Thứ 7, 20/04/2024 12:02:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Bản tin hướng về miền Trung 08:42, 09/11/2015 GMT+7

Điểu Nương: Con ngoan, trò giỏi

Thứ 2, 09/11/2015 | 08:42:00 464 lượt xem
BP - Là học sinh dân tộc thiểu số của Trường THCS An Khương, xã An Khương, huyện Hớn Quản, Điểu Nương được thầy tin, bạn mến bầu làm lớp trưởng. Việc học, việc nhà em quán xuyến không thua bạn gái nào. Nương còn là điển hình học tập khi đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng năm học 2014-2015.

“CON GÁI CÒN KHÔNG BẰNG”

Đoạt giải khuyến khích cấp tỉnh trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng nhưng bà con lối xóm không ai biết. Họ chỉ biết Điểu Nương “như một đứa con gái” khi chúng tôi đến ấp 3, xã An Khương hỏi về em. Thắc mắc vì một học sinh dân tộc thiểu số đoạt giải “to” như vậy mà không ai biết nhưng thực sự ở đây bà con không quan tâm chuyện này. Họ chỉ nghĩ, với một đứa trẻ 13-14 tuổi phải phụ giúp gia đình mới là việc quan trọng.

Điểu Nương khoe với thầy giáo cũ về giải thưởng vừa nhậnĐiểu Nương khoe với thầy giáo cũ về giải thưởng vừa nhận

Bước vào căn nhà xây cấp 4 tươm tất, cảm nhận đầu tiên là sự dễ chịu của lòng bàn chân. Một sàn nhà sạch tinh không giống như thói quen sơ sài của đồng bào S’tiêng. “Các cô thấy không, là thằng Nương lau đó. Nó giỏi lắm, việc nhà làm hết à. Mẹ nó đi làm từ sớm. Nó giặt đồ, nấu cơm, lo cho em. Ngày nghỉ đi chăn bò thuê một buổi, một buổi đi làm công. Nó đang ở dưới ruộng. Hôm nay đi đổi công gặt lúa cho người ta. Tôi nói chứ con gái còn không bằng thằng Nương...” - nhiều phụ nữ từ già đến trẻ ở quanh nhà Nương ngưỡng mộ khi nói về cậu bé.

“Thằng Nương về nè” - trước mắt chúng tôi là một cậu bé nhỏ thó, mặt mũi lấm lem, quần áo phải dùng từ “te tua” mới diễn tả hết. Hai tay vặn vào nhau, Nương rụt rè cho biết đang phụ ba trả công gặt lúa. Và em chỉ thay đồ khi chúng tôi đề nghị được chụp hình. Cũng như bao trẻ em dân tộc thiểu số khác, ngoài đi học, thời gian còn lại là lao động phụ giúp gia đình. Các em không có thời gian để ôn bài thì chuyện học thêm là điều xa vời.

SUY NGHĨ TIẾN BỘ

Nương đảm nhận vai trò lớp trưởng của một lớp có 29 học sinh, trong đó gần phân nửa là các bạn dân tộc thiểu số. Đây là thử thách khá lớn khi em bước vào lớp 7. Thầy Phạm Phú Tài, giáo viên chủ nhiệm nhận xét, Nương có khả năng tập hợp các bạn bởi em nhanh nhẹn, tự tin. Nương được xếp loại học lực, hạnh kiểm khá, tốt khiến các bạn trong lớp nể và quý trọng. Đặc biệt, tư duy độc lập sáng tạo của em nổi trội. Khi biết về cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng, em đã ấp ủ dự định tham gia.

Từ nồi cơm điện hư, sau một tháng mày mò thử nghiệm, mô hình bếp nướng điện của em ra đời. Nương đã nói với thầy chủ nhiệm về dự định mang chiếc bếp nướng điện đi dự thi. Được thầy động viên và hướng dẫn thực hiện những bộ phận phức tạp, em càng tự tin hơn. “Em nghĩ cả cái nồi cơm điện đem bỏ đi thì uổng quá. Mình gỡ ra xem còn gì dùng được không. Thật ra chỉ vài ngày là em làm xong nhưng do phải đi làm nên không thực hiện liên tục được. Em đã bị điện giật hai lần, sau đó mới nghĩ ra cách trộn cát với xi măng đổ vào trong thùng rồi đặt bếp lên, như vậy sẽ cách điện. Không ngờ sáng tạo của em đoạt giải ba cấp huyện, rồi giải khuyến khích cấp tỉnh” - Nương thật thà kể.

Điểm bình quân môn Vật lý đạt gần 9,0 đã giúp Nương rất nhiều khi thực hiện mô hình này. Thầy Tài khẳng định, em có tư duy tiến bộ, luôn đầu tàu trong mọi hoạt động của lớp. Là học sinh dân tộc thiểu số nhưng ở em không có hạn chế nào, nhất là trong học tập. Nương chia sẻ, chỉ có con đường học tập mới giúp em có công việc ổn định, lo cho cuộc sống gia đình. Không chỉ cố gắng học để sau này trở thành giáo viên dạy Vật lý, Nương còn nói mỗi năm sẽ sáng tạo một mô hình dự thi. Với em, đoạt được giải rất thích, vui nhất là có tiền đưa cho mẹ mua gạo.

Năm học này, Nương học lớp 8. Em dự định sẽ sáng tạo một mô hình phục vụ trong nông nghiệp. Chúc em đoạt giải cao hơn trong kỳ thi năm tới.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
110915

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu