Thứ 6, 29/03/2024 17:20:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:10, 12/05/2020 GMT+7

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2020)

Văn hóa “4 xin, 4 luôn và 4 có”

Diệp Viên
Thứ 3, 12/05/2020 | 15:10:00 611 lượt xem
BPO - Trên nền tảng tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn lọc tinh hoa văn hóa chính trị của nhân loại về vị trí của nhân dân trong tiến trình phát triển. Sinh thời, Người luôn quan tâm và đặc biệt chú trọng công tác cán bộ và công tác dân vận. Về công tác cán bộ, Người đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Đối với công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cách mạng thành công thì Đảng phải vững mạnh, phải dựa vào dân, tổ chức vận động nhân dân tham gia và lãnh đạo nhân dân thực hiện những nguyện vọng, lợi ích thiết thực cho nhân dân. Nước phải lấy dân làm gốc. Vì, “Gốc có vững cây mới bền/ xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, Đảng đã chỉ rõ: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và sự nghiệp đổi mới. Chính vì thế, để phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam, Đảng, Chính phủ đã xây dựng những nguyên tắc khi làm việc với dân, văn hóa ứng xử khi giao tiếp cũng như công tác trong hoạt động công đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Và trong bài viết này, xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung liên quan đến vấn đề này.

Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên

Ngày 25-10-2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;... Đồng thời, phải gương mẫu đi đầu thực hiện: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghiên cứu, nắm vững hệ thống các nguyên tắc cơ bản và kiên quyết bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Có lập trường tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, chính kiến rõ ràng trước những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm. Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch...

Bác Hồ nói chuyện với lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Lạc Trung, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25-1-1961) - Ảnh: tuyengiao.vn

Cũng theo quy định này, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống: Chủ nghĩa cá nhân, cục bộ, bản vị. Lợi dụng tập thể để né tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện mục đích cá nhân. Nói không nhất quán, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít. Độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân. Định kiến với người góp ý, phê bình. Trực tiếp, mượn danh hoặc cung cấp tài liệu cho người khác để nói, viết, đăng tin, bài sai sự thật nhằm đề cao tập thể, cá nhân mình hoặc hạ thấp uy tín của tập thể, cá nhân khác trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Chủ trì tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách trái chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng hoặc gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân...

19 điều đảng viên không được làm

Ngày 1-11-2011, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, gồm: Nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng; làm những việc mà pháp luật nhà nước không cho phép công dân, cán bộ, công chức làm. Cung cấp những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố; tuyên truyền, tán phát hoặc xúi giục người khác tuyên truyền, tán phát tài liệu (bài viết, bài nói, tờ rơi, băng ghi hình, băng ghi âm, đưa lên internet...) để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng. Tố cáo mang tính bịa đặt; viết đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh; viết, ký tên tập thể vào đơn thư tố cáo. Tổ chức, tham gia kích động, xúi giục, mua chuộc, cưỡng ép người khác khiếu kiện. Tổ chức, tham gia các hoạt động bè phái, gây mất đoàn kết, chia rẽ, cục bộ. Đả kích, vu cáo, xúc phạm, nhận xét, đánh giá tùy tiện, vô tổ chức đối với người khác; đe dọa, trấn áp, trù dập người tố cáo, phê bình, góp ý trái với ý kiến mình. Tổ chức, tham gia mít tinh, biểu tình khi chưa được cấp có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cho phép...

“4 xin, 4 luôn”

Nội dung này được quy định tại Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Theo đó, nội dung văn hóa công vụ về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được quy định như sau: Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn” gồm: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng...

Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức: ...Phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ. Cán bộ, công chức, viên chức không được đánh bạc, sa vào các tệ nạn xã hội; ...phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến hoạt động công vụ. Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc;...

“Có lên, có xuống”, “có vào, có ra”

Nội dung “4 có” này được quy định tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ là: Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ. Đồng thời, nghị quyết cũng đề ra yêu cầu: Thực hiện việc bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện trên cơ sở quy hoạch để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc.

Những quy định của Đảng cụ thể là vậy, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước rõ ràng là thế, nhưng tiếc rằng vẫn có không ít cán bộ, đảng viên vì thiếu tu dưỡng về đạo đức, lối sống nên đã thân bại, danh liệt vì những “viên đạn bọc đường”. Thậm chí có cả những cán bộ cấp cao phải lãnh án tù chung thân chỉ vì lợi ích cá nhân. Đây thực sự là bài học đắt giá cho những ai xem thường kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

  • Từ khóa
33630

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu