Thứ 5, 28/03/2024 18:45:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 13:25, 09/02/2016 GMT+7

Tình yêu nơi hoang dã

Thứ 3, 09/02/2016 | 13:25:00 725 lượt xem

BP - “Năm nào cũng vậy, cứ 28 tết là anh lên đây hít thở vài giờ rồi về ăn tết mới ngon. Đất trời vào xuân nơi núi rừng lạ lắm. Gió chỉ đủ lay động một khóm rừng làm nên những âm thanh rất lạ. Muông thú thi nhau chuyền cành để nói lời yêu theo ngôn ngữ riêng của chúng. Muôn cây, muôn hoa cùng đua nhau đâm chồi, nảy lộc, khoe sắc. Rừng tỏ tình đấy. Chẳng phải con người cũng bước ra từ rừng đó sao! Chẳng phải con người dùng hai tiếng cội nguồn để nói về tổ tiên, ông bà, cha mẹ cũng bắt đầu từ rừng đó sao! Rừng là người mẹ thiên nhiên hiền hòa, bao dung và hào phóng. Tại sao ta không lên rừng để đón gió xuân nơi cội nguồn của mình!”. Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Bù Đốp tâm sự cùng tôi nơi thượng nguồn của sông Đắk Quýt nằm giữa đại ngàn.

TÌNH YÊU CỦA MUÔNG THÚ

Đến mùa sinh sản, chồn hương - một loài thú thuộc nhóm linh trưởng tiết ra mùi hương đặc trưng để lôi cuốn bạn tình. Từ đó chúng có nhau, chấp nhận chung sống và duy trì nòi giống từ đời này sang đời khác giữa núi rừng bao la. Tình yêu muông thú giữa đại ngàn của núi rừng muôn hình vạn trạng. Kẻ thủy chung, kẻ đa tình. Mỗi loài có một quy luật sống khác nhau trong cùng một môi trường rừng. Thực vật có cách yêu thương, quấn quýt riêng. Thú có cách thể hiện tình yêu sống động của muông thú. Tình yêu nơi hoang dã thật hào hoa và cũng đầy ắp lãng mạn.

Vượn đen má vàng - một trong những loài thú rất thủy chung khi bắt cặp sống chung

Vườn quốc gia Bù Gia Mập hiện có khoảng 100 đàn vượn đen má vàng. Các thành viên trong gia đình của loài này nhiều nhất là 5 con. Đứng đầu chỉ huy bao giờ cũng là một con cái. Mỗi khi vượn đen má vàng chấp nhận bắt cặp với nhau thì chúng sống thủy chung đến trọn đời. Những con đến tuổi trưởng thành phải tự tách đàn để tìm bạn tình. Đôi vợ chồng nhà vượn cùng có chung trách nhiệm nuôi con đến ngày trưởng thành. Tiếng hót của vượn đen má vàng có hai trạng thái khác nhau: Một để tỏ tình, thu hút bạn đời; hai là để khẳng định vùng lãnh thổ không kẻ nào được xâm nhập khi chưa có sự cho phép của con đầu đàn. Tùy theo mục đích, trạng thái mà âm thanh giọng hót của chúng khác nhau. Lúc tỷ tê, thánh thót, trầm bổng, khi gầm rú chao đảo cả một khu rừng. Chỉ có đồng loại của chúng mới cảm nhận được âm thanh của giọng hót để tìm đến hoặc tránh xa. Khác với vượn đen má vàng, voọc chà vá chân đen không thu hút bạn tình bằng giọng hót mà là bộ lông sặc sỡ. Mỗi con sở hữu một bộ lông óng mượt, mịn màng như tơ. Chúng đón nhận tình yêu ban đầu qua ánh mắt và âu yếm bằng cách vuốt ve nhau.

Cu li - kẻ đa tình số một nơi rừng sâu

Không như loài vượn, đầu đàn của loài khỉ bao giờ cũng là giống đực. Chúng khẳng định lãnh thổ bằng bạo lực. Do vậy, mà chúng cần số đông để bảo vệ lãnh thổ và không gian sống. Mỗi đàn của chúng có thể lên đến ngàn con. Chúng thường tập hợp, sống quần cư dưới sự chỉ huy của con đực để sinh tồn. Tuy nhiên, nếu nói về tính bầy đàn thì không loài nào nghiêm khắc hơn bò tót. Chỉ cần một cá thể vi phạm nguyên tắc thì ngay lập tức bị cô lập và buộc phải tách khỏi đàn, sống lẻ loi, cô quạnh giữa rừng. Khi bị tách khỏi bầy đàn, bò tót cũng nhớ nhung bạn tình nhưng phải đứng từ xa trông ngóng. Mỗi khi gặp bò tót đơn lẻ trong rừng, bạn nên tránh xa vì chúng rất hung dữ, luôn chủ động tấn công đối phương để tự vệ khi không được bầy đàn bảo vệ.

Thạc sĩ lâm nghiệp Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập hỏi: “Bạn đã bao giờ nghe rừng tỏ tình chưa?”. Tôi trố mắt “Làm gì có chuyện đó”. “Thế cây rừng ra hoa, khoe sắc, con chồn tiết ra mùi hương đặc trưng của chúng để làm gì?”. “Thì bản năng sinh tồn vốn có của chúng”. Đó chẳng phải tình yêu là gì! Thạc sĩ Hòa khẳng định.

Kẻ đa tình số một nơi rừng sâu không phải thú cao to, hung dữ như cọp, gấu hay sư tử mà lại là loài cu li bé nhỏ rất chậm chạp và hiền lành. Sự chậm chạp của chúng đến mức đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, buộc các nhà môi trường học phải đưa vào Sách đỏ để bảo vệ. Lớn hơn chuột, nhỏ hơn mèo nhưng tình yêu của cu li thì rất bao la, hào phóng. Mỗi con đực có thể sống với mấy chục con cái nhưng những con cái lại không hề biết mặt tình địch. Sau mỗi lần giao phối, con đực bỏ mặc con cái bụng mang dạ chửa để đi tìm bạn tình nơi khác. Mỗi trạm dừng chân của con đực là một con cái khác nhau. Khi con đực đi hết một vòng là giáp lại con cái đầu tiên đến thời kỳ giao phối. Con cái sau khi mang thai âm thầm tự lo cho mình và con nhưng sẵn sàng bao dung, tha thứ, chấp nhận sự quay về của con đực.

SỰ SỐNG CỦA RỪNG

Sau khi “ngủ đông” tích lũy dinh dưỡng, cây rừng thức giấc và bắt đầu đơm hoa kết trái. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi sắc màu riêng biệt. Bằng lăng tím cả một góc trời; muôn ngàn loài lan khoe sắc mỗi độ xuân về và mai vàng rực một khoảnh rừng. Ngay cả những cỏ cây hoang dại không tên cũng khoe sắc tỏa hương âm thầm nơi rừng sâu.

Nghinh xuân hay còn gọi ngọc điểm là một trong những loài lan nở đúng vào dịp đầu xuân ở rừng sâu được nhiều người yêu thích

Bởi tính đa dạng sinh học của rừng nên con người mới đặt ra nhiều tên gọi như nghinh xuân, mai vàng, bằng lăng, giả hạt... để phân biệt từng loài cây. Cho dù có nhiều tên gọi nhưng tất cả loài cây, từ tầng cao đến tầng thấp đều bổ sung cho nhau để duy trì sự sống, tạo thành rừng. Cây tầng cao có trách nhiệm quang hợp ánh sáng, che chắn nắng mưa cho cây tầng thấp. Cây tầng thấp có trách nhiệm giữ ấm, giữ nguồn nước cung cấp dinh dưỡng cho cây tầng cao. Các loài cây bụi rậm còn là nguồn thức ăn, nơi trú ẩn cho muông thú. Sự bài tiết của muông thú cũng chính là nguồn dinh dưỡng vô tận cho các loài thực vật của rừng.

Hoa dại nơi rừng sâu cho dù không ai chăm sóc nhưng vẫn luôn khoe sắc toả hương

Với gia tốc 300m/s, hạt mưa có thể làm mặt đất tung tóe. Nhưng với rừng thì từng chiếc lá đón mưa rất nhẹ nhàng từ trên cao đổ xuống. Hạt mưa qua từng chiếc lá, từng tầng nấc của rừng trở nên uyển chuyển và tiếp cận với mặt đất một cách mềm mại. Đất nhờ thế không bị rửa trôi, bào mòn. Nước nhờ rừng trở nên trong xanh và tạo nguồn nuôi dưỡng muôn loài, trong đó có cả loài người. Muôn loài tạo nên sự sống của rừng mãi mãi.

THÔNG ĐIỆP TỪ RỪNG

Những gì ta biết về rừng hôm nay chỉ là con số rất nhỏ so với tài nguyên vốn có của rừng. Không ai đoán biết được ngàn năm sau, con người sẽ khám phá được gì trong kho báu của rừng giống như triệu năm trước đây con người lớn lên từ rừng. Tài nguyên rừng là kho báu khổng lồ của mai sau nhưng hôm nay chúng ta vẫn chưa tìm thấy.  

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Hải, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai

Khi tỉnh Bình Phước tái lập vào năm 1997 có trên 200 ngàn ha rừng tự nhiên. Hơn 18 năm sau, rừng tự nhiên của Bình Phước còn lại chưa đầy 59 ngàn ha. Mất rừng, quả thật sự sống của muông thú thu hẹp và đang bị đe dọa. Ngay cả loài người cũng đang đón nhận những cảnh báo từ rừng. Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trúc nói rằng: Mỗi ha rừng mất đi đồng nghĩa với 20m3 nước bốc hơi mỗi năm. Nếu mất đi 100 ha rừng thì lượng nước sẽ mất đến 2 triệu m3 mỗi năm. Đó là chưa kể đến tác dụng chống ô nhiễm môi trường, làm sạch không khí, cân bằng hệ sinh thái và những tác dụng khác của rừng. Thảm thực vật trên trái đất mỗi năm có thể hấp thụ được 400 tỷ tấn khí CO2 và nhả ra 200 tỷ tấn khí ôxy.

Theo các nhà nghiên cứu khoa học, nếu không có rừng thì sẽ có tới 4,5 triệu giống nòi bị diệt chủng, nước lũ tràn lan, sa mạc tăng lên, môi trường sinh tồn của con người bị xấu đi nghiêm trọng. Không phải phóng đại mà nói rằng, nếu không có rừng, con người và các loài động vật khác không thể sinh tồn được. Chỉ có thể bảo vệ rừng thật tốt thì cảnh quan môi trường trên trái đất mới xanh tươi, trong lành. Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ sự yêu thương nơi cội nguồn của chính chúng ta vậy.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92849

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu