Thứ 4, 17/04/2024 03:04:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:52, 27/08/2020 GMT+7

Xã vùng xa làm đường giao thông

Quang Minh
Thứ 5, 27/08/2020 | 14:52:00 1,066 lượt xem
BPO - “Xã Đăng Hà có 7km đường ĐT755b chạy qua là đường thâm nhập nhựa, còn khoảng 40km đường trục chính và 40km đường xương cá phần lớn là đường đất hoặc cứng hóa nhưng cũng đã xuống cấp. Muốn kinh tế phát triển phải đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn” - Chủ tịch UBND xã Đăng Hà Vũ Ngọc Đỉnh cho biết.
Người dân thôn 1 và 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng san lấp mặt bằng để đổ bê tông tuyến đường liên thôn

Đăng Hà là xã xa nhất huyện Bù Đăng, cách trung tâm huyện 52km, tiếp giáp huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Từ nhiều năm qua, hệ thống giao thông của Đăng Hà phần lớn là đường đất, đi lại khó khăn. Thực hiện kế hoạch toàn huyện Bù Đăng làm 150km đường giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù của tỉnh, xã Đăng Hà được giao 4,7km với hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Xác định đây là cơ hội để xã cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất, phát triển, UBND xã Đăng Hà đã họp dân ở từng thôn, qua đó nhận được sự đồng thuận rất lớn của nhân dân. Đến tháng 8-2020, 6/6 thôn trong toàn xã đã đăng ký làm đường bê tông xi măng với tổng 17km, tăng 12,3km so kế hoạch được giao.

Chị Nguyễn Thị Lường ở thôn 1 cho biết: “Tuyến đường dài 1,25km, rộng 2m, tổng kinh phí 400 triệu đồng. Mặc dù Nhà nước hỗ trợ 80%, nhân dân chỉ phải đóng 20% nhưng vì số hộ trực tiếp hưởng lợi trên tuyến đường này rất ít (thôn 1 có 11 hộ, thôn 2 có 5 hộ) nên mỗi hộ phải đóng 5 triệu đồng. Do phải đóng ngay để trả đơn vị thi công nên nhiều hộ gặp khó khăn. Tuy vậy nhân dân cũng sẵn sàng vay mượn để hoàn thành”. Chị Đàm Thị Hoa (39 tuổi, dân tộc Nùng) ở thôn 1 chia sẻ: “Vì đường quá hẹp, các loại xe cơ giới cỡ lớn không thể vào để san lấp mặt bằng nên nhân dân phải làm thủ công. Từ sáng sớm, mỗi nhà cử 1 người mang cuốc, xẻng để lấp những hố trũng. Mùa này, sáng thì nắng nhưng chiều mưa nên nhân dân phải cố gắng làm sớm và trưa nghỉ muộn cho được việc. Nhiều cụ già ra xem và cổ vũ con cháu bằng những ấm trà xanh khiến không khí càng đông vui và thêm đoàn kết, phấn khởi”.

Đầu tháng 7-2020, tuyến đường liên thôn 2 và thôn 4 hoàn thành. Dù đường chỉ có bề ngang 2m, dài 350m, chưa có hệ thống điện chiếu sáng nhưng tuyến đường này là mơ ước bao năm qua của người dân trong thôn. Bởi thôn 2 có địa hình đồi dốc, đi lại vào mùa mưa rất vất vả. Do vậy, chúng tôi họp dân và được nhân dân đồng ý làm ngay. 
Anh Luân Văn Tuấn,
Trưởng thôn 2, xã Đăng Hà

Anh Lê Văn Hoàn thi công các tuyến đường tại xã Đăng Hà đợt này cho biết: “Các tuyến đường phần lớn có nền đất yếu nên thường bị lún. Quá trình thi công, chúng tôi phải tập kết vật liệu và trộn bê tông cách công trường rất xa, đồng thời dùng xe liên hợp chuyên dụng loại nhỏ để chở vật liệu. Tuy vậy, thi thoảng xe cũng vẫn bị lầy. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ và chất lượng”.

Ngoài các tuyến đường được làm theo cơ chế đặc thù của tỉnh, mới đây, Đăng Hà cũng được đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đường trục chính tại thôn 4 dài 300m. Tuyến đường thông thương giữa Đăng Hà và huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Đây là tuyến đường thâm nhập nhựa từ khoảng 10 năm trước nhưng vì lưu lượng xe qua lại nhiều, tải trọng lớn nên nay đã xuống cấp với nhiều ổ gà, hố sâu nguy hiểm.

Kinh tế của người dân Đăng Hà phần lớn dựa vào canh tác lúa nước và trồng cây ngắn ngày. Trong đó, diện tích lúa gần 700 ha, năng suất trung bình hằng năm đạt 4-4,5 tấn/ha. Thu nhập của nhân dân còn thấp. Toàn xã còn 85 hộ nghèo, chiếm 6,3% và 61 hộ cận nghèo, chiếm 4,5%. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay Đăng Hà mới đạt 8/19 tiêu chí. Dù chưa phải là xã được chọn về đích nông thôn mới trong năm nay nhưng việc chủ động triển khai làm đường giao thông theo kế hoạch từng năm, với phương châm ít vốn, thiết yếu làm trước, nhiều vốn và thứ yếu làm sau là cách làm phù hợp của chính quyền và người dân nơi đây.

  • Từ khóa
1656

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu