Thứ 6, 29/03/2024 16:37:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 12:01, 04/04/2020 GMT+7

Và cứ thế nhân dân thường ít nói …

Thứ 7, 04/04/2020 | 12:01:00 1,105 lượt xem
BPO - Giữa những ngày bão dịch Covid-19 hoành hành, cả nước cùng chung một nhịp đập con tim, cùng chung mối quan tâm tha thiết nhất: Chống dịch, sớm đưa cuộc sống của toàn dân trở lại yên bình.

Trong nguy nan, trong khó khăn thách thức, lòng nhân ái, tình yêu thương, tình người, tình đồng chí đồng bào càng tỏa sáng thiêng liêng cao đẹp. Từ chính sách đầy nhân văn “đồng bào ta không ai bị bỏ lại phía sau”, từ lời kêu gọi “toàn dân quyết tâm chống dịch”, đã có bao tấm lòng cao cả, bao việc làm lặng thầm sẻ chia. Ngày nào mở mạng, tôi cũng đọc được những tin đầy yêu thương về những nghĩa cử đáng trân trọng. Đó là những mẹ liệt sĩ đã từng hy sinh những đứa con yêu quí của mình cho Tổ quốc được độc lập tự do, giờ đây trước đại dịch, các mẹ lại lặng thầm hiến tặng những đồng tiền, hạt gạo chắt chiu từ bao tháng năm cực nhọc để cùng cả nước góp phần chăm sóc tốt hơn cho sức khỏe của chiến sĩ, bác sĩ, của những người đang phải cách ly...

Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “…Việt Nam, ôi Tổ quốc thương yêu!/ Trong khổ đau, Người đẹp hơn nhiều/ Như bà mẹ sớm chiều gánh nặng/ Nhẫn nại nuôi con, suốt đời im lặng/ Biết hy sinh nên chẳng nhiều lời…” (Chào Xuân 67).

“Gian hàng từ thiện” chung tay phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh: Lê Hoàng

Lại có những cụ ông đạp xe đi xa vài km để tặng cho chiến sĩ những bó rau nải chuối. Rồi cả xóm cả làng cùng chung sức góp gạo góp rau, góp sức để đồng bào chiến sĩ có thêm tinh thần sức lực chiến đấu chống dịch. Tấm lòng nhân ái có sức lan tỏa diệu kì! Ở đâu trên các đường phố cũng xuất hiện như có phép màu những quầy bánh mỳ, những quán cơm từ thiện, những nơi phát quà gạo, mì, trang phục... cho những người bán vé số, người lao động nghèo phải nghỉ việc để phòng chống dịch.

Tôi được biết ở tỉnh Bình Phước, cũng có nhiều nơi phát quà từ thiện như Chợ Bình Long, nhóm Mẹ Ken và nhiều người khác ở chợ Phước Long, nhiều thôn ấp khác trên địa bàn. Rồi những việc làm thiết thực của Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo như tặng quà, phát khẩu trang cho người nghèo ở các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tấm gương của hai em học sinh lớp 9 Trần Đức Phương và Bùi Lê Thảo Vy (thôn Tân Hiệp, xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) đã dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình (200 triệu đồng) ủng hộ chống dịch Covid…

…Đọc những thông tin ấy, mọi người sẽ thấm thía hơn đạo lý ngàn đời của dân tộc “Lá lành đùm lá rách” hay “Thương người như thể thương thân”.

Trong cuộc chiến cam go này, có những doanh nghiệp trong nước đã đóng góp hàng trăm, hàng chục tỉ đồng... cũng có những người góp nắm rau, quả trứng... tất cả đều là tấm lòng thảo thơm tình nghĩa đáng trân trọng nâng niu. Những việc làm ấy chính là biểu hiện thiết thực nhất của lòng yêu nước.

Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quí báu của dân tộc ta. Mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tinh thần yêu nước ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự hiểm nguy, khó khăn”. Nay đất nước đang phải đối mặt với đại dịch, tinh thần yêu nước, tình đồng chí, nghĩa đồng bào lại dâng trào tha thiết. Đó là sức mạnh cội nguồn góp phần chiến thắng dịch bệnh hiểm nguy. Sức mạnh đoàn kết tương thân tương ái của nhân dân thật bình dị mà cao cả!

Tôi muốn nhắc lại lời ngợi ca của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ:  “Và cứ thế nhân dân thường ít nói/ Như mẹ tôi lặng lẽ suốt đời/ Và cứ thế nhân dân cao vòi vọi/ Hơn cả những ngôi sao cô độc giữa trời” (Không phải truyền thuyết).

…………………………

Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm của tác giả
Bùi Biên Linh - Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Phước

  • Từ khóa
95453

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu