Thứ 6, 29/03/2024 21:56:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 21:25, 21/05/2013 GMT+7

Xây dựng đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh: Chưa thống nhất quan điểm

Thứ 3, 21/05/2013 | 21:25:00 1,581 lượt xem

Ngày 21-5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng chủ trì buổi làm việc với Cục đường sắt Việt Nam về việc thỏa thuận hướng tuyến dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh, đoạn qua địa phận tỉnh Bình Phước.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo, tuyến đường sắt có điểm đầu ga Dĩ An (km 0+000), điểm cuối là cửa khẩu quốc tế Hoa Lư với tổng chiều dài 128,200 km. Trên địa bàn Bình Phước, tuyến đường đi qua 4 huyện, thị xã (Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long và Lộc Ninh) với 7 ga: Chơn Thành, Minh Hưng, Tân Khai, An Lộc, Đồng Tâm, Lộc Ninh và Hoa Lư.

Ngay sau khi Cục đường sắt Việt Nam có văn bản thỏa thuận về vị trí, quy mô xây dựng công trình, UBND tỉnh đã có ý kiến: Khu vực Chơn Thành phải cách quốc lộ 13 khoảng 3 km về hướng Tây với lý do quy hoạch của tỉnh dọc quốc lộ đã bố trí các khu công nghiệp và hiện một số khu đã đi vào hoạt động.

Theo kết quả khảo sát giữa Sở Giao thông - Vận tải và đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam), tuyến đường sắt không ảnh hưởng đến nhà xưởng của các khu công nghiệp đang hoạt động, chỉ ảnh hưởng một phần hạ tầng của khu công nghiệp Nam Chơn Thành. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị nên tránh các khu công nghiệp, trung tâm hành chính và hạn chế đi qua các khu dân cư đông người.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tòng nêu quan điểm của tỉnh: Việc xây dựng tuyến đường sắt là rất cần thiết, tuy nhiên đơn vị tư vấn cần thiết kế hướng tuyến đường không đi qua khu dân cư và khu công nghiệp, hạn chế tối đa việc giải tỏa đền bù, bố trí tái định canh, định cư. Đồng thời, bảo đảm hướng tuyến đường vừa thuận lợi, vừa ít ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và thay đổi quy hoạch của địa phương.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Doanh, Cục phó Cục đường sắt Việt Nam lại cho rằng: Mục đích của việc xây dựng tuyến đường sắt là tiếp cận được nguồn hàng và hành khách, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nếu di chuyển hướng tuyến đi quá xa, không chỉ tăng chi phí đầu tư mà việc tiếp cận nguồn hàng cũng kém hiệu quả. Do vậy, cục sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng của địa phương khảo sát lại toàn tuyến với quan điểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn hàng và hành khách, đồng thời giảm thiểu tác động tới khu dân cư và quy hoạch chung của tỉnh.

L.P

  • Từ khóa
45092

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu