Thứ 7, 20/04/2024 03:07:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 21:14, 13/03/2020 GMT+7

Ý thức... ai bán mà mua

Tấn Phong
Thứ 6, 13/03/2020 | 21:14:00 291 lượt xem
BPO - Tổ chức Y tế thế giới đã công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vậy mà vẫn có người xem thường để rồi trốn tránh việc khai báo từng ở vùng dịch hoặc có nguy cơ cao lây bệnh, chê nơi cách ly. Thậm chí có trường hợp còn tìm người cách ly thế. Điều này dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch Covid-19, khiến dư luận thêm bức xúc.

Hiện nay, Chính phủ vừa quyết liệt “chống dịch như chống giặc”, vừa tìm kiếm thị trường và ban hành các chính sách để ổn định sản xuất phát triển kinh tế. Các cấp, ngành cùng toàn thể nhân dân gồng mình đẩy lùi dịch bệnh... Thế nhưng, chỉ vì thiếu ý thức mà một cô gái đã mang dịch bệnh từ vùng dịch ở nước ngoài sau một chuyến du lịch về và làm cho nó bùng phát trở lại. Dù biết mình có khả năng cao bị nhiễm bệnh nhưng cô gái này về nước khai báo không trung thực nên khi phát bệnh đã gây ra nhiều hệ lụy: Cả khu phố, ê-kíp trực khám bệnh, phi hành đoàn... bị cách ly. Đặc biệt, số lượng người bị nhiễm Covid-19 ở nước ta đã tăng lên nhanh chóng sau vụ việc này.

Một vấn đề nữa, trong lúc “nước sôi lửa bỏng” vì dịch bệnh lan truyền từ cô gái này thì lại có trường hợp khác kém ý thức hơn. Đó là đại diện một doanh nghiệp trong ngành điện gió đi chung chuyến bay với cô gái nêu trên đã cho nhân viên đi cách ly thay mình. Việc làm này không chỉ cho thấy thái độ thiếu ý thức của vị đại diện doanh nghiệp, mà còn là hành vi trái lương tâm, vô trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Nếu như người này bị nhiễm bệnh nhưng không được cách ly và chữa trị thì dịch bệnh lây lan không chỉ với gia đình, đơn vị của họ mà còn đẩy nhanh tốc độ bùng phát của dịch bệnh, là vấn đề hết sức nguy hiểm. Hay trường hợp một vị cựu lãnh đạo của một cơ quan khoa học, dù biết mình đi chung, ngồi gần với người nhiễm Covid-19 nhưng vô cảm đến mức phớt lờ như không. Vị này vẫn dự hội thảo, vẫn gặp gỡ chiến hữu, cựu đồng nghiệp... Kết quả, đơn vị này phải tạm đóng cửa 1 tuần để phun thuốc khử trùng và thực hiện biện pháp phòng bệnh.

Tại Bình Phước, những vấn đề nêu trên tuy chưa xảy ra nhưng căn bệnh thiếu ý thức không phải là không có đối với không ít người và từng gây ra những hệ lụy không nhỏ. Ví như việc ăn ở mất vệ sinh, xả rác thải bừa bãi; lớn tiếng, chen lấn, xô đẩy nơi đông người, đánh nhau cũng xuất phát từ việc thiếu ý thức. Đi ngang về tắt, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi uống rượu, bia... gây ra những vụ tai nạn thương tâm cũng bắt nguồn từ thiếu ý thức. Mới đây, ở tỉnh ta xuất hiện trường hợp, 2 tài xế xe ôtô không chịu nhường đường cho một xe cứu thương. Dù xe cứu thương đã bật còi ưu tiên liên tục nhưng cả xe ôtô đi trước và xe khách đi bên vẫn không nhường đường khiến dư luận thêm bức xúc.

Một việc làm, một hành động thiếu ý thức tuy nhỏ, hệ lụy chưa lớn nhưng nếu không xử lý thì sẽ kéo theo các hành vi khác với hậu quả nặng nề hơn và nó sẽ trở thành tội ác. Trong khi đó, không phải cứ có tiền, có địa vị thì sẽ mua được ý thức. Và nếu cứ dĩ hòa vi quý thì xã hội xuất hiện nhiều trường hợp thiếu ý thức như các hành vi nêu trên, dẫn tới những hậu quả rất khó lường. Vì vậy, hãy nêu cao ý thức của mỗi người là câu khẩu hiệu chưa bao giờ nguội.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu