Thứ 6, 19/04/2024 11:33:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:04, 26/05/2020 GMT+7

Xã biên giới chủ động xây dựng nông thôn mới

Quang Minh
Thứ 3, 26/05/2020 | 07:04:00 606 lượt xem
BPO - Đắk Ơ và Bù Gia Mập là 2 xã biên giới của huyện Bù Gia Mập, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, chính quyền các xã đã chủ động phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện những tiêu chí khó khăn như xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô, nhằm “chạy đà” trước khi xây dựng xã về đích nông thôn mới.

Tập trung giảm nghèo

Chị Ngô Thị Nhanh (SN 1978) là một trong những hộ nghèo ở thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ. Kinh tế quá khó khăn bởi gia đình không có vườn rẫy, bản thân chị không có việc làm, không có thu nhập ổn định. Sau ly hôn, một mình chị tảo tần nuôi 3 con nhỏ. Nhằm giúp chị Nhanh từng bước giảm nghèo, tổ vay vốn NHCSXH thôn Bù Khơn đã bình xét cho chị vay 50 triệu đồng để chăn nuôi heo. Vì nhà của chị Nhanh không đủ điều kiện về điện, nước và các phương tiện, dụng cụ nên anh ruột của chị ở đội 4, thôn 9 cùng xã đã cho chị mượn lại hệ thống chuồng trại để nuôi heo nhờ.

Chị Chu Thị Sen ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập phấn khởi vì kinh tế gia đình đang từng bước ổn định nhờ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện    

Với số tiền 50 triệu đồng được vay từ NHCSXH huyện Bù Gia Mập, chị Nhanh mua thêm heo, bổ sung vào đàn đã nuôi trước đó. Số tiền còn lại chị mua cám tổng hợp dự trữ. Chị Nhanh cho biết: “Hằng ngày, tôi đến các quán cơm, bún phở mua lại thức ăn dư thừa về nấu lại cho heo ăn. Các loại thuốc men và phòng dịch cho đàn heo tôi mày mò thực hiện, lâu rồi thành quen. Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng tôi rất hy vọng vào lứa heo này.

Nguồn vốn NHCSXH huyện đã giúp gia đình anh Lê Quốc Hương ở đội 5, thôn 9, xã Đắk Ơ phát triển đàn dê

Những năm trước đây, kinh tế gia đình anh Lê Quốc Hương  - chị Chu Thị Sen ở đội 5, thôn 9, xã Đắk Ơ luôn ở ngưỡng nghèo, cận nghèo, rồi lại tái nghèo mà chưa thể vươn lên ổn định được. Nguyên nhân do chị Sen bị bệnh hen suyễn, thường xuyên phải đi bệnh viện, chi phí thuốc men tốn kém, trong khi các con của anh chị còn nhỏ. Mấy năm trước, gia đình anh cũng nuôi vài con dê, bình quân mỗi năm thu nhập từ bán dê được khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đó thu về một cách nhỏ lẻ, bởi cứ con dê nào lớn, bán được là anh chị phải bán để chi tiêu hằng ngày chứ không thành món lớn, do đó cũng không có điều kiện đầu tư nhân đàn. Tháng 3-2019, anh chị được vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ nghèo của NHCSXH huyện, qua đó, một phần anh chị đầu tư mua thêm dê để chăn nuôi, mặt khác đầu tư xây dựng mô hình trồng rau sạch để tăng thu nhập. Hiện nay, đàn dê của gia đình anh Hương có trên 10 con.

Khắc phục tình trạng thiếu nước

Năm 2015, gia đình chị Thị Nâu, dân tộc Mơnông ở thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập được vay 12 triệu đồng từ nguồn vốn nước sạch và vệ sinh môi trường. Gia đình chị thuê thợ đào giếng sâu 19m, đồng thời phụ thêm kinh phí thuê máy múc ao sâu hơn để trữ nước. Chị Nâu cho biết: “Từ khi có giếng, gia đình tôi không phải mua phuy nhựa để hứng nước mưa và mua nước sinh hoạt mùa khô. Lâu rồi cũng không phải ra suối tắm. Ao múc sâu hơn nên cũng trữ được nước để tưới cà phê sau nhà”.

Đến nay, xã Đắk Ơ có 755 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn sản xuất, với tổng dư nợ hơn 16 tỷ đồng. Tất cả hộ vay vốn đều được bình xét đảm bảo đúng đối tượng. Phương án sản xuất của từng hộ đều được cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo đồng vốn sử dụng có hiệu quả.

Ông Trần Quốc Ân,
quản lý tổ tiết kiệm vay vốn, xã Đắk Ơ

Sau khi dừng thực hiện giãn cách xã hội, tháng 5-2020, NHCSXH huyện Bù Gia Mập tiếp tục thực hiện phiên giao dịch đầu tiên tại UBND xã Bù Gia Mập với nguồn vốn hơn 2 tỷ đồng gồm các dự án cho vay hộ nghèo, cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường. Tháng 6, ngân hàng tiếp tục thực hiện phiên giao dịch tại xã Đắk Ơ. Bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc NHCSXH huyện Bù Gia Mập cho biết: Đến tháng 4-2020, NHCSXH huyện có tổng dư nợ 233,272 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay cho 10.023 khách hàng toàn huyện. Trong đó, dư nợ tại xã Đắk Ơ 38,876 tỷ đồng với 1.281 hộ vay; dư nợ tại xã Bù Gia Mập là 22,5 tỷ đồng với 872 hộ vay. Riêng xã Bù Gia Mập có 530 hộ được vay dự án nước sạch và vệ sinh môi trường với dư nợ 6,76 tỷ đồng, qua đó toàn xã đã có 596 giếng khoan và đào.

Dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng 2 xã Đắk Ơ, Bù Gia Mập đều chủ động và sẵn sàng vào cuộc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới rất quyết liệt. Và đây cũng là kinh nghiệm được rút ra từ chương trình xây dựng nông thôn mới ở 4/4 xã của huyện Bù Gia Mập trước đó, đều đã hoàn thành về đích sớm hơn kế hoạch đề ra.

Đến thời điểm này, xã Bù Gia Mập đã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó, các tiêu chí về giảm nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường được xã phối hợp NHCSXH huyện chú trọng thực hiện, qua đó đạt nhiều kết quả.

Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập Nguyễn Sỹ Hoàn

  • Từ khóa
54778

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu