Thứ 6, 19/04/2024 05:58:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:07, 05/08/2020 GMT+7

Ý thức người dân quyết định công tác phòng, chống sốt xuất huyết

Văn Đoàn
Thứ 4, 05/08/2020 | 08:07:00 430 lượt xem
BPO - Hằng năm, cứ vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện và diễn biến phức tạp, khiến công tác phòng, chống dịch bệnh của các ngành chức năng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt là ý thức người dân được nâng lên, số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Chủ động phòng dịch

Những năm qua, Bình Phước là một trong những điểm “nóng” của dịch bệnh SXH ở khu vực Đông Nam bộ. Nguyên nhân do Bình Phước thuộc địa bàn trung du miền núi, thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát sinh ổ dịch. Các ổ dịch, số ca mắc bệnh tập trung chủ yếu ở địa bàn một số huyện có nguy cơ cao bùng phát dịch như Bù Đăng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh. Từ thực tế đó, ngành y tế tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống SXH ngay từ đầu mùa mưa, như: Truyền thông tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức về sự nguy hiểm của dịch bệnh; chủ động phát quang mương nước, khơi thông cống rãnh tại khu dân cư; đổ nước trong các chum, chậu, lọ, bể nước tụ đọng lâu ngày xung quanh nhà…

Nhân viên y tế dự phòng huyện Bù Đăng phun thuốc phòng, chống muỗi tại cộng đồng dân cư thôn 5, xã Đoàn Kết

Bà Đặng Thị Mai (72 tuổi, thôn 5, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng) đã hơn 20 năm sinh sống trên địa bàn, từng chứng kiến nhiều ca mắc bệnh SXH, thậm chí có ca tử vong. Do vậy, bà Mai luôn ý thức vệ sinh nhà cửa, dọn dẹp xung quanh nhà sạch sẽ, khơi thông cống rãnh để hạn chế muỗi ẩn náu và phát triển. “Phòng chống sốt rét, SXH không phải việc của riêng ai, mà đó là của cả cộng đồng dân cư, nhưng trước hết là từ ý thức của mỗi gia đình. Vì vậy, gia đình tôi thường khơi thông các mương, rãnh, phát quang bụi rậm. Không chỉ đến mùa mưa mới làm, bình thường tôi và con cháu đều quét dọn sạch sẽ, đổ bỏ những chum, lọ chứa nước không cần thiết, gom gọn không để nước tụ đọng” - bà Mai nói.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Để công tác phòng, chống bệnh SXH đạt hiệu quả, chúng tôi đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều hoạt động phòng chống ngay từ đầu năm. Đó là tuyên truyền, truyền thông vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng chống SXH tại gia đình, cộng đồng, những địa bàn xác định là trọng điểm có thể bùng phát dịch. Trên cơ sở đó, chúng tôi tổ chức triển khai diệt lăng quăng, kịp thời xử lý các ổ dịch…”.

Số ca mắc bệnh giảm mạnh

Những năm qua, huyện Bù Đăng luôn là một trong những địa bàn có tỷ lệ người mắc bệnh SXH cao nhất của tỉnh. Với sự chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa hiệu quả ngay từ đầu mùa, số ca mắc bệnh năm 2020 có chiều hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện 15 ổ dịch, với 131 ca mắc SXH, giảm 137 ca so cùng kỳ năm 2019. Lộc Ninh là địa bàn có số ca mắc bệnh đứng thứ 2 với 88 ca, giảm 149 ca. Phú Riềng chỉ có 16 ca, giảm 162 ca so cùng kỳ năm 2019. Đây là kết quả của việc chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, ý thức của người dân được nâng cao, đóng vai trò quan trọng trong hạn chế, đẩy lùi dịch bệnh tại cộng đồng dân cư và gia đình.

Chủ động không để sốt xuất huyết bùng phát và lan rộng, nhân viên y tế dự phòng huyện Bù Đăng phun thuốc phòng, chống muỗi tại cộng đồng dân cư thôn 5, xã Đoàn Kết

Bác sĩ Lê Văn Tiến, Khoa Kiểm soát bệnh tật Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng cho biết: “6 tháng đầu năm nay, số ca mắc SXH trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm mạnh so cùng kỳ năm 2019. Để có được kết quả tốt, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với trạm y tế các xã, thị trấn triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến tận thôn, ấp ngay từ đầu năm. Đặc biệt, qua tuyên truyền vận động, ý thức của nhân dân được nâng cao. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn bám sát địa bàn và xử lý kịp thời, nhanh nhất khi phát hiện ổ dịch”.

Bệnh SXH đang vào mùa cao điểm do thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát sinh nhiều ổ dịch. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm rõ rệt. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 2.558 ca mắc SXH, trong đó 1 ca tử vong. 6 tháng đầu năm 2020, Bình Phước xảy ra 22 ổ dịch và đã được xử lý kịp thời, không để lây lan rộng ra cộng đồng. Đến nay, chỉ có 505 ca, giảm 80% so cùng kỳ năm 2019. Đây là thành quả của sự nỗ lực trong việc triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống SXH của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và ý thức của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

  • Từ khóa
59355

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu