Thứ 5, 28/03/2024 17:36:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:49, 26/05/2020 GMT+7

VOA - cái loa bịa đặt

Hồng  Hạnh
Thứ 3, 26/05/2020 | 09:49:00 3,866 lượt xem

BPO - Không phải chỉ riêng ở Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước theo đường lối xã hội chủ nghĩa trước đây thì những cái tên như BBC, RFA, RFI, VOA, đều không lạ gì, thậm chí còn quá quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng chẳng mấy người đặt câu hỏi về sự ra đời của những đài này? Ai đứng đằng sau họ? Nguồn tài chính để những đài này tồn tại từ đâu mà có? Và sứ mệnh của họ nhằm mục đích gì… Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến VOA và những thông tin sơ lược sau đây có lẽ cũng là quá đủ để khiến nhiều người phải giật mình… “tỉnh ngộ”!

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, VOA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Voice of America, tức là Đài tiếng nói Hoa Kỳ, là dịch vụ truyền thông đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ. VOA sản xuất nội dung số bằng hơn 40 ngôn ngữ và phân phối tới các đài liên kết trên toàn cầu. Đối tượng của VOA chủ yếu là khán giả nước ngoài, vì vậy VOA được tập trung vào nội dung có ảnh hưởng đến dư luận nước ngoài có liên quan đến Hoa Kỳ và người dân nước này. VOA được thành lập năm 1942, trụ sở chính đặt tại Washington, D.C. VOA tồn tại chính là nhờ nguồn tiền tài trợ khổng lồ được Quốc hội Hoa Kỳ trích lập hằng năm theo ngân sách dành cho các đại sứ quán và lãnh sự quán, với tổng kinh phí 218,5 triệu USD/năm. Số tiền này được trích từ nguồn thu do người dân Hoa Kỳ đóng thuế.

VOA bắt đầu phát thanh vào ngày 24-2-1942. Đến ngày 17-2-1947, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ bắt đầu phủ sóng phát thanh trên lãnh thổ Liên Xô. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, VOA đặt dưới quyền giám sát của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ. Mỗi khi nói đến VOA, không chỉ người dân Việt Nam mà còn nhiều người dân ở các quốc gia trên thế giới nghĩ ngay đến sự thù hận, xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa. Thậm chí, những thông tin đài này phát đi không cần biết nguồn gốc cũng như mức độ tin cậy chính xác của nó đến đâu. Nói cách khác, VOA chẳng khác gì “cái loa chuyên bịa đặt, xuyên tạc”. Nói theo kiểu “tự do thả phanh” là thông tin của đài này thiếu đi tính chân thực. Bao nhiêu năm ra đời cũng là bấy nhiêu năm VOA đưa tin sai sự thật, có nhiều tin tức bị bị “bơm” lên để lừa bịp...

Đối với Việt Nam, VOA tiến hành đăng tải các thông tin chống phá chính quyền nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa nhiều hơn là việc phục vụ chính sách ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Chưa hết, VOA còn thường xuyên đăng tải những bài viết với nội dung vu khống, xuyên tạc, bịa đặt về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước ta. Đặc biệt, những thông tin, luận điệu trong các bài viết của VOA đăng tải chứa nội dung kích động, gây mâu thuẫn mất đoàn kết nội bộ nhân dân với chính quyền. Mục đích của họ là gây xáo trộn xã hội để kích động quấy rối an ninh Việt Nam. Ngay cả những bản tin có vẻ như là “khách quan”, nhưng kỳ thực được phát thanh cùng với những bản tin ngụy biện, xuyên tạc khác nhằm cho người nghe thấy Việt Nam đang rất lạc hậu và sự lạc hậu ấy là do chế độ mang lại. Thông điệp mà đài này hướng đến vẫn là muốn thay đổi chế độ. Và VOA trơ trẽn, lố bịch đến mức đòi công khai thay đổi những người cộng sản bằng những “nhà dân chủ”, những kẻ phản động do Mỹ và các nước phương Tây tuyển chọn, hà hơi tiếp sức nuôi dưỡng.

Cụ thể là từ nhiều năm nay, trang tiếng Việt của VOA mở blog dành riêng cho cộng tác viên để thường xuyên đăng bài viết cá nhân. Là blog cá nhân cho nên cộng tác viên blog được thoải mái trình bày “quan điểm cá nhân” về chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam. VOA tiếng Việt có 7 blogger được ký hợp đồng, hưởng lương theo chế độ cộng tác viên. Và những cộng tác viên này được VOA công khai giới thiệu một cách quái chiêu rằng: Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ! Vậy, bài viết của những người được VOA đồng ý đăng tải nhưng “không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ”, thì VOA đồng ý dựa theo tiêu chí nào? Tất nhiên là những nhà báo bình thường hay những người cầm bút chân chính, có lương tâm nghề nghiệp..., sẽ chẳng bao giờ “có được” những bài viết đăng tải trên VOA tiếng Việt. Mà đó phải là những nhân vật cộm cán trong “làng đấu tranh dân chủ”, “tù nhân lương tâm”, thậm chí kẻ đã từng không ít lần vào tù ra tội, được xem như là “thủ lĩnh của hội nhóm dân chủ trên mạng”. Tức là phải có hoạt động chống đối Đảng và Nhà nước Việt Nam, tôn thờ các giá trị phương Tây,...

Trên diễn đàn của mình, VOA cho rằng, 2 cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX là “sai lầm”, là “miền Bắc xâm lược miền Nam”... Khi Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng, VOA tiếng Việt đã đăng hàng loạt bài đầy tính xuyên tạc như: “Xuất hiện phong trào Bất tuân Luật An ninh mạng”..., Luật An ninh mạng “xâm phạm quyền riêng tư”; “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, quyền công dân”; “cướp đi quyền sử dụng internet của người dân” và hạn chế các quan hệ quốc tế, kiềm chế sự phát triển của Việt Nam! Thậm chí, VOA còn đổi trắng thay đen rằng trên thế giới “không có quốc gia nào có luật này”! Đây quả là một sự bịa đặt đến lố bịch. Bởi thực tế hiện nay trên thế giới đã có 138 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành luật an ninh mạng bao gồm cả luật chuyên đề và các quy định pháp quy nằm rải rác ở các luật khác và không ít các luật đó còn gắt gao hơn nhiều so với Việt Nam. Bằng chứng là ngày 7-12-2015, các nghị sĩ và quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận về Luật An ninh mạng đầu tiên áp dụng cho toàn khối: Theo luật trên, các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng như: Google và Amazon sẽ phải báo cáo mọi vi phạm có tính chất nghiêm trọng cho các cơ quan chức năng quốc gia nếu không sẽ bị phạt. Hay như nước Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật này. 

Những ngày gần đây, khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quyết định giám đốc thẩm: Bác kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về hủy án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại; giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải, ngay lập tức VOA và các đài phát thanh tiếng Việt khác ở hải ngoại đồng loạt vào hùa với nhau chê bai, phỉ báng nền tư pháp Việt Nam. Ngày 9-5-2020, VOA có đăng bài: “Y án Hồ Duy Hải, nhiều người thất vọng”. Trước đó, ngày 8-5, cũng đài này đã đăng bài: Hồ Duy Hải đã không được xem như một con người. Ngày 10-5, VOA lại đăng bài: Vụ án Hồ Duy Hải tiếp tục gây tranh cãi, phẫn nộ của người dân... và đã giáng một đòn chí mạng lên nền tư pháp Việt Nam... Những bài báo này là sự bịa đặt, hoàn toàn trái với những gì trên thực tế. Bởi, ở góc độ pháp luật, có 3 tài liệu sẽ không thể thay đổi được bản án, đó là: Bản phúc cung của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thẩm tra vụ án; báo cáo liên ngành tư pháp Trung ương; báo cáo thẩm định độc lập của Bộ Công an.

Nói tóm lại, VOA hay các đài phát thanh tiếng Việt ở hải ngoại như BBC, RFA, RFI..., đều có chung mục đích là gây xáo trộn xã hội để kích động quấy rối an ninh Việt Nam. Cái thông điệp mà các nhà đài này hướng đến vẫn là muốn thay đổi chế độ, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, thực hiện đa nguyên, đa đảng. Vì vậy, những ai đó còn lầm tưởng VOA hay BBC, RFA, RFI đang đấu tranh cho quyền lợi của người Việt là sai lầm lớn. Lịch sử từ khi ra đời đến nay, các đài này chưa bao giờ khách quan, chưa bao giờ có thiện chí với Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Do đó, dù là nghe, đọc hay cộng tác với những đài này cũng đồng nghĩa với việc hợp tác với những kẻ chống lại nhân dân Việt Nam.

  • Từ khóa
2914

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu