Thứ 3, 16/04/2024 23:55:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thể thao 00:00, 28/07/2011 GMT+7

Ông Goetz và trận ra mắt khó khăn ở sân Mỹ Đình

Thứ 5, 28/07/2011 | 00:00:00 217 lượt xem

Thầy trò Falko Goetz cần phải cùng nhìn về một hướng
Thất bại 0-3 ở trận lượt đi trên sân của Qatar, cộng với những lời đồn đại về “sóng ngầm” trong đội tuyển khiến nhiều người lo ngại trận đấu ra mắt của ông Falko Goetz ở sân Mỹ Đình sẽ không được suôn sẻ. Đáng ra, huấn luyện viên người Đức có thể lường trước được điều ấy ngay từ khi ký vào bản hợp đồng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam.

Thực tế là ngay ở lần tập trung chuẩn bị cho trận gặp Macau thì ông Goetz đã phải đối mặt với những khó khăn, liên quan đến việc một vài cầu thủ xin rút khỏi đội tuyển “vì lý do cá nhân,” như trường hợp của thủ môn số một Dương Hồng Sơn. Mọi chuyện chỉ tạm lắng khi Việt Nam dễ dàng đè bẹp Macau với tỷ số 13-1 sau hai lượt đấu.

Thế nhưng, sau thất bại “vỡ mặt” ở Doha, rồi tiếp sau đấy là lệnh “cấm trại” của huấn luyện viên người Đức khi trở lại Việt Nam, một số tuyển thủ đã bày tỏ sự không hài lòng với cách quản quân của ông thầy thông qua một số phóng viên thân thiết.

Chính vì thế, nhiều tờ báo thậm chí đã bóng gió về chuyện có
sóng ngầm trong đội tuyển trước trận lượt về với Qatar, đồng thời xới lại chuyện nhiều cầu thủ đã chủ động rút khỏi đội ngay từ lần tập trung đầu tiên.

Thực tế, ngay ở các nền bóng đá lớn thì chuyện này cũng thường xuyên xảy ra, mà ông Goetz mà người hiểu rõ hơn ai hết. Chẳng hạn như ở Đức, quê hương của ông Goetz, thì tại mùa giải vừa rồi, các cầu thủ Schalke đã công khai lên mặt báo chỉ trích cách quản quân theo kiểu “trại lính” của huấn luyện viên Felix Magath. Rốt cuộc, đến giai đoạn cuối mùa giải thì ông Magath đã bị sa thải, mà theo báo giới thì chính các cầu thủ đã cố tình đá lỏng chân để tìm cách tống cổ ông thầy.

Hay như tại Anh, cứ mỗi lần đội tuyển nước này tập trung chuẩn bị cho các trận giao hữu thì y như rằng có hàng loạt ngôi sao viện cớ chấn thương để ở lại câu lạc bộ. Rồi sau thất bại ở World Cup 2010, ít nhất đã có tới bốn cầu thủ tuyên bố sẽ không khoác áo đội tuyển chừng nào mà huấn luyện viên Fabio Capello còn tại vị, mới nhất là trường hợp của thủ môn Ben Foster.

Thế nên, với một nền bóng đá vẫn đang “chập chững” lên chuyên nghiệp như Việt Nam thì những chuyện cầu thủ xin rút khỏi đội, hay phản ứng về chuyện quản quân cũng không có gì là lạ. Và nó đòi hỏi ông huấn luyện viên đến từ nền bóng đá chuyên nghiệp hóa đến mức cao độ cũng sẽ phải “nắn” mình theo thực tế, nếu như muốn gắn bó lâu dài như những người tiền nhiệm (Alfred Riedl, Henrique Calisto).

Tuy nhiên, có một điều khác biệt cơ bản giữa chuyện “tây” và chuyện “ta” là thái độ ứng xử đối với các trận đấu, giải đấu.

Trường hợp các ngôi sao ở châu Âu viện cớ vắng mặt ở đội tuyển chỉ xảy ra trong những trận giao hữu vô bổ, xen giữa thời điểm các giải vô địch quốc gia đang diễn ra căng thẳng. Còn khi đội tuyển tập trung cho các trận vòng loại thì việc được gọi lên tuyển là một vinh dự cao quý.

Nhưng ngược lại, ở Việt Nam thì đấy lại là chuyện cơm bữa trước các trận vòng loại World Cup hay Asian Cup, những giải đấu mà trên lý thuyết là mục tiêu quan trọng nhất đối với các nền bóng đá, hay với cá nhân mỗi cầu thủ.

“Đỉnh cao” trong mắt nhiều cầu thủ Việt Nam không phải World Cup hay Asian Cup mà là các giải đấu ở “vùng trũng” như SEA Games hay AFF Cup. Bởi ở những giải đấu ấy, chỉ cần thắng một vài trận ở vòng bảng trước những người láng giềng yếu đuối như Lào hay Campuchia, cả đội cũng đã nhận được những cơn mưa tiền thưởng từ các doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại các vòng loại World Cup hay Asian Cup, dù có thắng một vài vòng sơ loại đầu tiên thì cũng đừng mơ đến chuyện giành vé dự vòng chung kết. Nên bị loại sớm có khi lại là điều tốt, hòng có sức để về đá cho câu lạc bộ.

Tuy nhiên, cũng chẳng nên trách các cầu thủ khi mà trong bản hợp đồng giữa liên đoàn bóng đá Việt Nam với VFF và ông Goetz thì nhiệm vụ “giành chức vô địch SEA Games 26” cũng được cho là mục tiêu quan trọng nhất

Cũng chẳng nên trách các cầu thủ khi mà đại bộ phận các cổ động viên cũng “máu me” với các giải đấu khu vực hơn là giải thế giới, mà hình ảnh hàng ngàn người đội mưa rét xếp hàng mua vé ở AFF Cup 2010 trên sân Mỹ Đình là một ví dụ điển hình.

Suy cho cùng, bóng đá cốt là để phục vụ nhân dân.
 
* Trận đấu giữa Việt Nam và Qatar thuộc khuôn khổ lượt về vòng hai vòng loại World Cup 2014 khu vực châu Á sẽ diễn ra vào 19 giờ 15 ngày 28-7-2011 trên sân Mỹ Đình. Trận đấu này sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài truyền hình Việt Nam.

* Đội tuyển Việt Nam sẽ ra sân trong trang phục truyền thống: Áo đỏ - Quần đỏ - Tất đỏ. Đội tuyển Qatar mặc Áo trắng - Quần trắng - Tất trắng.


* Nếu kết thúc 90 phút thi đấu, đội tuyển Việt Nam giành thắng lợi với tỷ số 3-0 thì hai đội sẽ tiếp tục thi đấu 2 hiệp phụ. Nếu 2 hiệp phụ kết thúc với tỷ số hòa có bàn thắng thì Qatar sẽ giành quyền bước tiếp. Nếu hòa không không bàn thắng thì hai đội sẽ thi đấu luân lưu 11m để xác định đội thắng.

(Theo TTXVN)
  • Từ khóa
99449

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu