Thứ 6, 29/03/2024 09:26:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:44, 27/02/2020 GMT+7

VAC khép kín: 1,5 ha đất - lời hơn 500 triệu đồng/năm

Thùy Hương - Tấn Thành
Thứ 5, 27/02/2020 | 14:44:00 1,000 lượt xem
BPO - Những năm gần đây, giá nông sản của một số loại cây chủ lực như điều, tiêu, cao su luôn bấp bênh khiến người dân gặp khó khăn. Nhờ áp dụng cách làm kinh tế tổng hợp vườn - ao - chuồng (VAC) mà anh Phạm Văn Lượng (33 tuổi) ở thôn Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng không bị ảnh hưởng của “cơn bão giá” trong những năm gần đây. Chỉ 1,5 ha đất, anh Lượng trồng cỏ nuôi bò sinh sản, đào ao thả cá và trồng cây ăn trái, mỗi năm thu lời hơn 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Dám nghĩ, dám làm

Sinh ra trong gia đình thuần nông, lại thích trồng trọt, chăn nuôi nên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý đất đai Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, anh Phạm Văn Lượng quyết định áp dụng kiến thức đã học để làm kinh tế gia đình... Trên diện tích 1,5 ha cao su kém hiệu quả, anh Lượng bàn với gia đình từng bước chuyển đổi cho phù hợp. Anh đã cắt bỏ 4 sào cao su để trồng giống cỏ VA06, đồng thời đầu tư khoảng 100 triệu đồng mua 10 con bò bô sinh sản về nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP. Chuỗi sinh học đầu tiên được anh xây dựng là lấy cỏ nuôi bò, chất thải của bò dùng nuôi trùn quế, rồi lấy hợp chất trùn quế tạo ra bón ngược lại cho vườn cỏ, trùn quế làm thức ăn nuôi bò. Ngoài ra, anh còn cho bò ăn thêm một số chất dinh dưỡng tổng hợp để bò phát triển nhanh và sinh sản tốt.

200 cây bưởi da xanh giúp gia đình anh Phạm Văn Lượng, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng có nguồn thu ổn định

Những ngày đầu làm kinh tế, do thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt nên đàn bò của gia đình anh mắc một số bệnh như: sốt cao, tiêu chảy... Để khắc phục, anh tìm hiểu thông tin trên sách báo, đồng thời tham quan học hỏi kinh nghiệm từ những trang trại lớn tại Bình Dương và các tỉnh lân cận, từ đó áp dụng vào chăn nuôi. Nhờ đó, tổng đàn bò của gia đình anh Lượng tăng đều đặn hằng năm. Trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 10 con bò thịt và 20 con bò giống, thu lời khoảng 200 triệu đồng/năm.

Vừa qua, anh Lượng tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật phối giống bò tại Trung tâm Gia súc lớn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tỉnh Bình Dương và lớp trung cấp thú y về kỹ thuật chăm sóc đàn bò do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Từ kiến thức học được, anh tiến hành cấy phôi giống bò Charolais trên giống bò gia đình hiện có. Anh Lượng cho biết: Đây là giống bò siêu thịt đang được thị trường ưa chuộng. Bê sinh ra có trọng lượng nặng, to hơn so với giống bò bô thông thường.

Để phương pháp nhân giống mang lại hiệu quả, anh Lượng còn làm bảng ghi ngày tháng phối giống, ngày bò sinh sản để theo dõi sự phát triển của đàn bò, từ đó có chế độ chăm sóc phù hợp. Nhờ đó, đến nay anh đã phối giống thành công, có 3 con bê lai giữa bò bô và giống bò Charolais ra đời, đang phát triển rất tốt. Tới đây, anh tiếp tục nhân rộng giống bò này để bán ra thị trường, đồng thời sẵn sàng truyền lại kinh nghiệm cho những thanh niên có nhu cầu học tập để phát triển kinh tế.

Trồng cây ăn trái theo hướng hữu cơ

Khi đàn bò phát triển mạnh, nguồn phân bò dư dả, gia đình anh Lượng chuyển đổi 1 ha cao su kém hiệu quả trồng cây ăn trái để tận dụng nguồn phân bón. Hiện vườn cây ăn trái của gia đình anh gồm 200 cây bưởi da xanh, 200 cây mãng cầu Thái (na Thái), 10 cây mít, 20 cây sầu riêng. Anh Lượng chia sẻ: Từ khi chuyển đổi trồng cây ăn trái, trong 2 năm đầu tuy chưa có thu nhưng dịp tết Nguyên đán Canh Tý vừa qua, bưởi da xanh cho thu bói trên 1 tấn trái và na Thái khoảng 400kg. Bưởi da xanh và na Thái được thương lái vào tận vườn mua với giá khá cao (na Thái 70 ngàn đồng/kg, bưởi 30 ngàn đồng/kg). Để vườn cây ăn trái sinh trưởng, phát triển tốt, nguồn phân bò được anh Lượng ủ hoai mục cùng với các chế phẩm sinh học Trichoderma để tăng khả năng kháng bệnh cho cây. Nhờ nguồn phân bò này, mỗi năm gia đình tiết kiệm vài chục triệu đồng tiền mua phân bón.

Không chỉ thành công trên lĩnh vực làm kinh tế, anh Lượng còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương; 23 lần hiến máu tình nguyện. Anh được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND xã Phú Riềng nhiệm kỳ 2016-2021. Tháng 3-2016, anh vinh dự đại diện thanh niên huyện Phú Riềng sang nước bạn Lào tham gia giao lưu văn hóa.

Anh Lượng cho biết: Sau mỗi mùa vụ tôi cắt tỉa cành già, sâu bệnh và bón phân, tưới nước đầy đủ để cây nhanh phục hồi, cho trái sai trong những năm tiếp theo. Hiện trái cây của gia đình chỉ mới bán cho các thương lái trên địa bàn huyện. Tới đây, tôi sẽ nhân rộng diện tích, đồng thời không sử dụng phân bón hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ để đưa vào các thị trường khó tính, hệ thống siêu thị...

Ngoài ra, anh Lượng còn đào ao và lót bạt khoảng 100m2 mặt nước để nuôi cá koi. Đây là một trong những cách làm kinh tế khá mới ở Bình Phước. Bởi cá koi có giá trị kinh tế khá cao (hiện thị trường bán hơn 1 triệu đồng/kg). Chỉ mới nuôi 5 tháng nhưng đàn cá koi khoảng 600 con của gia đình anh Lượng phát triển khá nhanh (trung bình khoảng 4 con/kg). Đồng thời, anh Lượng đã tận dụng được nguồn trùn quế tự nuôi để cho cá ăn. Mỗi lần thay nước hồ cá, anh dùng tưới cho vườn cây ăn trái.

Chị Lưu Thị Phúc, Phó bí thư Huyện đoàn Phú Riềng cho biết: Anh Phạm Văn Lượng đã xây dựng mô hình kinh tế VAC khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao và có tính bền vững. Đặc biệt, anh đã tiên phong đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp của Bình Phước như: Lai tạo thành công giữa giống bò bô với bò Charolais, nuôi cá koi thương phẩm. Mô hình đang thu hút nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm.

  • Từ khóa
38589

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu