Thứ 3, 16/04/2024 14:44:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:02, 14/11/2019 GMT+7

Vui - buồn trước ngày 20-11

Thứ 5, 14/11/2019 | 08:02:00 301 lượt xem

BP - Bộ Nội vụ ngày 5-11-2019, có Công văn số 5378/BNV-CCVC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31-12-2015 trở về trước. Trước đó, nhằm khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương này. Đây là tin vui vô cùng đặc biệt đối với hàng vạn giáo viên trong cả nước trước dịp Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, song cũng có vấn đề khiến nhiều người đứng ngồi không yên.

2 năm qua, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, vì nhiều lý do khác nhau, đã có hàng ngàn thầy cô giáo trong cả nước mất việc. Nhiều người 10 năm, 20 năm gắn bó với bao thế hệ học sinh đã phải rời khỏi ngôi trường mà họ đã xem như mái nhà thứ 2 của mình. Nhiều người được nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục, bao giấy khen, bằng khen của ngành giáo dục, nhiều thầy cô giáo có học sinh giờ đã trở thành giáo viên như mình, bỗng một ngày nhận quyết định tinh giản... Điều đó không chỉ tác động trực tiếp với những người bị “điểm danh”, mà bao giáo viên khác cũng đứng ngồi không yên, bất an.

Thực tế giáo dục ở mỗi địa bàn, mỗi vùng miền khác nhau có nhiều điểm khác biệt. Đối với địa bàn dân cư tập trung, việc bảo đảm sĩ số bình quân của một lớp theo chuẩn không khó, chỉ cần có đủ số lượng giáo viên và học sinh. Thế nhưng, ở vùng sâu, xa, vùng biên giới, vùng khó khăn, có lớp vẫn phải mở dù sĩ số chỉ bằng ½ so với chuẩn chung, thậm chí có lớp còn phải học ghép, một phòng học có 2 cái bảng ở hai đầu, mỗi đầu dạy một lớp, thậm chí 3 bảng, 4 bảng quay ra 4 phía dạy 4 lớp học khác nhau... Vì thế, việc giao biên chế giáo viên dựa trên số lượng học sinh căn bản là chính xác, song còn nhiều khoảng trống do chưa tính đến những điều kiện đặc thù.

Việc đánh đồng đô thị với nông thôn, loại đô thị như Đồng Xoài với TP. Hồ Chí Minh cũng nảy sinh rất nhiều điều bất hợp lý. Mỗi cấp học cũng có những đặc thù riêng biệt. Các bậc tiểu học, THCS, THPT, học sinh có tâm sinh lý khác nhau, giáo viên có chuyên môn khác nhau, yêu cầu đặt ra và cách quản lý nhà trường nói chung và với người quản lý cũng không giống nhau... nên không thể lấy biên chế cấp học này bù cho cấp học khác hay môn học này bù cho môn học khác.

Công văn số 5378/BNV-CCVC đã đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước và căn cứ chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng để quyết định tuyển dụng đặc cách. Sau khi tuyển dụng đặc cách, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì tuyển hoặc xét tuyển theo quy định. Công văn số 5378/BNV-CCVC cũng nêu: Đối với địa phương đã tuyển dụng đủ chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao mà vẫn còn giáo viên hợp đồng lao động, thì chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Nỗi lo thứ nhất, rồi mình có như hơn 3.000 giáo viên ở Hà Nội, chủ trương đặc cách, nhưng tiêu chuẩn đưa ra khiến tất cả không ai đạt yêu cầu. Nỗi lo thứ hai, sau khi tuyển đặc cách xong, tiếp tục tuyển cho đủ chỉ tiêu. Như thế, cánh cửa vào các trường công lập đối với những người chuẩn bị tốt nghiệp sư phạm, xem như đóng sầm lại. Nỗi lo thứ ba, không còn chỗ cho giáo viên hợp đồng nếu đã đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, vì nhiều lý do, phần lớn các trường hiện đều có số lượng giáo viên hợp đồng nhất định mới bảo đảm nhu cầu giảng dạy. Buồn - vui trước ngày 20-11, có lẽ không thầy, cô giáo nào bỏ qua.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
66055

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu