Thứ 2, 06/05/2024 06:44:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 09:38, 05/09/2014 GMT+7

Già làng và vấn đề bảo tồn văn hóa bản địa

Bài cuối: Già làng hôm nay

Thứ 6, 05/09/2014 | 09:38:00 322 lượt xem
BP - Bình Phước hiện có 89 hội đồng già làng, bình quân mỗi hội đồng có từ 5 đến 9 người. Trong số 89 hội đồng già làng có 339 người uy tín đang sống ở 107 xã, phường, thị trấn biên giới, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Vai trò của già làng, của người có uy tín trong cộng đồng hôm qua và hôm nay đang đặt ra nhiều điều trong xây dựng và phát triển văn hóa.

>> Già làng hôm qua

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Điểu Hơl khẳng định: Già làng trước đây hay hôm nay đều phải là người giàu có, uy tín trong làng. Ông Huỳnh Thanh, Trưởng ban Dân tộc thì cho rằng: “Có thể già làng không biết chữ nhưng phải thông thiên văn, tường địa lý, có thế giới quan, nhân sinh quan chuẩn mực để dẫn dắt tộc người của mình tồn tại trước thế giới tự nhiên”.

GIÀ LÀNG TRONG MẮT GIÀ LÀNG

Năm 2012, Điểu Quar được bà con thôn Đắk Nung, xã Đắk Nhau (Bù Đăng) bầu làm người có uy tín, đồng thời cũng là già làng trong thôn. Năm nay, ông Điểu Quar tròn 65 tuổi. Với ông, già làng phải là người biết làm ăn, biết gần gũi mọi người và được tin tưởng. Còn ông Điểu Ram (75 tuổi) là người uy tín, đồng thời cũng là già làng của thôn Đắk La, xã Đắk Nhau quan niệm “già làng phải biết chia sẻ phương thức làm ăn với mọi người, biết đánh cồng chiêng, biết hát sử thi khi uống rượu cần”. Già làng Điểu Đố ở sóc Bù Môn thuộc thị trấn Đức Phong (Bù Đăng) cho rằng “Già làng phải biết nói cho mọi người cùng nghe, biết làm gương trong sản xuất cũng như trong ứng xử với mọi người”. Ông Điểu Lên, sau 22 năm làm già làng ở sóc Bom Bo (nay thuộc thôn 1, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) thì bảo “Già làng ngày nay trước hết phải am hiểu pháp luật cũng như những thuần phong, mỹ tục của tộc người mình”.

Đội nữ cồng chiêng của sóc Bù Môn do già làng Điểu Đố huấn luyện trong đêm giao lưu văn hóa - văn nghệ với đoàn viên thanh niên thị trấn Đức Phong năm 2011

Thực ra khái niệm già làng không có trong tâm thức của người Xêtiêng, họ chỉ có khái niệm chủ sóc. Người Xêtiêng Bù Đếh gọi chủ sóc là Nơơm Pah. Người Xêtiêng Bù Lơ, Bù Piết gọi chủ sóc là Nơơm Bon. Quyền uy của một chủ sóc xưa kia có thể xử phạt bất cứ ai, thậm chí có quyền định đoạt mạng sống của một ai đó nếu vi phạm những quy ước do cộng đồng đặt ra. Còn quyền uy, vai trò của già làng hôm nay thì sao?

TIẾNG VỌNG TỪ QUÁ KHỨ

Hôm qua, già làng có quyền phán xét, có quyền phạt trên cơ sở những quy ước riêng của sóc. Còn già làng hôm nay sống theo quy định của pháp luật. Bên cạnh quyền uy của già làng còn có trưởng thôn, các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan chức năng vào cuộc mỗi khi thôn, sóc có chuyện. Quyền uy của già làng theo đó mà nhạt nhòa trước cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, có một điều các già làng hôm nay rất muốn làm nhưng không dễ. Đó là làm cho con cháu biết đánh cồng chiêng, hiểu được tiếng cồng chiêng khi có lễ hội, biết kể chuyện sử thi mỗi khi buôn sóc có khách, dệt tấm áo để mặc, đan gùi để lên nương rẫy. Những già làng như Điểu Đố, Điểu Lên, Điểu Quar, Điểu Ram đã từng làm những việc ấy nhưng kết quả không như ý muốn.

Già làng Điểu Lên với giọng trầm buồn: “Mọi thứ bây giờ đều có sẵn, mấy đứa trẻ cần cái gì thì cứ dong thẳng ra chợ mà mua. Thích nghe hát thì ra chợ mua đĩa. Muốn có áo đẹp ra chợ tha hồ mà lựa chọn. Muốn uống rượu đi thẳng tới quán, rượu nồng, uống lại mau say, dại gì phải lặn lội lên rừng hái từng lá cây, đẽo từng lát vỏ cây rừng về phơi, rồi giã, làm men, nấu, ủ cả mấy tháng trời cho mệt”. Già làng Điểu Đố cũng đã mất không ít thời gian chỉ dạy các thiếu nữ trong sóc đánh cồng chiêng. Thế nhưng 3 năm trước, Thị Mến lấy chồng, sau đó những thành viên khác cũng lấy chồng theo, tiếng cồng chiêng của sóc Bù Môn từ đó mà thưa dần.

CÓ GIỮ LẠI ĐƯỢC TÀI SẢN VÔ GIÁ?

Cái hay, cái đẹp của văn hóa cồng chiêng, rượu cần, thổ cẩm, sử thi, của lễ hội mừng lúa mới thuộc các tộc người Xêtiêng hay Mơnông... gần như ai cũng biết đến hay được một lần nghe qua. Tiếng cồng, tiếng chiêng không chỉ là thông điệp, lời hiệu triệu mọi người mà còn là ngôn ngữ để giao tế với thần linh. Hoa văn trên thổ cẩm là ước vọng, là sự ký thác niềm tin của sơn nữ vào thế giới tự nhiên sau nhiều ngày đêm thêu dệt. Tính phồn thực cũng được thể hiện khá rõ nét trong văn hóa rượu cần. Thế nhưng để tìm được cái hay, cái đẹp ấy trong điều kiện hiện nay thật khó.

Tiến sĩ Buông Krông Thị Tuyết Nhung, giảng viên Ngôn ngữ trường Đại học Tây Nguyên cho rằng: Cồng chiêng, tố, ché, xà lung vẫn còn đó. Những khung cửi của người Xêtiêng, Mơnông... trên đất Bình Phước vẫn còn. Các bài ca sử thi vẫn được nhiều già làng, nghệ nhân lưu giữ. Cái khó hiện nay là ngành chức năng phải tập hợp những “tài sản vô giá” ấy lại mới hy vọng hình thành một buôn, sóc mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi tộc người ở từng vùng, miền khác nhau. Để có được những thôn sóc mang đậm bản sắc văn hóa chuyên biệt của từng vùng miền thì trước hết người dân trong thôn, sóc phải sống được bằng nghề, bằng bản sắc văn hóa của chính mình. Mỗi sản phẩm của làng mình ngày một tinh xảo, điêu luyện hơn. Để làm được điều này trong điều kiện hiện nay cần phải có sự hỗ trợ kinh phí đào tạo, quảng bá sản phẩm và cuối cùng là tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Các nghệ nhân, già làng am hiểu văn hóa của tộc người mình hiện nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm”. Nếu chúng ta không nhanh chóng thu gom hay nói một cách lịch sự là phát huy những “báu vật quý hiếm” ấy thì sau này có muốn cũng không làm được.                       

Đông Kiểm

  • Từ khóa
90910

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu