Thứ 5, 28/03/2024 16:15:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:30, 10/10/2020 GMT+7

TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Vướng mắc trong quản lý khai thác khoáng sản

Thứ 7, 10/10/2020 | 08:30:00 2,857 lượt xem

BPO - LTS: Trước và sau kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 12, khóa IX, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức cho các vị đại biểu tiếp xúc cử tri. Tại các buổi tiếp xúc đợt này, cử tri đã kiến nghị về việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Đặc biệt, nhiều cử tri tiếp tục kiến nghị về những vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Lâm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) về những nội dung cử tri quan tâm.

* Hiện nay, có nhiều hộ dân tộc thiểu số ở thôn 5, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng chưa được cấp GCNQSDĐ, trong đó có diện tích đất giao cho các hộ thuộc diện được hưởng theo Chương trình 134. Thực trạng của vấn đề này như thế nào, thưa ông?

Vào ngày 21-7-2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Sở TN-MT, Ban Dân tộc và UBND xã Đồng Nai đã khảo sát thực tế khu đất nêu trên và có biên bản thống nhất như sau: Trên địa bàn thôn 5, xã Đồng Nai không có thực hiện giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình 134, nên không có nội dung các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không được cấp GCNQSDĐ theo Chương trình 134.

Tại cuộc họp, UBND xã Đồng Nai báo cáo việc các hộ dân thôn 5 kiến nghị là diện tích đất lâm nghiệp các hộ dân đã sử dụng lâu năm nhưng chưa được giao về địa phương để cấp GCNQSDĐ. Đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh diện tích này ra khỏi đất rừng sản xuất để giao về địa phương thực hiện cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân.

* Những khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay là gì và ngành có giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

Khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay thì có nhiều, song vấn đề bất cập nhất và khó gỡ nhất là công tác phối hợp quản lý tài nguyên khoáng sản giữa các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc khi xảy ra vi phạm thì không xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị để xử lý.

Một điểm khai thác cát ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (ảnh minh họa)

Tiếp đó là tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra, đặc biệt là khoáng sản cát xây dựng, đất san lấp và đá xây dựng. Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác của chính quyền địa phương còn thiếu cương quyết; nhận thức về pháp luật của người dân chưa đầy đủ. Trong khi đó, lực lượng cán bộ quản lý khoáng sản ở cấp huyện, cấp xã chưa được bố trí, hoặc được bố trí nhưng là kiêm nhiệm, trình độ chuyên môn còn hạn chế, đội ngũ còn quá mỏng chưa tương xứng với yêu cầu thực tế cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành của tỉnh và chính quyền địa phương nên hiệu quả công tác thanh - kiểm tra đạt hiệu quả chưa cao.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, trước hết cần triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định tại Điều 7 Quyết định số 1567/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh, Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện việc rà soát, kiểm tra, xử lý kịp thời hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, việc xử phạt theo quy định của Chính phủ. Đối với các trường hợp phức tạp, vượt thẩm quyền, ngoài tầm kiểm soát cần kịp thời báo cáo UBND cấp trên cho ý kiến xử lý. Đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn: Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh thực hiện nghiêm việc tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Về phía ngành, trong thời gian tới, Sở TN-MT sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản để nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật cũng như công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Tiếp tục tổ chức, tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật, không chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, việc chấp hành pháp luật về môi trường, nước và đất đai trong hoạt động khoáng sản.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân đề nghị thực hiện dự án thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh: Đề nghị chính quyền địa phương hướng dẫn thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn có liên quan hoặc liên hệ Sở TN-MT để được hướng dẫn cụ thể.

* Vì sao việc cấp GCNQSDĐ cho người dân theo Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 5-7-2019 của HĐND tỉnh chưa đạt so với kế hoạch và ngành sẽ khắc phục việc này như thế nào, thưa ông?

Diện tích đất lâm nghiệp tách ra khỏi lâm phần sau khi quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh giao về địa phương quản lý là 159.440,2 ha, trong đó diện tích cần cấp GCNQSDĐ là 122.647,7 ha. Đến thời điểm 30-6-2020, toàn tỉnh đã cấp được 28.996 GCNQSDĐ, với tổng diện tích đất đã cấp 75.353,7 ha. Tỷ lệ diện tích đã cấp GCNQSDĐ đạt 61,44% trên tổng diện tích cần cấp GCNQSDĐ. Nhìn chung, công tác cấp GCNQSDĐ theo Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh chưa đạt đúng theo kế hoạch đề ra.

Nguyên nhân thứ nhất: Ở một số khu vực đang đo đạc và chưa được đo đạc chính quy, các hộ dân còn chờ Nhà nước đo đạc chính quy để được đăng ký cấp GCNQSDĐ miễn phí. Trong khi đó, tổng diện tích đang đo đạc và chưa được đo đạc chính quy là 31.562,09 ha (Lộc Ninh 17.978,4 ha; Hớn Quản 11.403,75 ha; Bình Long 1.971,94 ha; Phước Long 208 ha). Sở TN-MT sẽ đôn đốc các địa phương hoàn thành công tác xét duyệt cấp GCNQSDĐ cho huyện Lộc Ninh và thành phố Đồng Xoài. Hiện nay, huyện Hớn Quản đang chuẩn bị cho kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính cấp GCNQSDĐ phần diện tích lâm phần trả về địa phương. Thứ hai: Các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội và các hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp có nguồn thu nhập ổn định không từ sản xuất nông nghiệp căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Luật Đất đai 2013 quy định là không thuộc đối tượng để giao đất mà phải thuê đất, do đó người dân không đến để làm thủ tục đăng ký kê khai cấp GCNQSDĐ.

Và một số vướng mắc về giải quyết chuyên môn ở địa phương liên quan đến Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND và các văn bản hướng dẫn của Luật Đất đai: Vấn đề này đã được Sở TN-MT báo cáo và đề xuất UBND tỉnh và được UBND tỉnh thống nhất thuận chủ trương tại Thông báo kết luận số 403/TB-UBND ngày 20-7-2020, ngày 28-8-2020 Sở TN-MT có Công văn số 2111/STNMT-CCQLĐĐ về việc hướng dẫn triển khai thực hiện cấp GCNQSDĐ theo Thông báo kết luận số 403/TB-UBND ngày 20-7-2020 của UBND tỉnh.

Để đẩy nhanh công tác cấp GCNQSDĐ, Sở TN-MT đề xuất một số giải pháp như sau: Sở TN-MT tiếp tục nghiên cứu, tham mưu xin ý kiến UBND tỉnh điều chỉnh những quy định, những nội dung không còn phù hợp trong Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND. Đối với các huyện, thị xã, thành phố đang thực hiện dự án đo đạc địa chính, đo chỉnh lý địa chính: ưu tiên và đẩy nhanh tiến độ xét cấp GCNQSDĐ trước đối với các xã có đất nông nghiệp chuyển khỏi lâm phần giao địa phương quản lý. Xây dựng phương án kinh tế - kỹ thuật đo đạc lập hồ sơ địa chính chính quy đối với phần diện tích tách ra khỏi lâm phần mà người dân đang chờ Nhà nước hỗ trợ phần đo đạc.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã và thành phố cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm vì đây thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Tập trung đẩy nhanh việc thực hiện cấp GCNQSDĐ theo Quyết định số 08/2017/QĐ-UBND ở những nơi đã có bản đồ địa chính. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giải thích cho nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước về đất đai, từ đó người dân sẽ chủ động liên hệ cơ quan chuyên môn để thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất và cấp GCNQSDĐ.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Quang Minh (thực hiện)

  • Từ khóa
35375

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu