Thứ 5, 28/03/2024 19:27:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:15, 22/06/2016 GMT+7

Tâm sự nhà báo nữ

Thứ 4, 22/06/2016 | 10:15:00 221 lượt xem
BP - Bạn có thể chọn cho mình một nghề nhưng tôi nghĩ nghề báo chọn người. Thực tế, hơn 10 năm gắn bó với công việc làm báo ở Bình Phước, tôi đã bao lần chứng kiến có người đến thực tập, thử việc để rồi ra đi tìm cho mình một công việc khác với mong muốn… nhàn hạ hơn!

Ngỡ ngàng... nghề báo

Nhớ người đầu tiên phòng phân công tôi “kèm” là một cô phóng viên thử việc vừa tốt nghiệp cử nhân khoa học. Sau hơn 2 tiếng đồng hồ chở em từ thị xã Đồng Xoài đến tác nghiệp ở huyện Bù Gia Mập, em hỏi: “Chị ơi, làm báo là ngày nào cũng phải đi như thế này ạ?”. Tôi cười, động viên em: “Không hẳn vậy đâu, vì đi cơ sở về còn phải viết bài, có bài cần bổ sung tư liệu thì phải tìm, phải gặp hoặc hẹn phỏng vấn”. Trong quá trình tác nghiệp hôm đó, tôi dặn em ghi lại những thông tin về chủ đề bài viết, số điện thoại liên lạc của nhân vật đã gặp và cả những câu hỏi tôi đặt ra trong suốt buổi trò chuyện. Kết thúc chuyến đi, tôi khuyên em nên đọc tác phẩm trên báo có nội dung tương tự chủ đề để dễ triển khai bài viết.

Bản thảo đầu tiên em gửi cho tôi là một bài tường thuật dài 1.600 từ về tấm gương của một chi hội trưởng phụ nữ. Em tả người, tả cây, tả cả ngôi nhà người hàng xóm. Thông tin nhân vật, cơ sở chỉ vỏn vẹn khoảng 300 từ và bài viết tuyệt nhiên không có một đánh giá, nhận xét nào của đại diện địa phương nơi nhân vật sinh sống. Tôi mỉm cười, nhớ lại những ngày đầu mình bước chân vào nghề báo và thấy đồng cảm với em vô cùng! Sau nhiều lần email được gửi qua, gửi lại giữa tôi và em thì bài báo cũng lên trang. Không thể kể hết niềm vui trong đôi mắt em khi nhìn đứa con tinh thần của mình được biết bao bàn tay “đỡ” trước khi chào đời. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn thì trong một chuyến công tác khác, em bộc bạch: “Chị ơi, chắc em nghỉ việc. Em không nghĩ nghề này vất vả vậy đâu. Mấy hôm rồi đi mắc mưa về em bị bệnh, cộng với áp lực khác, đầu em muốn nổ tung. Thêm nữa, vào đây ở nhờ nhà người quen mà suốt ngày em cứ đi, về đến nhà đã mệt nhoài, không phụ giúp được gì nên em áy náy lắm. Dì đã đánh tiếng xin cho em công việc khác nhàn hạ hơn”.

Dấn thân để thêm yêu nghề

Tuy vậy, không phải ai cũng dễ dàng từ bỏ nghề báo khi gặp khó khăn. Lớp đại học của tôi có hơn 30 người thì hiện phân nửa làm báo. Bạn tôi, N.L.H trước là hoa khôi của trường cũng dấn thân vào nghề mặc cho gia đình ngăn cản. Là con gái cưng của gia đình, thời gian đầu đi tác nghiệp H được ba “hộ tống”. Sau dần, nhờ bản lĩnh và ý chí, H đã thuyết phục gia đình để mình “sống chết” với nghề. Trải qua nhiều phen thăng trầm, vượt qua nhiều cám dỗ, H hiện là trưởng phòng trẻ và nhiệt huyết tại Báo Thừa Thiên - Huế. Tài sản của H là bộ sưu tập các giải báo chí từ thấp đến cao qua thời gian cống hiến. Hơn 10 năm gặp lại, H nói với tôi: Làm báo hay làm vợ, làm mẹ đều phải “có nghề”. Lúc yêu, chồng mình thông cảm nhưng sau khi kết hôn anh rất hay phàn nàn vì vợ ít có thời gian chăm sóc gia đình, may mà mình có bà nội, bà ngoại hỗ trợ. 

Ở Bình Phước cũng có rất nhiều nhà báo nữ như H. Hầu hết chị em đều là “tay hòm chìa khóa” của gia đình. Sau khi lấy chồng, các chị em đều tự sắp xếp chuyện gia đình để gắn bó với nghề. Bản thân chị em phải nỗ lực để hoàn thành công việc và làm tốt trách nhiệm của một người vợ, người mẹ. Chia sẻ bí quyết cân bằng giữa gia đình với công việc, nhà báo M.L cho biết: “Mỗi người một nghề nên trước tiên cần chia sẻ với bạn đời về công việc của mình. Từ chỗ hiểu, thông cảm sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn cùng nhau. Ở nhà mình vợ chồng không câu nệ việc gì, ai có thời gian thì làm. Những hôm đi đưa tin hoặc đi cơ sở về muộn, chồng mình vừa nấu ăn vừa chăm con. Người thân, hàng xóm ban đầu cũng lấy đó làm chuyện lạ, nhưng mình đã khéo léo sẻ chia nên giờ ai cũng thấy đó là chuyện bình thường”.

Làm nghề báo, không dấn thân thì khó có thể yêu nghề. Muốn có được điều đó, nhà báo phải thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tế của đời sống xã hội để phản ánh, đấu tranh. Sau những bài điều tra, sự thật sáng tỏ, công lý được thực thi đó không chỉ là hạnh phúc của nhân vật, mà còn là của người cầm bút. Đó chính là mục tiêu mà những người cầm bút ở Bình Phước đang hằng ngày rèn luyện, tu dưỡng để đáp ứng nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của các tầng lớp nhân dân. 

P.Dung 

  • Từ khóa
55313

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu