấp ngày 7-10-2015, hạn đến ngày 7-10-2020.

Tình trạng khoan giếng tràn lan sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên nước như thế nào và ngành có giải pháp gì để ngăn chặn, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Quới: Sở đã lập quy hoạch tài nguyên nước tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hiện UBND tỉnh đã phê duyệt tại Quyết định số 47/QĐ-UBND ngày 11-1-2016. Đây là căn cứ để ngành tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý tài nguyên nước, cấp giấy phép tài nguyên nước... Quy hoạch tài nguyên nước đã đưa ra 16 dự án cần thực hiện trong thời gian tới với các phân kỳ thực hiện tùy vào mức độ ưu tiên khác nhau. Do đó, Sở TN-MT đã có giải pháp cơ bản phục vụ việc quản lý KNDĐ. Cụ thể, năm 2016, sở đã đề nghị UBND tỉnh chấp thuận triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá lập danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước và lập bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Dự án đã được UBND tỉnh phân bổ dự toán kinh phí sự nghiệp môi trường năm 2017 thực hiện tại Quyết định số 848/QĐ-UBND ngày 11-4-2017. Đối với các dự án cho cơ sở: Sở TN-MT, UBND các huyện, thị xã (phòng TN-MT) quản lý tài nguyên nước dưới đất và hướng dẫn về mặt chuyên môn khi các tổ chức, cá nhân có nhu cầu khoan giếng khai thác nước dưới đất tại khu vực không có nước hoặc nước dưới đất thuộc vùng khan hiếm sẽ khuyến cáo để người dân biết, không đào hay khoan giếng, tránh tốn chi phí đầu tư không hiệu quả...

Hiện vẫn có không ít cá nhân, tổ chức hành nghề khoan giếng cố tình hoặc không biết phải có giấy phép hành nghề mới được phép KNDĐ. Vậy ngành đã có giải pháp gì để ngăn chặn, xử lý những trường hợp này, thưa ông?

Ông Nguyễn Phú Quới: Năm 2016, Sở TN-MT đề nghị Phân viện Khoa học địa chất và khoáng sản phía Nam - Viện Khoa học địa chất và khoáng sản - Bộ TN-MT phối hợp mở lớp tập huấn tại tỉnh với chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước - kỹ thuật thăm dò khai thác nước dưới đất” và cấp giấy chứng nhận. Phân viện đã chấp thuận mở lớp, nhưng khi yêu cầu nộp hồ sơ năng lực làm căn cứ xây dựng đề án mở lớp chuyên đề gửi Sở Nội vụ trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 54/2013/QĐ-UBND ngày 4-12-2013, thì đơn vị này không được cấp giấy chứng nhận cho học viên lớp chuyên đề.

Năm 2017, sở sẽ liên hệ với đơn vị khác mở lớp chuyên đề “Quản lý tài nguyên nước - kỹ thuật thăm dò khai thác nước dưới đất” để các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân đáp ứng quy định được cấp giấy phép hành nghề KNDĐ với quy mô nhỏ. Trước mắt, sở sẽ có văn bản đôn đốc, yêu cầu UBND và phòng TN-MT các huyện, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn đề nghị cá nhân, tổ chức hành nghề KNDĐ lập thủ tục cấp giấy phép hành nghề đúng quy định pháp luật.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
93273

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu