Thứ 7, 20/04/2024 19:47:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:01, 20/12/2014 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 70 NĂM THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Bài 1: Tự hào mang tên “bộ đội Cụ Hồ”

Thứ 7, 20/12/2014 | 10:01:00 6,306 lượt xem
BP - Hình ảnh và tên gọi “bộ đội Cụ Hồ” là hiện tượng rất độc đáo trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hiếm thấy dân tộc nào trên thế giới mà nhân dân lấy tên vị lãnh tụ của mình đặt cho quân đội. Đây vừa là tình cảm vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang. Vì vậy, bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến nhân dân dành cho quân đội mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.


Chiến sỹ tuyên thệ và hôn quân kỳ trong lễ chào cờ

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường ở miền Bắc, lớp chúng tôi ai cũng thuộc những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Nếu lịch sử chọn tôi làm điểm tựa/Vinh gì hơn làm người lính đi đầu/Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa”. Và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng triệu thanh niên miền Bắc đã lên đường tòng quân vào miền Nam đánh giặc. Tôi nhập ngũ vào một thời điểm khá đặc biệt, đó là vào đầu năm 1975, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào thời kỳ quyết định. Người ta gọi lớp bộ đội chúng tôi là “thế hệ thứ tư” được Đảng, Nhà nước, quân đội trao trọng trách góp sức cùng đại quân quyết định giải phóng miền Nam. Cho dù là thế hệ thứ mấy thì khi bước chân vào quân đội, mỗi người lính đều phải học thuộc lòng 10 lời thề danh dự, 12 điều kỷ luật và những bài hát truyền thống, nhất là bài “Vì nhân dân quên mình”. Kỷ luật của Quân đội nhân dân Việt Nam là “kỷ luật sắt” nhưng đầy tính tự giác, vì vậy sống trong môi trường quân đội như là được học tại “trường đại học tổng hợp”. Những năm trong môi trường quân đội, được mang danh hiệu “anh bộ đội Cụ Hồ”, ai cũng hiểu phải làm tròn trọng trách vẻ vang của mình.

Từ đội quân chủ lực đầu tiên là “Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” và “Quân giải phóng” thời tiền khởi nghĩa đến “Vệ quốc đoàn”, “Quân đội quốc gia”, “Quân đội nhân dân” thời chống Pháp, “Quân đội nhân dân” và “Quân Giải phóng miền Nam” thời chống Mỹ, “Quân tình nguyện Việt Nam” tại Lào và Campuchia trong chiến tranh Đông Dương, lớp lớp các thế hệ chiến sĩ Việt Nam từ đời cha đến đời con đi đánh giặc cứu nước đã hun đúc nên một phẩm chất, một bản lĩnh mà nhân dân ta gọi là “bộ đội Cụ Hồ” và nhân dân nước bạn gọi là “Bộ đội nhà Phật”.

Nhân dân ta gọi “bộ đội Cụ Hồ”, vì Cụ Hồ là tên gọi trìu mến của nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Bác Hồ là hình ảnh tiêu biểu cho tất cả những giá trị cao đẹp của dân tộc và văn hóa Việt Nam. Những gì gắn bó với cuộc đời Bác, được Bác chăm lo, với nhân dân đều cao quý vô cùng. Nhân dân ta gọi quân đội của mình là bộ đội của Cụ Hồ vì cảm nhận một cách sâu sắc quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Bác với quân đội, Bác và những người chiến sĩ. Bác Hồ là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, Người đã khai sinh ra quân đội ta. Bác chăm lo từng bước đi lên của quân đội, giáo dục chiến sĩ, khuyên bảo cán bộ... Nét đặc sắc trong đạo đức và tình cảm của Bác là vô cùng gần gũi, yêu thương bộ đội, tin tưởng ở tinh thần dũng cảm và sáng tạo của bộ đội, thấu hiểu và thông cảm những gian khổ, khó khăn của người chiến sĩ. Trước lúc đi xa, Người còn “để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn thể bộ đội” và căn dặn Đảng ta cần chọn những chiến sĩ trẻ tuổi ưu tú trong quân đội và thanh niên xung phong để đào tạo thành những cán bộ, công nhân giỏi, coi đó là đội quân chủ lực trong công cuộc tái thiết đất nước sau này.


Thế hệ trẻ hôm nay rất tự hào khi được khoác lên mình quân phục “bộ đội Cụ Hồ - Ảnh: A.T

Biết bao bài ca, câu chuyện về những người nông dân mặc áo lính, tuy là “những người tứ xứ” nhưng có chung lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Họ luôn luôn gắn bó với dân, được dân tin yêu, cảm phục, vì chẳng những “không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân” mà còn dám xả thân “vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Vì vậy, bộ đội Cụ Hồ là biểu tượng tiêu biểu, tự hào của dân tộc Việt Nam anh hùng, đã được nhân dân ca tụng. Đến nay, các lớp thế hệ bộ đội trước đây tuy đã rời quân ngũ mấy chục năm nhưng ai cũng luôn tự hào vì mình đã từng là bộ đội Cụ Hồ. Trong chiến đấu đã vậy, khi về đời thường cựu chiến binh vẫn phát huy cao độ phẩm chất bộ đội Cụ Hồ để chiến đấu chống đói nghèo, lạc hậu; hỗ trợ, giúp đỡ đồng đội, đồng chí vươn lên phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương, đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ hằng mong ước.       

Hà Thanh

  • Từ khóa
2988

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu