Thứ 2, 06/05/2024 22:22:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:24, 30/10/2015 GMT+7

Bao giờ ấp Tân Phú không còn là “ốc đảo”?

Thứ 6, 30/10/2015 | 08:24:00 341 lượt xem
BP - Gần 20 năm qua, mỗi khi vào mùa mưa, 51 hộ dân thuộc khu tập trung người Chăm sinh sống ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú) luôn thấp thỏm, lo âu vì không có cầu đi lại. Nước lớn, không có phương tiện qua suối, mọi sinh hoạt thường ngày trở nên khó khăn và ấp Tân Phú trở thành “ốc đảo” mỗi khi mùa mưa đến. Có một cây cầu là điều người dân nơi đây mong ước từ lâu.

Không phải ngày nghỉ cuối tuần nhưng chúng tôi bắt gặp nhiều đứa trẻ quanh quẩn ở nhà. Em nhặt đá chơi, em ngồi cùng người thân, cũng có em ê a đọc sách. Các em đều đang độ tuổi cắp sách đến trường. Mấy ngày nay, mưa liên tục làm cho cây cầu tạm bị ngập nên những đứa trẻ không thể qua suối đến trường.

Vào mùa mưa, việc đi lại của trẻ em tới trường quá nguy hiểm

Khu người Chăm ở xã Thuận Phú chỉ có 51 gia đình và có trên 30 trẻ đang tuổi đến trường. Cứ vào mùa mưa là hai bên suối bị cô lập. Bên này suối có 20 học sinh, bên kia suối cũng khoảng 10 học sinh. Các em đều học tại điểm trường tổ 6, ấp Tân Phú thuộc Trường tiểu học Thuận Phú 2, cách nơi ở khoảng 6km. Điểm trường nằm bên kia suối nên vào mùa mưa chỉ có trên 10 em đến trường, còn các em bên này phải nghỉ học. Vì vậy, giáo viên đành cho lớp nghỉ chờ khi nước rút, các em đi học trở lại.

Chị Ti Chờ (42 tuổi) cho biết: “Tôi có con đang học lớp 5. Không chỉ con tôi mà tất cả trẻ em bên này suối đều đã nghỉ học 5 ngày nay vì nước chảy xiết, cầu bị ngập. Năm nào đến mùa mưa tình trạng này cũng diễn ra”. Không được đến trường với những đứa trẻ ở đây là một nỗi buồn lớn. Em Sô Hì Mì, học sinh lớp 5 nói: “Không được đến lớp em rất buồn. Nếu nước không dâng quá cao, cha mẹ sẽ cõng em qua cầu đến lớp”.

Nói là cầu nhưng thực chất chỉ là hai ống cống bắc tấm bê tông ngang qua làm cầu. Trước đây, người dân làm phà dây kéo để qua suối nhưng chỉ được một thời gian thì hỏng và có rất nhiều người bị ngã.

Theo quan sát của phóng viên, nhiều người đã nhét kín ống pô xe máy để đi qua. Nếu không qua được cầu, họ phải đi đường vòng gần 25km mới sang được bên kia suối.

Kinh tế của người Chăm ở đây rất khó khăn. Họ chỉ biết nhờ vào cây cao su từ làm thuê, mót mủ sống qua ngày. Tuy được chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, hỗ trợ nhưng họ vẫn không thoát khỏi cái nghèo, nhất là vào mùa mưa do không thể đi làm thuê. Chị Phan Thị Thảo, người dân trong ấp nói: “Muốn mua miếng thịt, chai nước mắm cũng phải qua bên kia suối. Nắng thì không sao, chứ mùa mưa hết gạo, thức ăn cũng đành chịu!”.

Ông Chàm Sa (60 tuổi) cho biết: “Mùa mưa, người lớn phải liều mạng qua cầu đi làm, chứ ở nhà suốt thì đói. Mong sao Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu để người dân đi lại thuận tiện, có việc làm. đặc biệt là những lúc ốm đau, hữu sự”.

Ông Trương Văn Quyết, Phó chủ tịch UBND xã Thuận Phú cho biết: “Xã đã nhiều lần đề nghị lên huyện, huyện kiến nghị tỉnh và ngành chức năng đầu tư xây dựng cầu. Nhưng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới thì Nhà nước và người dân cùng làm. Tuy nhiên, các hộ ở khu người Chăm quá nghèo, không thể đóng góp. Vì vậy việc xây cầu không chỉ là mơ ước của người Chăm mà của lãnh đạo xã. Rất mong cấp trên quan tâm đầu tư, có thế cuộc sống của người dân ở đây mới khá lên được”.

Trang Hương

  • Từ khóa
92754

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu