Thứ 7, 20/04/2024 03:05:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 16:18, 23/04/2013 GMT+7

Kiểm soát chặt chẽ gia súc, gia cầm lưu thông qua địa bàn tỉnh

Thứ 3, 23/04/2013 | 16:18:00 1,171 lượt xem

Trước tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 tại Campuchia, H7N9 đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc... và gây lo ngại trong dư luận, Chi cục Thú y Bình Phước đã ban hành Công văn số 119/CCTY-CNTY về tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Hiện việc kiểm tra, kiểm soát lượng xe chở gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm lưu thông qua địa bàn tỉnh tại các trạm kiểm dịch động vật được siết chặt. Tuy nhiên, tình trạng gia súc, gia cầm vận chuyển qua đường tiểu ngạch vào tiêu thụ trong dân đang gây nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh.

SIẾT CHẶT KIỂM DỊCH Ở GIA SÚC, GIA CẦM

Giáp ranh với Bình Phước có các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Nông. Hằng ngày, lượng xe chở gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào trên địa bàn tỉnh nhiều nên việc kiểm soát, phòng ngừa lây nhiễm các loại dịch bệnh gặp không ít khó khăn.

  Chủ xe chở gà vào tỉnh được Trạm kiểm dịch Tân Lập phun thuốc sát trùng

Anh Huỳnh Hữu Tri, Trạm trưởng Trạm kiểm dịch động vật Tân Lập (Đồng Phú) cho biết: Trung bình mỗi ngày, trạm kiểm tra, tiêu độc khử trùng khoảng 10 lượt xe chở gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm. Hiện các xe chở gia súc, gia cầm ra vào tỉnh đều tự động dừng xe để kiểm tra, phun xịt khử trùng. Tuy nhiên, việc chấp hành kiểm dịch chỉ diễn ra với các xe chở hàng lớn, còn những xe gắn máy do thương lái dùng để chở vịt con, gà con vào các hộ dân vùng sâu bán thì không đi qua trạm kiểm soát.

Ông Phạm Văn Hoang, Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh cho biết: Chi cục đã chỉ đạo các trạm tăng cường kiểm tra, kiểm dịch tại tuyến biên giới, nhất là trạm kiểm dịch động vật ở khu vực cửa khẩu Hoa Lư, nhằm ngăn chặn gia súc, gia cầm nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, chi cục cũng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể nhân dân về dịch bệnh và chủ động phòng chống dịch bệnh.

Từ khâu kiểm tra gắt gao tại các trạm kiểm dịch và sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương nên việc vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào tỉnh đã được kiểm soát. Từ đầu năm đến nay chưa xảy ra trường hợp vi phạm nào. 

KHÓ KIỂM SOÁT Ở “CHỢ DI ĐỘNG”

Ngoài điểm chợ chính tại các huyện, thị xã thì ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số xuất hiện rất nhiều chợ tự phát, chợ “di động” nên khả năng kiểm soát dịch rất khó. Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tình trạng thương lái chở gia cầm, sản phẩm gia cầm, thịt gia súc bằng xe máy, xe thồ... trốn tránh sự kiểm soát của trạm, luồn lách theo các con đường nhỏ để đến điểm tiêu thụ. Đây chính là nguy cơ tiềm ẩn sự lây lan các loại dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Dọc tuyến quốc lộ 14 về huyện Bù Đăng, hay từ xã Minh Lập (Chơn Thành) đến xã Tân Quan (Hớn Quản), tại các chợ “di động”, chợ “cóc” thịt heo, gà, vịt, trứng gia cầm không có dấu kiểm dịch vẫn được bày bán. Ông Điểu Thân ở xã Đồng Tâm (Đồng Phú) cho biết: Do nhà cách xa chợ nên gặp hàng rong tôi mua luôn, không nghĩ đến việc thịt gia súc, gia cầm đã qua kiểm dịch hay chưa. Lâu nay, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa đã quen với việc mua thực phẩm từ hàng rong.

Khi chúng tôi đề cập đến chất lượng thịt gia súc, gia cầm đang bày bán, chủ một xe bán hàng rong trên địa bàn xã Minh Lập đã né tránh không trả lời. Chị Phan Thị Hân, người mua hàng mong chính quyền địa phương phối hợp tốt với các đội kiểm tra, cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh. Đồng thời ngành chức năng có biện pháp tuyên truyền, phổ biến và nâng cao nhận thức cho nhân dân về các loại dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục thú y tỉnh khuyến cáo: Tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm, nên có sự giám sát chặt chẽ về nguồn gốc, số lượng, để có những biện pháp xử lý kịp thời, nhằm thực hiện tốt việc phòng chống lây lan dịch bệnh. Đối với người tiêu dùng, nên mua thịt gia súc, gia cầm ở những địa chỉ tin cậy và đã có dấu kiểm tra chất lượng của cơ quan quản lý, tránh mua những thực phẩm ôi thiu, không rõ nguồn gốc. Đối với các công ty, trang trại, người chăn nuôi, phải thực hiện nghiêm quy định về tiêu độc, sát trùng chuồng trại và khu vực xung quanh chăn nuôi. Đồng thời tổ chức tiêm phòng theo định kỳ các loại vắc-xin và có kế hoạch phòng chống không để dịch bệnh xảy ra.

 T.Hương - H.Châu

  • Từ khóa
44775

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu