Thứ 7, 20/04/2024 13:41:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:45, 17/12/2016 GMT+7

Xây dựng nông thôn mới ở Long Hà: Nhiều tiêu chí cần gỡ khó

Thứ 7, 17/12/2016 | 14:45:00 955 lượt xem
BP - Những năm qua, Long Hà luôn được coi là điểm nóng về an ninh trật tự của huyện Phú Riềng. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), không chỉ tình hình an ninh trật tự được cải thiện mà diện mạo nông thôn Long Hà cũng đang đổi thay từng ngày.

HUY ĐỘNG HIỆU QUẢ SỨC DÂN

Ông Vương Sỹ Toán, Chủ tịch UBND xã Long Hà cho biết: Tuy không được chọn làm xã điểm xây dựng NTM nhưng những năm qua, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã đã phát huy hiệu quả sức dân trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Cùng với vốn đầu tư của nhà nước, Long Hà nay đã có nhiều đổi thay về cơ sở hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng; nhiều mô hình sản xuất được áp dụng rộng rãi... Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng lên.

Từ đầu năm 2015 đến nay, nhiều công trình do nhà nước và nhân dân cùng làm trên địa bàn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cụ thể, nhựa hóa 3 tuyến đường ở thôn 8 và thôn Thanh Long với 1,8km, tổng vốn đầu tư trên 2,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 800 triệu đồng; xây dựng 2 tuyến đường điện ở thôn 7, bảo đảm trong năm 2016 có 99% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia... Ngoài ra, các dự án khác, như làm hệ thống đèn chiếu sáng khu dân cư, đề án thu gom rác thải cũng được nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Đoạn đường ở thôn 7 được xây dựng từ nguồn vận động nhà nước và nhân dân cùng làmĐoạn đường ở thôn 7 được xây dựng từ nguồn vận động nhà nước và nhân dân cùng làm

Ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Trưởng thôn 7 cho hay: Trước đây, nhiều tuyến đường thôn xuống cấp, nhưng xã và huyện không có kinh phí sửa chữa. 2 năm qua, Ban điều hành thôn đã vận động người dân đóng góp gần 238 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa 4km đường cấp phối sỏi đỏ; phối hợp làm tốt giải tỏa đền bù, giúp ngành điện thi công hai đường điện với chiều dài 1,4km; góp tiền làm 1km đèn đường chiếu sáng... Bà con trong thôn còn đóng góp hàng trăm ngày công đào đất, đá, nạo vét mương thoát nước; chủ động chặt cây và dỡ bỏ công trình trên đất, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thi công.

Hiện 17 thôn của xã đều xây dựng hương ước, quy ước gắn với khẩu hiệu “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Xã còn duy trì nhiều hoạt động có ý nghĩa, được tổ chức hằng năm như giải bóng đá futsal truyền thống chào mừng kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh (2-9); hội vui xuân với nhiều chương trình mang đậm chất lễ hội, thu hút đông người dân tham gia... Hay Hội Cựu chiến binh xã giúp nhau phát triển kinh tế, mỗi năm vận động xây một căn nhà nghĩa tình đồng đội nên không còn hội viên nghèo, sống trong nhà tạm, dột nát. Từ đó, làm thay đổi diện mạo nông thôn ở Long Hà.

VẪN CÒN NHIỀU “NÚT THẮT”

Ông Vương Sỹ Toán cho biết: Xây dựng NTM là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Long Hà hiện đã đạt 9/19 tiêu chí, những tiêu chí còn lại hầu hết đòi hỏi nguồn vốn lớn và thực hiện trong thời gian dài, như giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, xây dựng trường học... Năm 2016, xã đề ra mục tiêu hoàn thành thêm 3 tiêu chí là điện, hình thức tổ chức sản xuất và an ninh trật tự, nhưng dự báo khó đạt. Bởi ngoài số hộ chưa có điện sử dụng, trên địa bàn vẫn còn một số đường điện trước đây người dân bỏ vốn đầu tư chưa được ngành điện nâng cấp, sửa chữa nên không bảo đảm an toàn. Các mô hình liên kết sản xuất đã có nhưng chủ yếu tự phát, chưa có quy chế hoạt động cụ thể và thiếu sự hỗ trợ về pháp lý của các cấp chính quyền. Muốn hiệu quả, phải xây dựng mô hình điểm để người dân học tập kinh nghiệm và có cơ chế, chính sách cụ thể với đối tượng tham gia.

Chia sẻ về khó khăn trong thực hiện tiêu chí an ninh trật tự, Đại úy Phạm Thanh Tuân, Trưởng công an xã cho biết: Năm 2016, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn giảm cả về số vụ lẫn tính chất vụ việc so với cùng kỳ, nhưng vẫn còn một số thanh niên bỏ học, lười lao động, thích ăn chơi, tụ tập, sử dụng trái phép chất ma túy, lại thiếu sự quan tâm của gia đình nên phát sinh trộm cắp. Mặt khác, xã đang quản lý 24 hồ sơ về đối tượng nghiện ma túy và 62 hồ sơ tha tù, tái hòa nhập cộng đồng cùng 12 hồ sơ đối tượng tù treo. Để tạo việc làm cho những đối tượng này cũng rất khó vì doanh nghiệp sợ bị ảnh hưởng, dẫn đến tái phạm. Hay như vụ việc liên quan đến ông Nguyễn Văn Nghinh ở thôn 7 xảy ra vào tháng 6-2016 cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự địa bàn. Ngoài ra, phụ cấp cho lực lượng công an xã quá thấp, lại không đảm bảo vật chất, phương tiện, công cụ hỗ trợ nên chưa nhiệt tình với công việc. Chúng tôi đang củng cố lực lượng đủ về số lượng, được đào tạo nâng cao nghiệp vụ và phối hợp với Công an tỉnh, Công an huyện cùng các xã lân cận giữ gìn an ninh trật tự.

Ông Vương Sỹ Toán cho biết thêm, không chỉ có an ninh trật tự mà xã còn nhiều tiêu chí khó thực hiện, thậm chí “khó gỡ”. Nhà ở dân cư là một minh chứng, xã hiện có 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số, phần lớn đời sống khó khăn và thu nhập thấp nên số hộ ở nhà tạm nhiều. Xã luôn ưu tiên xóa nhà tạm nhưng nguồn lực hạn chế, muốn đạt phải có lộ trình thực hiện lâu dài và sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành. Hay tiêu chí môi trường cũng đang là trở ngại, mặc dù rác ở những khu vực trung tâm đã được thu gom về bãi rác tập trung và bà con đã ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, bãi rác hiện tại quá nhỏ (6.000m2) không bảo đảm sức chứa sau này, lại xử lý thủ công (đốt) dễ gây ô nhiễm môi trường, nhất là vào mùa mưa. Mặt khác, ô nhiễm ngày càng lớn do người dân sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi; việc xử lý chất thải trong chăn nuôi, chất thải nông nghiệp, sinh hoạt chưa được quan tâm...                                      

Lâm Phương

  • Từ khóa
1305

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu