Thứ 6, 19/04/2024 10:55:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 20:41, 05/07/2013 GMT+7

Công bố các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết mới

Thứ 6, 05/07/2013 | 20:41:00 1,595 lượt xem
Sáng 5-7, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 9 Luật, 1 Pháp lệnh và 1 Nghị quyết vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/10/2013. Luật quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.

Theo quy định của Luật, Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp: cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Lực lượng phòng, chống khủng bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nghiệm vụ chống khủng bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Khi khủng bố xảy ra, nhiều lực lượng có thể được huy động để xử lý vụ việc, trong đó các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là nòng cốt...

Gồm 11 chương, 81 điều, Luật Khoa học và Công nghệ có nhiều nội dung mới, quy định rõ hơn về nhiệm vụ, nguyên tắc của hoạt động khoa học, công nghệ; chính sách của Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ...

Một trong những điểm mới của Luật là quy định ưu đãi trong việc sử dụng nhân lực, nhân tài khoa học, công nghệ; thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài... Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014.

Có hiệu lực thi hành từ 1/5/2014, Luật Phòng, chống thiên tai gồm 6 chương, 47 điều quy định các chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai và nguồn lực phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai (nguồn nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hệ thống thông tin, nhu yếu phẩm, nguồn tài chính...).

Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh gồm 8 chương, 47 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Luật quy định việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho đối tượng trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội được thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước. Người quản lý doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014, riêng quy định áp dụng thuế suất 5% đối với nhà ở xã hội thực hiện sớm hơn, từ ngày 1/7/2013.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Tuy nhiên, để góp phần hỗ trợ giảm khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh nhà ở xã hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Luật sửa đổi, bổ sung quy định áp dụng kể từ ngày 1/7/2013 với hai giải pháp chính sách ưu đãi thuế gồm: quy định doanh nghiệp có tổng doanh thu năm dưới 20 tỷ đồng được áp dụng thuế suất 20% và quy định áp dụng thuế suất 10% đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư – kinh doanh nhà ở xã hội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, đã sửa đổi 5/42 điều của luật hiện hành, khắc phục những bất cập nổi cộm như tình trạng di dân tự phát vào các thành phố lớn, mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội… , nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dân cư, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/8/2013, nhằm tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì hoạt động, kinh doanh ổn định; Tạo cơ sở pháp lý khuyến khích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chưa đăng ký lại thực hiện dự án đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Luật Hòa giải ở cơ sở gồm 5 chương, 33 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014. Theo đó, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật trừ các trường hợp sau: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật đang được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý về hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối có hiệu lực từ 1/1/2014 nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn điều chỉnh hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế…  

Nghị quyết kéo dài thời hạn sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân khẳng định: sau khi hết thời hạn sử dụng các loại đất trên, Nhà nước sẽ không thu hồi lại, các hộ gia đình, cá nhân sẽ tiếp tục được sử dụng cho đến khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua và có hiệu lực thi hành. Nghị quyết có hiệu lực từ 1-10-2013.

(Theo Chinhphu.vn)

  • Từ khóa
5582

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu