Thứ 6, 19/04/2024 09:49:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:30, 20/06/2020 GMT+7

Xóa sổ đòi nợ thuê

Tấn Phong
Thứ 7, 20/06/2020 | 08:30:00 788 lượt xem
BPO - Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi). Theo đó, từ ngày 1-1-2021 trở đi, nhiều hoạt động như kinh doanh các chất ma túy; các loại hóa chất, khoáng vật; thực vật, động vật hoang dã, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm… sẽ bị cấm.

Đặc biệt, khi luật mới có hiệu lực thi hành, hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê, một biến tướng tội phạm “núp bóng” kinh doanh sẽ bị xóa sổ.

Những năm qua, hoạt động kinh doanh đòi nợ thuê ở nước ta phát triển khá mạnh và loại hình này đã gây ra nhiều hệ lụy. Đặc biệt, chúng đã biến tướng thành một loại tội phạm nguy hiểm, làm mất an ninh trật tự và an toàn xã hội, gây hoang mang dư luận. Nhiều vụ việc để đòi được tiền, những đối tượng thu nợ đã bất chấp các thủ đoạn, hành vi như khủng bố tinh thần, bắt cóc, đánh đập, đe dọa và sẵn sàng tước đi mạng sống của người nợ. Trong khi đó, nhân viên các doanh nghiệp này hầu hết là những thành phần bất hảo, coi thường kỷ cương phép nước, đạo lý và luôn hành xử bằng vũ lực. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đòi nợ thuê đều mang dáng dấp của các băng nhóm tội phạm, hoạt động theo kiểu xã hội đen và phạm vào các tội cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái phép...

Tại Bình Phước, tuy chưa có công ty đòi nợ thuê nào đăng ký kinh doanh và đặt trụ sở hoạt động, tuy nhiên, tình trạng một số doanh nghiệp từ Đồng Nai, Bình Dương hay TP. Hồ Chí Minh lên Bình Phước để thực hiện việc đòi nợ thuê là chuyện xảy ra không hiếm. Mỗi khi các doanh nghiệp, công ty cho nhân viên đến Bình Phước thực hiện các hợp đồng đòi nợ thuê đã gây ra sự hoang mang trong đời sống của người dân. Ví như trường hợp của một hộ dân trú phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài vay ngoài xã hội hơn 25 tỷ đồng để làm ăn, nhưng sau đó mất khả năng chi trả. Nhiều lần đòi không được, mới đây chủ nợ phải thuê một công ty từ TP. Hồ Chí Minh đến đòi nợ thay mình. Để đòi được nợ, công ty này đã bố trí hàng chục nhân viên xăm trổ hổ báo đầy mình “đóng chốt” các ngả đường vào nơi ở của người vay tiền. Đồng thời, chúng còn “bao vây” căn nhà của người nợ trong thời gian dài nhằm gây áp lực, buộc người vay tiền phải bán tài sản trả nợ. Vụ việc này đã ảnh hưởng không nhỏ tới an ninh trật tự tại khu dân cư và tạo ra cảm giác lo lắng, bất an cho những hộ dân sống xung quanh.

Trước sự biến tướng của loại hình dịch vụ sang đòi nợ thuê, từ hoạt động kinh doanh thuần túy sang tội phạm nguy hiểm, có tổ chức; Chính phủ, các đại biểu Quốc hội... đã có nhiều ý kiến, văn bản đề nghị sửa luật, cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Bởi nếu cho phép lĩnh vực này tồn tại thì ranh giới giữa dịch vụ đòi nợ hợp pháp và bất hợp pháp rất mong manh, làm phát sinh thêm một loại tội phạm nguy hiểm. Vì vậy, việc đưa hoạt động dịch vụ đòi nợ vào danh mục cấm đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư mới sẽ khắc phục được “lỗ hổng” trong quản lý ngành nghề ở nước ta hiện nay. Đồng thời xóa được một loại tội phạm nguy hiểm, đội lốt doanh nhân, “núp bóng” doanh nghiệp hoạt động như trong thời gian qua. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện Luật Thi hành án dân sự, bít các kẽ hở tạo ra sự việc thi hành án dân sự với thủ tục nhanh gọn, hiệu quả.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu