Thứ 6, 29/03/2024 15:09:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:19, 15/01/2014 GMT+7

Viêm amidan ở trẻ - không thể coi thường

Thứ 4, 15/01/2014 | 09:19:00 470 lượt xem

Những ngày này, bệnh viện Nhi đồng II, thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ Bình Phước về điều trị. Triệu chứng của các bệnh nhân nhi lúc nhập viện đều là sốt cao, ho kéo dài… được chẩn đoán là viêm amidan. Có không ít bệnh nhân đã bị biến chứng do người nhà chủ quan với amidan dẫn tới việc điều trị bệnh thêm khó khăn.

Chị Lê Thị Thanh ở xã Tân Quan (Hớn Quản) là mẹ của bệnh nhi 15 tháng tuổi đang điều trị tại Khoa cấp cứu dịch vụ 3, Bệnh viện Nhi đồng II cho biết: “Thằng bé ban đầu bị ho, tôi chữa bằng bài thuốc dân gian lá hẹ hấp với mật ong nhưng không khỏi. Ra thị xã Bình Long mua thuốc uống 5 ngày liền cũng không bớt. Đến khi cháu sốt hơn 41 độ, chúng tôi chuyển về đây và bác sĩ khám yêu cầu nhập viện ngay. Sau khi xét nghiệm máu, bệnh viện chẩn đoán là cháu bị nhiễm trùng máu. Tính đến nay, cháu đã nằm viện được 10 ngày”. Chung phòng số 8, khoa dịch vụ 3 với mẹ con chị Thanh có con trai 16 tháng tuổi của vợ chồng anh Đặng Minh Trường ở xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) cũng trong tình trạng bệnh tương tự và cũng được chẩn đoán là nhiễm khuẩn đường huyết. Tại phòng bệnh này có 6 bệnh nhân đang điều trị, thì đã có tới 5 trẻ đến từ Bình Phước nhập viện trong tình trạng sốt cao.


Một bệnh nhi được tiêm kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn huyết tại bệnh viện Nhi đồng II

Bác sĩ Trần Nguyên Khôi, Khoa cấp cứu dịch vụ 3, cho biết, viêm amidan có hai dạng. Dạng viêm amidan cấp và dạng mãn tính, rất nguy hiểm khi bị biến chứng. Theo tài liệu y khoa về amidan ở dạng cấp là tình trạng viêm sung huyết hoặc làm mủ của amidan khẩu cái. Ở dạng này, đa số do virut và do vi khuẩn với  các dấu hiệu như sốt cao, hơi thở hôi, đau mỏi mình, cảm giác đau nhói tại chỗ tương ứng hai bên góc hàm, đau lan lên tai, đau tăng khi nuốt, ho từng cơn do kích thích và xuất tiết, ở trẻ em thường khò khè, ngủ ngáy. Loại viêm amidan này điều trị không phức tạp nhưng chủ quan không điều trị thì sẽ gây biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, viêm khớp, thấp tim gây tổn thương van tim. Còn viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm quá phát hoặc xơ teo amidan khẩu cái sau nhiều đợt viêm bán cấp. Người bệnh thường có cảm giác vướng họng, đôi khi đau nhói trong họng, thỉnh thoảng ho khan, khàn tiếng, hơi thở hôi.

Bác sĩ Khôi cho rằng: “Viêm amidan là bệnh lý thường gặp, có thể tự khỏi nhưng có trường hợp gây biến chứng tại chỗ, kế cận hoặc toàn thân. Biến chứng tại chỗ như viêm tấy và áp-xe quanh amidan. Nếu viêm amidan cấp không được điều trị, nhiễm khuẩn lan dần, thành mủ giữa amidan và bao amidan. Điều trị bằng kháng sinh đường tiêm và dẫn lưu áp-xe. Biến chứng kế cận là viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản…Và biến chứng toàn thân là bị nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận cấp, thấp khớp cấp, thấp tim hay gặp do liên cầu tan huyết nhóm A”.


Các bệnh nhi bị biến chứng khi nhiễm amidan phải xông mũi khi điều trị tại BV Nhi Đồng II

Như vậy, những bệnh nhi tại phòng điều trị số 8, khoa cấp cứu dịch vụ 3, bệnh viện Nhi đồng II đều rơi vào dạng biến chứng toàn thân khuẩn đường huyết.  Bác sĩ Minh Loan, Trưởng phòng khám dịch vụ chất lượng cao, bệnh viện Nhi đồng II cho hay: “Nếu chủ quan với bệnh viêm amidan đối với trẻ dưới ba tuổi là rất nguy hiểm, bởi các cháu không ý thức trong giữ gìn vệ sinh lúc bị bệnh nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập khi amidan mưng mủ”.

Bác sĩ Khôi giải thích, nhiễm trùng huyết hay nhiễm trùng máu hoặc sốc nhiễm trùng huyết và hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan là những tập hợp bệnh lý rất thường gặp trong lâm sàng và đặc biệt nhất là trong các đơn vị hồi sức. Có thể phân chia thành ba giai đoạn dựa trên biểu hiện lâm sàng gồm giai đoạn I là giai đoạn khởi đầu sốc. Giai đoạn II, sốc nhiễm trùng huyết, giai đoạn IIIa, sốc lùi và giai đoạn IIIb là sốc kháng trị. Đây là tình trạng lâm sàng xấu hơn, huyết động ngày càng khó kiểm soát hậu quả là rối loạn chức năng đa cơ quan và tử vong. Tùy theo kết quả xét nghiệm vi sinh mà thầy thuốc có thể chọn lựa kháng sinh thích hợp.

Như vậy, điều quan trọng là phải phát hiện ra mầm bệnh để điều trị kịp thời, nếu chủ quan với bệnh viêm amidan ở trẻ sẽ bị biến chứng và dẫn đến những hậu quả rất khó lường. Hiện đang là thời điểm giao mùa, kèm theo đó là những diễn biến bất thường của thời tiết càng làm cho bệnh tình ở trẻ em thêm phức tạp. Điều này, đòi hỏi các gia đình có trẻ nhỏ phải luôn quan tâm con cái theo phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Tấn Phong

  • Từ khóa
55793

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu