Thứ 7, 20/04/2024 06:37:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:25, 04/12/2018 GMT+7

Việt Nam không cần thực hiện tam quyền phân lập

Thứ 3, 04/12/2018 | 08:25:00 1,226 lượt xem
BP - Thuyết tam quyền phân lập (TQPL) là kết quả của sự phát triển triết học về nhà nước do John Lokce (1632-1704) - nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh và Charles de Secondat Montesquieu (1689-1755) - nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị Pháp xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thể chế chính trị - xã hội nước Anh thế kỷ XVII-XVIII.

Thuyết tam quyền phân lập là gì?

BP - Thuyết tam quyền phân lập (TQPL) là kết quả của sự phát triển triết học về nhà nước do John Lokce (1632-1704) - nhà triết học, nhà hoạt động chính trị người Anh và Charles de Secondat Montesquieu (1689-1755) - nhà bình luận xã hội và tư tưởng chính trị Pháp xây dựng trên cơ sở nghiên cứu thể chế chính trị - xã hội nước Anh thế kỷ XVII-XVIII. Mục đích của 2 ông khi đề xuất thuyết TQPL nhằm triệt tiêu vĩnh viễn quyền năng tuyệt đối của vua, làm cho chính quyền không thể gây hại người bị trị trong xã hội và bảo đảm quyền tự do cho nhân dân. Tuy nhiên, các ông lại không chủ trương xóa bỏ triệt để chế độ quân chủ, tức là vẫn duy trì quyền lực của nhà vua về mặt hình thức. Bởi bối cảnh nước Anh lúc bấy giờ, cách mạng tư sản mới thành công, giai cấp tư sản mới lên nắm quyền nhưng chưa có quyền lực tuyệt đối trong xã hội; còn giai cấp địa chủ, quý tộc phong kiến mặc dù đã thất bại nhưng vẫn chưa mất hết quyền lực, hình ảnh, danh dự và uy quyền của nhà vua vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân. Vì vậy, để bảo vệ quyền lực của giai cấp tư sản đang lên, đồng thời giúp giai cấp tư sản thống trị có thể tập hợp được các giai tầng khác trong xã hội, nhất là quý tộc phong kiến dưới hình ảnh một dân tộc - quốc gia thống nhất, hai ông đã đưa ra thuyết TQPL với mong muốn dung hòa quyền lực giữa giai cấp quý tộc phong kiến và giai cấp tư sản.

Thực hiện TQPL, giai cấp tư sản muốn mượn những uy quyền (chỉ còn là hình thức) của giai cấp địa chủ, quý tộc phong kiến để quy tụ, tập hợp nhân dân. TQPL do đó chỉ là đại diện quyền lợi của số ít giai cấp tư sản thống trị - thông qua các tập đoàn kinh tế - tài chính, mà không phải là đại diện cho quyền lợi của nhân dân lao động. Vì vậy mới xảy ra tình trạng dù chính phủ đóng cửa nhưng các hoạt động kinh tế trong xã hội vẫn diễn ra bình thường, như chưa hề bị tác động ảnh hưởng. Tại sao lại có tình trạng trớ trêu như vậy? Câu trả lời nằm ở chỗ, đứng đằng sau chi phối hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước chính là các nhà tài phiệt, các tập đoàn kinh tế - tài chính. Chính phủ ngừng hoạt động nhưng các tập đoàn kinh tế - tài chính này vẫn thường xuyên liên hệ với nhau, thông qua nhiều kênh khác nhau, để duy trì các hoạt động bình thường của nền kinh tế - xã hội. Có thể nói, ông chủ của các tập đoàn này mới chính là người chủ thực sự của nền chính trị tư bản.

Việt Nam có cần thực hiện tam quyền phân lập không?

Phải khẳng định, Việt Nam hiện nay không cần thực hiện TQPL, bởi ở Việt Nam mọi quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân, nhân dân là người làm chủ nhà nước và xã hội. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất nhưng có sự phân chia, phối hợp hoạt động và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực, nhằm mục đích cao nhất và duy nhất là bảo đảm tối cao quyền lợi và nghĩa vụ của nhân dân lao động. Vì vậy, nếu như nói “chỉ có thực hiện TQPL thì mới bảo đảm được quyền lợi của nhân dân lao động” như các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao là không chính xác, không đúng với thực tế Việt Nam hiện nay. Vì ở Việt Nam, giữa các giai tầng và nội bộ từng giai tầng không hề mâu thuẫn với nhau về quyền lợi. Cơ sở cho sự thống nhất này chính là sự tương đồng về mặt lợi ích, nguyện vọng, đó là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, ở Việt Nam hiện nay không cần và không bao giờ cần phải thực hiện TQPL.

Ngày nay, TQPL chỉ phù hợp với một số nước có thể chế chính trị nhất định, không thể áp dụng cho Việt Nam - theo chế độ xã hội chủ nghĩa. Ở các nước phương Tây, muốn thắng cử, các đảng phái - có thể là đại diện một nhóm chính trị hoặc liên minh giữa các nhóm chính trị trong các giai cấp phải giành được đa số phiếu của cử tri, dưới sự hậu thuẫn tích cực, tài trợ khổng lồ của các nhà tài phiệt, tập đoàn kinh tế - tài chính... Tuy nhiên, nhóm chính trị này có thể giành được đa số phiếu để thành lập chính phủ nhưng lại không thể kiểm soát được hạ viện hoặc thượng viện. Tức là, cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp có thể do các nhóm chính trị khác nhau chi phối. Vì vậy, nhất quyết họ phải thực hiện TQPL để tránh tình trạng lạm quyền, độc quyền, chiếm quyền của các nhóm chính trị trong giai cấp thống trị. Thực tế, mô hình TQPL cũng có những hạn chế chí tử, không thể khắc phục được, đó là tình trạng “tréo ngoe”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Vì vậy mới có tình trạng, luật của bang cao hơn luật của liên bang, thẩm phán bang có quyền ra lệnh không thực thi đạo luật của tổng thống.

Ở Việt Nam, tất cả cơ quan quyền lực nhà nước đều do nhân dân trực tiếp bầu ra, hoặc thông qua người đại diện của mình là các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua quyền dân chủ đại diện hoặc dân chủ trực tiếp. Nhưng thực tế, còn rất nhiều người dân vẫn chưa nhận thức được quyền này, hoặc qua những việc làm hằng ngày của mình nhưng không hiểu đó chính là thực hiện quyền làm chủ. Ví dụ, trong những lần tiếp xúc cử tri, đại đa số đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đều tiếp thu, phản ánh ý kiến của cử tri và đều được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thỏa đáng - đây chính là nhân dân đã thực hiện quyền dân chủ đại diện.

Tóm lại, quyền lực nhà nước là của nhân dân, mà đã nói quyền lực của nhân dân thì không thể phân chia được. Vì vậy, không cần thực hiện TQPL, song vẫn phải bảo đảm quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, thông qua giám sát của nhân dân, thông qua cơ chế kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quyền lực. Nói phải thực hiện TQPL để bảo đảm quyền lực thực sự thuộc về nhân dân thực chất chỉ là luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Ẩn ý sâu xa đằng sau âm mưu thâm độc đó chính là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi thực hiện đa nguyên đa đảng ở Việt Nam mà thôi.

Hồng Vân (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2817

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu