Thứ 4, 17/04/2024 03:46:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:40, 15/05/2015 GMT+7

Vừa hỗ trợ vừa quản lý chặt chẽ đối tượng từ Campuchia di cư tự do về nước

Thứ 6, 15/05/2015 | 14:40:00 1,714 lượt xem

(Trả lời phỏng vấn của ông Lê Trường Sơn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH)

BP - Thưa ông, mấy năm gần đây trên địa bàn tỉnh có tình trạng người dân từ Campuchia di cư về mưu sinh bằng nghề đánh cá trên các lòng hồ, sông suối. Ông có thể cho biết hiện toàn tỉnh có khoảng bao nhiêu hộ như thế và tình trạng hiện nay của họ?

Ông Lê Trường Sơn: Đúng là những năm gần đây, vào mùa đánh bắt thủy - hải sản có tình trạng người dân di cư tự do từ Campuchia về đánh bắt cá tại khu vực sông, hồ ở các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Gia Mập. Tuy nhiên, do họ di chuyển liên tục nên sở không nắm được tình hình, số lượng cụ thể. Còn về đời sống, tất cả đều rất khó khăn, không có nơi ở ổn định nên hầu hết sống lênh đênh trên thuyền bè, mưu sinh chỉ nhờ vào tôm, cá đánh bắt được hằng ngày. Nhưng tôm, cá ngày càng cạn kiệt nên nhiều hộ rất bi đát.

Do tình trạng quá khó khăn của họ nên có địa phương đã đưa số người dân từ Campuchia về mưu sinh trên các lòng hồ vào danh sách hộ nghèo để họ được hỗ trợ bằng các chính sách giảm nghèo. Là người đại diện cho cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, ông thấy làm như vậy là đúng hay sai?

Ông Lê Trường Sơn: Hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước ta chỉ áp dụng cho đối tượng là người có quốc tịch Việt Nam. Việc một số địa phương đưa những đối tượng người Campuchia di cư vào Việt Nam nhưng chưa có quốc tịch Việt Nam vào danh sách hộ nghèo là không đúng quy định. Hiện Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã đưa các hộ này ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Xin ông cho biết thời gian qua, UBND tỉnh, ngành LĐ-TB&XH và các địa phương đã làm gì để hỗ trợ những đối tượng này?

Ông Lê Trường Sơn: UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, trong đó trực tiếp là ngành LĐ-TB&XH áp dụng các chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13-4-2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27-2-2010 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67, cụ thể:

Về trợ cấp thường xuyên, những người đã nhập quốc tịch Việt Nam, nếu là đối tượng bảo trợ xã hội thì được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng thuộc diện xã, phường, thị trấn quản lý. Về trợ cấp đột xuất, nếu hộ gia đình, cá nhân gặp khó khăn đột xuất thì mức trợ cấp, cứu trợ đột xuất thấp nhất đối với các đối tượng quy định tại Điều 6 Nghị định số 67 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 13. Đối với những người thuộc diện bảo trợ xã hội đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống thì được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30-5-2008.

Túp lều được dựng tạm bợ bên bờ sông dưới chân cầu Sài Gòn 1 của một hộ dân trong xóm ngụ cư xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản - Ảnh: H.Châu

Ngoài việc hỗ trợ theo quy định chung, ngày 9-5-2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 935/QĐ-UBND về việc phân bổ gạo hỗ trợ cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh, trong đó giao Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp Sở LĐ-TB&XH, Cục Dự trữ nhà nước khu vực Đông Nam bộ và UBND các huyện, thị xã tổ chức giao, nhận gạo tại UBND các huyện, thị xã và cấp phát đúng đối tượng, chế độ quy định. Tổng số nhân khẩu nhận hỗ trợ là 1.458 người, mức hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng, thời gian hỗ trợ 3 tháng. Tổng số lượng gạo hỗ trợ là 65.610kg, phân bổ trên địa bàn 10 huyện, thị xã, trong đó nhiều nhất là huyện Bù Gia Mập với 443 người, hỗ trợ 19.935kg gạo. Tiếp đến thị xã Phước Long 324 người, hỗ trợ 14.580kg gạo. Ít nhất là thị xã Đồng Xoài 14 người, hỗ trợ 630kg gạo...

Tất cả sự hỗ trợ như ông đã nói cũng chỉ là những giải pháp tạm thời. Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh có giải pháp lâu dài nào? Theo ông, phải quản lý số đối tượng này như thế nào để thể hiện được tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người Việt Nam mà không trái với những quy định của pháp luật?

Ông Lê Trường Sơn: Theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện Chính phủ đã có đề án tổng thể đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam. Bình Phước là 1 trong 7 tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia, khi UBND tỉnh giao cho các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện đề án này, chúng tôi sẽ căn cứ vào chức năng nhiệm vụ tham mưu thực hiện các nội dung đề án theo quy định hiện hành.

Về lâu dài, những đối tượng đủ điều kiện nhập tịch sẽ được các cơ quan, ban, ngành của tỉnh phối hợp hướng dẫn, giải quyết các vấn đề về quốc tịch, hộ tịch và các giấy tờ tùy thân khác cho người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam. Trên cơ sở đó sẽ tạo điều kiện để họ được hưởng các chính sách như công dân Việt Nam, đặc biệt là các chính sách đảm bảo an sinh xã hội về lương thực, giáo dục, y tế, phương tiện sản xuất, để người dân di cư tự do sớm ổn định cuộc sống.

Trong thời gian họ chưa nhập tịch được thì ngoài các chính sách hỗ trợ đột xuất của Nhà nước, cần tranh thủ sự hỗ trợ của các hội, đoàn thể để giúp họ vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương cần quản lý chặt chẽ số đối tượng này, nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

L.T (thực hiện)

  • Từ khóa
13114

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu