Thứ 4, 24/04/2024 07:12:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:09, 27/08/2019 GMT+7

Vì sao người dân chưa “mặn” với điện năng lượng mặt trời?

Thứ 3, 27/08/2019 | 06:09:00 2,702 lượt xem
BP - Năng lượng mặt trời là nguồn năng lượng sạch đang có nhiều tiềm năng phát triển tại Bình Phước. Tuy nhiên, xu thế phát triển hiện nay của nguồn năng lượng này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn năng lượng mặt trời là vấn đề cần được quan tâm.

Hộ dân dần tiếp cận năng lượng mặt trời

Hiện năng lượng mặt trời vẫn còn là nguồn năng lượng mới và chưa phổ biến đối với các gia đình trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, dần có nhiều hộ bắt đầu tìm hiểu, lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời trong sinh hoạt gia đình. Bởi nếu tính lâu dài, sử dụng điện năng lượng mặt trời sẽ mang lại lợi ích không nhỏ, vừa về mặt kinh tế vừa đảm bảo nguồn điện cho các hộ dân.

Hiểu rõ những ưu điểm này nên anh Lê Văn Thuận ở khu phố 3, phường Tiến Thành (Đồng Xoài) đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời từ hơn 1 tháng qua. Có một dãy phòng trọ cho thuê nên mỗi tháng, tiền điện luôn là con số chi phí không nhỏ đối với gia đình anh, nhất là trong thời điểm giá điện tăng cao theo mức lũy kế như hiện nay. “Theo tính toán, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời sau khi trừ chi phí, mỗi tháng có thể thu khoảng 12-15 triệu đồng. Đó là tính trung bình, còn nếu vào mùa nắng có thể hơn. Lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, mình chủ động nguồn điện, đồng thời nguồn điện dư bán cho điện lực lại có thêm thu nhập” - anh Thuận chia sẻ.

Thi công lắp pin năng lượng mặt trời trên mái nhà ở thị xã Bình Long - Ảnh: Thanh Mảng

Tương tự, gia đình chị Đào Thị Thu Hà ở phường Tân Đồng (Đồng Xoài) cũng mới lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Chị Hà cho rằng, đây là nguồn năng lượng sạch, giảm chi phí cho người tiêu dùng, sử dụng dư thì bán cho ngành điện lực. Chi phí đó bù lại khoản đầu tư ban đầu, thời gian dài còn có lời. Do vậy tôi sẽ tiếp tục giới thiệu người thân lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trong sinh hoạt mà không phải phụ thuộc vào điện lưới quốc gia.

Với những ưu thế trong việc tạo ra điện năng, hệ thống điện năng lượng mặt trời phù hợp với các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng thiết bị điện trong sản xuất, kinh doanh. Chị Đào Thị Khuyến, Cửa hàng trưởng Công ty Yamaha Tuấn Giang 1 (Đồng Xoài) cho biết: Công ty sử dụng điện gần như 24/24 giờ. Sau khi lắp đặt điện năng lượng mặt trời, tiền điện của công ty đã giảm từ 17-18 triệu đồng còn khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. Dự kiến trong vòng 5 năm, doanh nghiệp sẽ lấy lại chi phí 500 triệu đồng vốn lắp đặt ban đầu.

Chưa tương xứng tiềm năng

Sau khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, khách hàng có thể giám sát được điện thu vào từ hệ thống cũng như mức điện sử dụng hằng ngày của gia đình, doanh nghiệp bất kỳ lúc nào chỉ bằng một ứng dụng trên điện thoại di động thông minh. Theo đó, điện lực sẽ lắp đặt cho khách hàng công tơ điện 2 chiều để khách hàng có thể sử dụng điện của lưới điện quốc gia và bán lại điện năng dư khi cần thiết. Thế nên, dù chi phí lắp đặt ban đầu khá cao, ít nhất 50 triệu đồng/hộ dân, khách hàng có thể lấy lại chi phí trong vòng từ 5-6 năm nhờ tiết kiệm chi phí điện hằng tháng và bán lại điện năng dư cho điện lực.

Anh Nguyễn Minh Sang, nhân viên Công ty Điện lực Đồng Xoài giải thích: “Khi sử dụng điện của ngành điện, công tơ sẽ hiển thị số chiều giao tức là của ngành điện bán cho khách hàng mua điện. Ngược lại, khi điện năng lượng mặt trời phát ra lưới điện phần dư thì công tơ sẽ ghi vào biểu giá của chiều nhận”. Theo đó, điện lực hằng tháng sẽ ghi nhận lại chiều nhận để thanh toán phần tiền cho khách hàng với số lượng điện phát dư lên lưới điện theo đúng quy định.

Các tấm pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà một hộ dân ở phường Tân Đồng, thành phố Đồng Xoài

Hiện nay, ngành điện lực đang thu mua phần điện năng phát dư ra từ hệ thống điện năng lượng mặt trời của các hộ dân với mức giá 2.130 đồng/kW. Ngành điện cũng khẳng định sẽ thu mua lại toàn bộ phần điện năng dư ra từ các hộ dân. “Đối với những hộ tiêu thụ sinh hoạt bình thường, tôi khẳng định dư bao nhiêu chúng tôi mua hết bấy nhiêu” - ông Lê Tấn Quang, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước nói.

“Thời gian hoàn vốn của hệ thống điện năng lượng mặt trời khoảng 5-6 năm. Trong khi đó, các tấm pin năng lượng có thời gian bảo hành lên đến hơn 20 năm nên khách hàng có thể mạnh dạn tiếp cận. Quý khách hàng có thể trực tiếp liên hệ với điện lực huyện, thị xã, thành phố trực thuộc công ty để có cán bộ kỹ thuật tư vấn và hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất”.

Ông Lê Tấn Quang, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Phước cho biết

Qua đánh giá, đặc thù khí hậu vùng miền của Bình Phước rất thuận lợi, nắng nhiều trong năm, phù hợp lắp đặt pin mặt trời, đồng thời sẽ cho hiệu suất điện năng cao hơn so với các vùng miền khác. Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 120 khách hàng đăng ký sử dụng trên địa bàn toàn tỉnh với tổng công suất 2.500kW. Đây là con số khiêm tốn so với các tỉnh bạn như Ninh Thuận, Tây Ninh, Long An, Vũng Tàu.

Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, Bình Phước đang tích cực phát triển dự án điện mặt trời Lộc Ninh với quy mô 800MW. Để phục vụ dự án, từ cuối năm 2018, tại xã Lộc Tấn (Lộc Ninh), Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải đã khởi công công trình đường dây và trạm biến áp 220kV Lộc Ninh - Bình Long 2 để đấu nối các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn huyện vào hệ thống lưới điện quốc gia có tổng chiều dài đường dây 30km và tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng đặt vấn đề với Sở Công Thương về việc đầu tư phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà các bệnh viện, trường học trên địa bàn tỉnh để phục vụ kinh doanh.

Hạ Băng

  • Từ khóa
44746

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu