Thứ 6, 29/03/2024 12:35:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:55, 12/05/2020 GMT+7

Nghề điều dưỡng và những “hy sinh” thầm lặng

Minh Luận
Thứ 3, 12/05/2020 | 08:55:00 1,159 lượt xem
BPO - Nói đến các cơ sở y tế khám, chữa bệnh, người ta thường nghĩ ngay đến đội ngũ y, bác sĩ - những người trên tuyến đầu phòng, chống và điều trị bệnh. Thế nhưng ít ai biết rằng, phía sau thành công của y, bác sĩ là những hy sinh, đóng góp thầm lặng không thể thiếu của các điều dưỡng viên. Ghi nhận, những công lao đóng góp to lớn của họ với người bệnh, ngành y tế và toàn xã hội, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã lấy ngày 12-5 hàng năm là Ngày Quốc tế Điều dưỡng.

TẬN TÂM VỚI NGHỀ

5 năm công tác tại khoa Nhi - sơ sinh, với bản tính nhẹ nhàng, ôn hòa trong giao tiếp, năm 2007, điều dưỡng Nguyễn Thị Nội được chuyển đến công tác tại khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ở đây chị đã phát huy được năng lực, sở trường và thế mạnh của bản thân. Bởi, khoa Khám bệnh là nơi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tìm đến đầu tiên để thực hiện các thủ tục, hồ sơ trước khi vào khám và điều trị bệnh. Không chỉ tận tình hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các thủ tục, hồ sơ, chị còn thực hiện thăm khám sức khỏe ban đầu, phân loại bệnh nhân trước khi chuyển đến các bác sĩ. Bởi vậy, tinh thần, thái độ phục vụ là yếu tố quan trọng quyết định đến tâm lý, thái độ hợp tác của bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình khám và điều trị bệnh. Điều dưỡng Nguyễn Thị Nội tâm tình: “Làm điều dưỡng ở khoa Khám bệnh đòi hỏi mỗi người phải thật sự khéo léo trong giao tiếp. Luôn vui vẻ, tận tình hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Nội, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh

Bác sĩ Phùng Đăng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết: “Trong việc khám bệnh, bác sĩ giữ vai trò quan trọng về mặt chuyên môn nhưng bên cạnh đó phải có điều dưỡng. Họ sắp xếp công việc, giao tiếp với người bệnh trong lúc chuẩn bị khám, khi vào phòng khám… Những việc đó, nếu điều dưỡng viên hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình người bệnh sẽ cảm thấy vui và thoải mái hơn”.

12 năm làm công tác điều dưỡng tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tuy chưa phải là dài nhưng đủ để điều dưỡng Nguyễn Công Hoan rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm trong xử lý công việc. Điều dưỡng Hoan cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 70 đến 80 bệnh nhân nhập viện. Đa số các bệnh nhân khi vào khoa là những ca bệnh nặng, sức khỏe trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” hoặc là đối tượng say xỉn, bị thương do tai nạn giao thông… Bởi vậy, tâm lý, cảm xúc của họ và người thân luôn gấp gáp, hối thúc… Điều đó đòi hỏi người điều dưỡng phải nhanh nhẹn, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp. Nhất là phải bình tĩnh, tỉnh táo trong thăm khám, xử lý các vấn đề ban đầu để tránh khúc mắc không đáng có.

Chia sẻ về công việc của mình, điều dưỡng Nguyễn Công Hoan nói: “Làm việc ở khoa Hồi sức cấp cứu phải thực sự yêu nghề mới có thể tận tâm với công việc và tồn tại lâu được, bởi đây là khoa chịu nhiều áp lực, căng thẳng nhất. Không chỉ áp lực duy trì sức khỏe, tính mạng bệnh nhân, người điều dưỡng còn chịu áp lực lớn từ phía người nhà bệnh nhân. Đã có nhiều vụ ẩu đả, tấn công y, bác sĩ nên ngoài chuyên môn cao, còn phải có sức khỏe, tinh thần “thép” để đối phó với mọi tình huống”.

Chị Lê Thị Bích Phượng, thân nhân bệnh nhân tại khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Tôi ở đây chăm sóc người thân đã gần 2 tháng. Ở lâu và tận mắt chứng kiến công việc của các điều dưỡng viên mới thấy hết nỗi vất vả của họ. Công việc của họ như “làm dâu trăm họ”, chạy ngược chạy xuôi hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Người hỏi cái này, người xin cái kia, người rên la trách móc… Bình thường, mỗi người một tính cách, phục vụ đã khó, khi bệnh đau họ càng khó hơn. Bệnh nhân ở đây đa số nặng, thương tích đầy mình, mọi công việc lau rửa vết thương đến ăn uống, vệ sinh cá nhân đều phải nhờ các điều dưỡng. Ai cũng nhiệt tình, chu đáo, nhờ vậy chúng tôi cũng yên tâm”.

CẢM THÔNG VỚI NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI BỆNH

Rõ ràng, thái độ ứng xử là hết sức cần thiết đối với mỗi người thầy thuốc. Đặc biệt là những người làm công tác điều dưỡng. Không chỉ lắng nghe, thấu hiểu nỗi đau của người bệnh, những người điều dưỡng còn phải biết cảm thông và chia sẻ với những mất mát, lo lắng của người nhà bệnh nhân. Từ đó động viên, hỗ trợ kịp thời, giúp họ yên tâm, tích cực hợp tác khám hoặc điều trị bệnh.

Các điều dưỡng viên ở khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm việc căng thẳng với những ca bệnh nặng

“Bệnh viện có 288 điều dưỡng, chiếm hơn 50% cán bộ, công nhân viên bệnh viện. Để nâng cao chất lượng phục vụ, khám và điều trị bệnh cho người dân, bệnh viện luôn chú trọng công tác giáo trị chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng viên. Bệnh viện luôn yêu cầu, mỗi điều dưỡng phải tận tâm với nghề, biết yêu thương, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, từ đó có những hành động, việc làm thiết thực, thân thiện, cởi mở hơn với người bệnh”, anh Vũ Xuân Huy, Trưởng phòng Điều dưỡng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cho biết.

Tại Việt Nam, từ năm 2018, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế điều dưỡng 12-5 hằng năm. Đây là dịp để các cấp lãnh đạo ghi nhận và biểu dương những đóng góp thầm lặng nhưng hết sức to lớn của đội ngũ điều dưỡng trong cả nước; đồng thời, động viên người điều dưỡng yêu và có trách nhiệm hơn với nghề.

Ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, điều dưỡng còn phải làm tốt công tác giao tiếp để tạo được niềm tin cho người bệnh. Điều dưỡng Hoàng Thị Huyền Trang, Phòng khám Đa khoa 123 Hùng Vương, thành phố Đồng Xoài tâm sự: “Bệnh nhân đến phòng khám thường rất khó chịu. Vì vậy, điều dưỡng phải đón tiếp, phục vụ, chăm sóc làm sao để tạo tâm lý thoải mái cho họ. Từ đó, người bệnh mới sẵn sàng chia sẻ bệnh lý của mình, giúp các y, bác sĩ hiểu và điều trị bệnh tốt hơn”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thúy Lan ở phòng khám Đa khoa Tâm Đức (thành phố Đồng Xoài) cũng được đánh giá là một trong những điều dưỡng có nhiều kỹ năng hay trong nghề, được đồng nghiệp cơ quan đánh giá cao. Chị luôn hiểu tâm lý người bệnh từ đó có các giải pháp ứng biến linh hoạt tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho người bệnh. Chị Lan cho biết: “Công việc của người điều dưỡng khá vất vả. Mình phải sắp xếp công việc gia đình sao cho hợp lý để đảm bảo không ảnh hưởng đến nhiệm vụ”.

Nghề điều dưỡng quả nhiều vất vả, áp lực, nhưng hạnh phúc nhất với chị Nội, anh Hoan, anh Huy, chị Lan... là mỗi ngày cùng kíp trực giành lại sức khỏe cho người bệnh. Đó cũng chính là động lực, niềm vui giúp họ yên tâm, gắn bó hơn với nghề.

  • Từ khóa
59175

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu