Thứ 3, 16/04/2024 17:47:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:28, 21/08/2020 GMT+7

Vẫn khó trong quản lý khai thác đá khoáng sản

Nguyễn Dũng
Thứ 6, 21/08/2020 | 07:28:00 2,315 lượt xem
BPO - Những năm gần đây, đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng được cải thiện, kéo theo tốc độ đô thị nhanh, đòi hỏi phải có nguồn vật liệu đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng đang diễn ra ngày càng sôi động. Song, một số vật liệu xây dựng là tài nguyên không thể tái tạo đang dần trở nên khan hiếm. Do đó, việc quy hoạch và quản lý khai thác hợp lý nguồn tài nguyên có ý nghĩa rất quan trọng và tác động tích cực đối với môi trường.
Công ty TNHH Hùng Vương - Bình Phước (Đồng Xoài) chấp hành nghiêm các quy định theo giấy phép đăng ký. Trong ảnh là công trường khai thác của công ty

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), toàn tỉnh hiện có 42 giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó 7 giấy phép do Bộ TN&MT cấp, còn lại do UBND tỉnh cấp, chủ yếu là giấy phép khai thác đá, cát xây dựng thông thường. Qua công tác thanh - kiểm tra, Sở TN&MT đã xử phạt 45 tổ chức và cá nhân với tổng 600 triệu đồng; tham mưu UBND tỉnh xử phạt 5 tổ chức với tổng 1 tỷ 460 triệu đồng. Cho thấy, công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh còn không ít tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ.

Ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao

Công ty TNHH Thanh Dung đang khai thác mỏ đá ở huyện Bù Gia Mập là doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong lĩnh vực khai thác đá. Ngoài bảo đảm an toàn tất cả các khâu trong quá trình khai thác đá, công ty còn tháo dỡ hệ thống đường dây điện mắc trên hàng cây dọc đường, di chuyển vào nội bộ khu mỏ, đảm bảo an toàn cho người lao động và nhân dân trên địa bàn khi đi qua.

Cũng là đơn vị chấp hành nghiêm các quy định theo giấy phép đăng ký, Công ty TNHH Hùng Vương - Bình Phước ở xã Tiến Hưng, thành phố Đồng Xoài đã bỏ vốn nâng cấp tuyến đường dân sinh đi ngang qua khu mỏ, vừa phục vụ việc vận chuyển vật liệu vừa phục vụ người dân đi lại. Vào mùa khô hay những ngày trời không mưa, đơn vị chủ động tưới đường, khu vực công trường sản xuất để hạn chế bụi, tránh ô nhiễm môi trường. Hay doanh nghiệp Phú Hương - chuyên khai thác đá khoáng sản ở thôn 7, xã Long Giang, thị xã Phước Long cam kết khai thác đá khoáng sản đúng sản lượng, thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo bổ sung, phương án hoàn thổ sau khi ngừng hoạt động.

Vẫn còn tình trạng khai thác trái phép

Bên cạnh những doanh nghiệp, công ty chấp hành nghiêm quy định pháp luật trong lĩnh vực khai thác, tìm hiểu thực tế được biết, tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân, doanh nghiệp vẫn khai thác chui, không có giấy phép, nhất là ở huyện Bù Gia Mập - địa bàn có tiềm năng về khai thác đá phục vụ xây dựng. Vào giữa năm 2019, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với ngành chức năng của huyện kiểm tra và lập biên bản về hành vi khai thác khoáng sản trái phép một công trường khai thác đá xây dựng trái phép với quy mô lớn tại khu vực xã Đắk Ơ. Ghi hình qua flycam, chúng tôi thấy diện tích khu mỏ khai thác không có giấy phép rộng khoảng 5 ha với diện tích đất đã bóc tầng phủ khoảng 2.000m2, vị trí khai thác đá sâu nhất khoảng 10m. 

Ông Lê Anh Xuân, Trưởng phòng TN&MT huyện Bù Gia Mập cho biết, công trường khai thác tại xã Đắk Ơ bắt đầu hoạt động từ tháng 11-2018, ban đầu chỉ khai thác đá chẻ và đá xây dựng, sau đó khai thác đá cây. Hành vi vi phạm này từng bị xử lý hành chính, nhưng không đủ sức răn đe nên các đối tượng vẫn ngang nhiên vi phạm, gây bức xúc dư luận.
Gần đây, theo thông tin qua đường dây nóng của Tỉnh ủy, vẫn còn tình trạng lén lút khai thác và vận chuyển đá vào ban đêm xảy ra trên địa bàn các xã Đắk Ơ, Phú Văn, huyện Bù Gia Mập nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng và người dân. Khi biết có đoàn kiểm tra đến thì họ ngừng hoạt động và chuyển sang địa bàn khác. Xe chở đá thường chở quá tải làm các tuyền đường xuống cấp nghiêm trọng. 

Thực tế, những hành vi nêu trên đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước trong quản lý TN&MT. Hành vi này có thể cấu thành tội phạm và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dư luận mong muốn, các cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, kiên quyết xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và nguồn tài nguyên được bảo vệ, khai thác đúng quy định pháp luật.    

Khoản 1, Điều 227, Bộ luật Hình sự quy định, người nào vi phạm các quy định của Nhà nước về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép thuộc một trong những trường hợp sau đây hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:
a) Thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Khoáng sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng...
  • Từ khóa
47323

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu