Thứ 6, 19/04/2024 16:48:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phóng sự - Ký sự 07:00, 21/08/2019 GMT+7

BIỂN ĐẢO VIỆT NAM

Vững vàng DK1 giữa biển khơi - Bài cuối

Thứ 4, 21/08/2019 | 07:00:00 639 lượt xem

>> Đoàn công tác số 11 đi Trường Sa đã hoàn tất hải trình
>> Tàu kiểm ngư KN-490 khởi hành đi thăm, làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa
>> Đoàn công tác số 11 đi thăm, làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1
>> Đoàn cán bộ Bình Phước ra thăm chiến sĩ, nhân dân ở Trường Sa

>> Bình Phước với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
>> Những hoạt động có ý nghĩa thiết thực về biển đảo, biên giới
>> Biển đảo trong tim người Việt Nam
>> [Video] Tỉnh ủy Bình Phước và Đảng ủy Quân chủng Hải quân ký kết phối hợp tuyên truyền
>> [Video] Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Bình Phước hướng về biển đảo Tổ quốc”
>> 3 nội dung phối hợp tuyên truyền biển đảo, biên giới đất liền giữa Tỉnh ủy Bình Phước với Đảng ủy Quân chủng Hải quân

MÃI TRƯỜNG TỒN CÙNG DÂN TỘC VIỆT NAM

BP - Hơn 1 tháng qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 08 của Trung Quốc 2 lần vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông - tại cụm Tư Chính, cũng là lúc cả dân tộc cùng hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi ấy có những người con ưu tú đã hiến mình nằm lại với biển khơi, hóa thân cùng sóng nước tiếp tục khẳng định và giữ vững chủ quyền dân tộc, trở thành biểu tượng cao đẹp, là chỗ dựa vững vàng đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Nơi ấy cũng có những người con ưu tú đang ngày đêm bám trụ, chắc tay súng nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Và 30 năm qua, những pháo đài thép DK1 vẫn sừng sững, hiên ngang giữa sóng nước trùng khơi, viết tiếp những trang sử hào hùng “lính nhà giàn”.

Từng đàn cá phớt màu vàng nhạt bơi quanh các cột của nhà giàn không chịu rời đi dù ca nô nổ máy ầm ầm cách đó chỉ vài mét, tôi hỏi một sĩ quan, kỹ sư nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5: “Chúng là cá gì vậy anh?”. “Cá cơm đó nhà báo”. “Cá cơm biển to bằng bắp đùi sao?”. “Ở đây anh em chúng tôi gọi chúng là cá cơm, lâu dần thành quen”. Thì ra gọi là cá cơm bởi khi thức ăn thừa các anh đổ xuống sau mỗi bữa cơm chúng tới ăn rồi cũng “đóng quân” xung quanh nhà giàn, xem nhà giàn như mái nhà của chúng. Và khi cần, chúng cũng sẵn sàng là món ăn ngon cho các anh trong những bữa cơm.

Cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5 đón cán bộ từ đất liền ra thăm

Cuộc sống bình yên như thế, nhưng chất chứa bên trong biết bao điều. Trên nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5, Đại úy Nguyễn Văn Linh nói: “Nhà giàn hôm nay đã được xây dựng với thiết kế hiện đại, vật liệu chắc chắn, kiên cố để có thể chống chọi với sóng gió thiên nhiên. Những chiếc vai giường làm cao để ngăn không cho chiến sĩ lăn xuống đất vì sóng to gió lớn không còn nhiều tác dụng. Nhưng chúng tôi biết sóng gió ở đây chưa bao giờ hết, không chỉ đến từ thiên nhiên, mà còn đến từ kẻ thù, từ những kẻ xâm phạm vùng biển thiêng liêng của chúng ta. Dù gian khổ, dù hiểm nguy đến đâu cũng không làm những chiến sĩ hải quân, làm lính nhà giàn chúng tôi lùi bước”.

Cột mốc giữa biển khơi

Tại Nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5, tôi tìm hiểu về lịch sử các tiền đồn giữa biển khơi. Tròn 30 năm trước, năm 1989, Đảng và Nhà nước ta đã đưa những con tàu đơn sơ vượt sóng, vượt gió xây nhà giàn trên biển nhằm bảo vệ khu vực bãi ngầm trong thềm lục địa phía Nam. Để rồi từ đó đến nay, các nhà giàn cắm chân giữa trùng khơi như những cột mốc vững chắc canh giữ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Rau xanh, rau thơm, ớt được trồng ở khắp nơi tại nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính 5

Không như một số người nhầm tưởng viết tắt của “dàn khoan”, DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ “dịch vụ - khoa học kỹ thuật”. Số “1” chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa đất liền nhất. Việc thành lập cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ tại thềm lục địa phía Đông Nam thể hiện ý chí quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta trên con đường phát triển kinh tế biển, từng bước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển và khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Nhiệm vụ của các nhà giàn là điểm tựa của ngư dân đánh bắt hải sản trên biển, thiết lập các đèn biển, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu bè qua lại trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc từ Trường Sa đến khu vực Côn Đảo. Các lực lượng đóng trên nhà giàn còn có nhiệm vụ quan trọng khác là đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu bảo vệ các quyền của Việt Nam trên thềm lục địa. Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng được giao nhiệm vụ đảm nhận trọng trách đóng quân trên các nhà giàn.

Trong hải trình đoàn công tác số 11 của Quân chủng Hải quân bằng tàu KN-490 có cán bộ Bình Phước tham gia giữa năm 2019, nơi nào ghé thăm cũng thấy có bát nhang thờ các anh hùng liệt sĩ. Giữa biển khơi, đoàn cũng 2 lần làm lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Đã có 20 nhà giàn được xây dựng trên thềm lục địa phía Nam gồm 7 cụm DK1 Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Huyền Trân, Ba Kè, Tư Chính và Cà Mau. Đặc điểm thời tiết khu vực này ít sương mù nhưng giông gió thì vô cùng mạnh. Mùa gió Đông Bắc sóng cao 8-10m, bão sóng cao tới 15-20m. Không ít anh hùng liệt sĩ hy sinh trong quá trình xây dựng, bảo vệ những tiền đồn DK1.

Và gia đình giữa biển khơi

Trong số 23 nhà giàn DK1 đã dựng lên có 5 nhà giàn bị quật ngã bởi sóng to gió lớn. Nhiều câu chuyện xúc động được kể lại trong nước mắt của các chiến sĩ hải quân. Năm 1998, nhà giàn DK1/6 - cụm Phúc Nguyên, năm 1999 nhà giàn DK1/5 - cụm Tư Chính chìm xuống đáy biển sau những trận bão mạnh. Năm 2000, nhà giàn DK1/4 - cụm Ba Kè và nhà giàn DK1/1 - cụm Tư Chính tiếp tục bị sóng quật ngã. Tháng 12-1990, cơn bão số 10 sức gió mạnh cấp 11, 12 tràn qua khu vực DK1. Những cơn sóng như các tòa nhà khổng lồ ập vào nhà giàn Phúc Tần nghiêng ngả. Các chiến sĩ, kỹ sư của nhà giàn bám chắc tiền tiêu, duy trì điện báo thường xuyên về sở chỉ huy, sử dụng phao bơi và xuồng cứu sinh chống lại những cơn sóng dữ, gói ghém tài liệu mật... Các anh đã trụ nhà giàn đến phút cuối trạm trưởng mới lệnh cho cán bộ, chiến sĩ buộc phao vào nhau để sống cùng sống, chết cùng chết không rời đội ngũ. Các anh vừa rời đi thì nhà giàn bị sóng đánh sập chìm xuống đáy biển. Sau 13 tiếng đồng hồ, Quân chủng Hải quân dồn lực lượng mạnh nhất cũng chỉ cứu được 5 cán bộ, chiến sĩ; còn 3 cán bộ, chiến sĩ mãi mãi nằm lại trong lòng biển cả bao la của Tổ quốc, gồm Trạm phó chính trị, Trung úy Nguyễn Hữu Quảng; Trung úy quân y Trần Văn Là; hạ sĩ cơ điện Hồ Văn Hiền... 

Các nhà giàn đến nay đã trải qua nhiều thế hệ. Đầu tiên là thế hệ đơn giản như chiếc phao lớn làm bằng kim loại neo đậu trên nền đá san hô. Tiếp đến là khung nhà liên kết với chân đế vững chắc hơn nhưng sóng to bão lớn vẫn thường xuyên bị chìm xuống đáy biển. Thế hệ thứ hai là nhà giàn có 4 cọc kim loại đóng xuống nền đá san hô và bê tông cứng, bên trên là 2 tầng nhà. Và hôm nay, nhà giàn thế hệ thứ ba có 6 cọc kim loại vững chãi, phía trên là 3 tầng nhà, dựng song song và nối với nhà giàn thế hệ thứ hai bằng một cây cầu bằng thép dài khoảng 50m. Nhà giàn DK1/7 còn đặt trạm khí tượng hải văn thuộc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ. Nhiều nhà giàn có bãi đậu trực thăng trên nóc...

Mỗi cụm nhà giàn hiện nay gồm 2 nhà giàn nối với nhau, nhà thế hệ thứ hai có 2 tầng, nhà thế hệ thứ ba có 3 tầng. Trang thiết bị của các nhà giàn cơ bản đầy đủ, có điện năng lượng mặt trời, có các phương tiện nghe nhìn. Đặc biệt, nhiều người trong đoàn công tác chúng tôi đã ngạc nhiên trước khu chăn nuôi của nhà giàn. Trong đó có đủ từ gà, vịt, heo, chó, đến chim bồ câu, những cây ớt, khu trồng rau, rau thơm, khu trồng hoa, khu để các kỷ vật của biển... Rau trồng ở tất cả những chỗ nào có thể, trên nóc nhà, bên hành lang, từng vạt trống dù chỉ bằng hai bàn tay xòe cũng được tận dụng. Những vạt rau xanh mơn mởn thành một vườn và rải rác ở khắp nơi, đủ các loại rau cơ bản, trong đó nhiều nhất là rau cải, rau muống, rau đay...

Một trong những ấn tượng đậm nét bao phủ toàn bộ bề ngoài nhà giàn là hệ thống pin năng lượng mặt trời. Nguồn điện đó ngoài đáp ứng thắp sáng còn đủ để sử dụng tủ lạnh dự trữ thức ăn, bảo quản thuốc và dụng cụ y tế... Không có nắng, các nhà giàn vẫn có điện bình ắc-quy đủ lớn dùng cho nhiều tuần liên tục chiếu sáng, xem tivi qua chảo ăng-ten bắt từ vệ tinh, tủ lạnh...

Thượng úy Đào Văn Điệp công tác tại nhà giàn DK1/14 - cụm Tư Chính cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ, kỹ sư trên các nhà giàn như anh em trong một gia đình. Cùng với khám chữa bệnh cho các chiến sĩ, khi ngư dân bị tai nạn cần sự giúp đỡ, nhà giàn sẽ phối hợp đưa người lên sơ cấp cứu và chuyển bệnh nhân về đất liền điều trị. Tình cảm giữa nhà giàn và ngư dân cũng như người trong gia đình”...

Mối quan hệ bền chặt, đoàn kết giữa những người con trên biển khơi, giữa biển khơi với đất liền như thế sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam, không thế lực nào có thể bẻ gãy được.

Trần Phương
 

>> Tàu kiểm ngư KN-490 khởi hành đi thăm, làm việc với quân, dân quần đảo Trường Sa
>> Xã đảo Song Tử Tây

  • Từ khóa
111420

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu