Thứ 6, 26/04/2024 00:08:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:00, 15/04/2015 GMT+7

40 năm trước, giải phóng quần đảo Trường Sa

Thứ 4, 15/04/2015 | 14:00:00 2,139 lượt xem
BP - Tháng 4 năm nay cả dân tộc ta đang ra sức thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2015). Trong tháng tư lịch sử của 40 năm về trước, đại quân ta từ nhiều hướng đồng loạt tiến về giải phóng Sài Gòn, thủ phủ cuối cùng của Mỹ - ngụy. Và cũng trong thời gian này, lực lượng hải quân được lệnh tiến công, giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa. Việc giải phóng các đảo và quần đảo trên biển Đông có ý nghĩa rất lớn, bởi đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí chiến lược rất quan trọng của đất nước.

Ngay sau chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), Quân ủy Trung ương trình Bộ Chính trị về việc giải phóng Trường Sa. Ngày 25-3-1975, kiến nghị của Quân ủy Trung ương được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị. Thực hiện nhiệm vụ này, ngay từ đầu tháng 4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân một mặt sử dụng Đoàn 125 vận chuyển bộ đội, vũ khí, trang bị kỹ thuật cho chiến trường Nam bộ; mặt khác khẩn trương tổ chức lực lượng sẵn sàng tấn công giải phóng các đảo khi thời cơ đến. Ngày 4-4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh: “Dùng lực lượng hiện có, phối hợp với lực lượng đặc công của Quân khu 5, tranh thủ thời cơ có lợi đánh chiếm quần đảo Trường Sa”. Lực lượng tham gia đánh quần đảo Trường Sa gồm Đội 1 - Đoàn 126 đặc công từng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt và một bộ phận hỏa lực thuộc Tiểu đoàn 471, Quân khu 5. Các tàu vận tải 673, 674, 675 của Đoàn 125 từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng, có nhiệm vụ chở lực lượng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Những con tàu “không số” này đã từng qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên quen đường và có kinh nghiệm tránh đá ngầm. Theo phương án tác chiến, mục tiêu tấn công đầu tiên là đảo Song Tử Tây, tiếp đó là các đảo Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn.. với phương châm tác chiến là bí mật, bất ngờ. 

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân thị sát tình hình Trường Sa khi quần đảo này mới được giải phóng - Ảnh: Bảo tàng Hải quân

Ngày 11-4, lực lượng chiến đấu giải phóng đảo Song Tử Tây rời quân cảng Đà Nẵng ra khơi. 19 giờ ngày 13-4, 3 tàu chở lực lượng chiến đấu đã đến mục tiêu cần đánh đúng thời gian quy định. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 14-4, trận đánh bắt đầu. Phát đạn ĐKZ đầu tiên nổ là hiệu lệnh hiệp đồng cho toàn đơn vị tấn công. Tiếp theo, hỏa lực các cỡ của quân ta tới tấp nã vào công sự địch. Bị đánh bất ngờ, bọn địch rất hoang mang, co cụm chống trả yếu ớt. Sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, lực lượng ta làm chủ được trận địa, bọn địch tháo chạy tán loạn. 5 giờ 15 phút ngày 14-4, toàn bộ số địch còn lại ra đầu hàng. Quân ta làm chủ toàn bộ đảo, lá cờ giải phóng được các chiến sĩ hải quân ta kéo lên đỉnh cột cờ giữa đảo.

Song Tử Tây bị mất, hệ thống phòng thủ của địch trên quần đảo Trường Sa bị đe dọa. Thừa thắng xông tới, các lực lượng của Đội 1, Đoàn 126 đặc công hải quân và một đơn vị của Quân khu 5 tiếp tục được lệnh đi giải phóng các đảo còn lại. Với trí thông minh, lòng dũng cảm, quân ta liên tục chiến đấu và chiến thắng giòn giã. 3 giờ sáng ngày 25-4 quân ta giải phóng đảo Sơn Ca; 10 giờ 30 phút ngày 27-4 làm chủ đảo Nam Yết; 10 giờ 30 phút ngày 28-4, quân ta tiếp tục làm chủ đảo Sinh Tồn. 9 giờ sáng ngày 29-4, phân đội chiến đấu cuối cùng của Đoàn 126 đã hoàn thành công tác đổ bộ chiến đấu và làm chủ đảo Trường Sa Lớn; đồng thời kết thúc nhiệm vụ chiến đấu đặc biệt quan trọng của Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân. (*)

Giải phóng quần đảo Trường Sa là chiến thắng có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chiến thắng là minh chứng của ý thức về chủ quyền biển đảo và là bài học về sức mạnh ý chí dân tộc. Giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thể hiện việc quán triệt, chấp hành nghiêm chỉnh quyết tâm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng về nhiệm vụ giải phóng biển, đảo. Chiến thắng một lần nữa chứng minh sự thành công của Bộ tư lệnh Hải quân trong việc chỉ đạo xây dựng và chiến đấu của lực lượng vận tải chiến lược và nhất là lực lượng đặc công Hải quân. Thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giải phóng vùng biển và hải đảo trong tháng 4-1975 không những có ý nghĩa quan trọng đối với Chiến dịch Hồ Chí Minh mà còn tạo tiền đề cho Quân chủng Hải quân nghiên cứu về tổ chức, sử dụng lực lượng phòng thủ và bảo vệ vùng biển đảo sau này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung Lương

(*)Tham khảo “Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam”, NXB QĐND, năm 1985

  • Từ khóa
12909

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu