Thứ 6, 29/03/2024 15:45:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:40, 17/04/2020 GMT+7

Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Đức Hiến
Thứ 6, 17/04/2020 | 14:40:00 420 lượt xem
BPO - Năm 2019, Trung tâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh phối hợp các cấp chính quyền triển khai ứng dụng, chuyển giao nhiều dự án KH&CN. Đặc biệt, lần đầu tiên trung tâm phối hợp với các nhà khoa học, phòng kinh tế các huyện, thị xã triển khai thực hiện Dự án sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có nguồn gốc nano trong chăm sóc cây có múi trên địa bàn Lộc Ninh và mô hình trồng cỏ mombasa, cỏ ruzi trên địa bàn huyện Bù Đốp, bước đầu mang lại hiệu quả.

Ứng dụng phân bón NANO trong sản xuất cây có múi

Trong năm 2019, Trung tâm KH&CN tỉnh triển khai thực hiện Dự án sử dụng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc nano trong chăm sóc cây có múi trên địa bàn Lộc Ninh mang lại hiệu quả thiết thực. Theo đó, trung tâm phối hợp Sở KH&CN, Phòng Kinh tế và Hội Nông dân huyện Lộc Ninh  khảo sát, lựa chọn được 4 hộ thuộc 4 xã tham gia dự án.

Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ toàn bộ phân bón lá, nano và thuốc bảo vệ thực vật nano để chăm sóc 1 ha cây có múi. Từ tháng 7-2019, trung tâm phối hợp Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam cấp phát và hướng dẫn các hộ dân phun chế phẩm nano đúng quy trình kỹ thuật. Kết quả sau 7 tháng cho thấy cây bưởi sinh trưởng phát triển rất tốt so với đối chứng.

Cỏ mombasa được trồng tại Hợp tác xã bưởi da xanh Bù Đốp, huyện Bù Đốp

Ông Nguyễn Đức Trung, xã Lộc Thành thụ hưởng dự án cho biết: Vườn cây ăn trái có múi hơn 1 ha của gia đình sau khi sử dụng thuốc BVTV và phân bón lá nano theo đúng quy trình kỹ thuật đã thay đổi rất nhiều so với sử dụng các sản phẩm khác. Đặc biệt sau khi sử dụng, mặc dù đang thời kỳ cao điểm của mùa khô nhưng cây bưởi và cam lá rất xanh, trái đẹp, cho nhiều trái.

Tiến sĩ Đàm Văn Toàn, Phó giám đốc Trung tâm KH&CN, Chủ nhiệm dự án cho biết: Thuốc BVTV và phân bón lá nano được sản xuất dựa trên việc ứng dụng tiến bộ KH&CN và có nhiều ưu điểm so với các sản phẩm khác như được làm từ nguyên liệu thực vật nên không độc hại, không gây ô nhiễm môi trường. Phân bón lá nano hấp thụ chủ yếu qua lá nên có tác dụng rất nhanh, giúp cây phục hồi và phát triển tốt. Hiện nay, trung tâm đang cấp thuốc BVTV và phân bón nano cho 4 hộ dân của dự án; đồng thời tiếp tục hướng dẫn nông dân cách xịt hiệu quả khi cây đang trong thời kỳ ra bông đậu trái.

Ông Lê Thế Bang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành cho biết: Qua theo dõi tại hộ ông Nguyễn Đức Trung, Hội Nông dân xã đánh giá rất cao các sản phẩm phân bón và thuốc BVTV có nguồn gốc nano. Xã Lộc Thành mong muốn dự án tiếp tục được triển khai để người dân tiếp cận những sản phẩm phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc nano sản xuất ra sản phẩm an toàn, hiệu quả kinh tế cao.

Trồng thử nghiệm thành công 2 giống cỏ mới

Cũng trong năm 2019, Trung tâm KH&CN tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp tổ chức tập huấn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cỏ ruzi, mombasa phục vụ chăn nuôi gia súc; đồng thời xây dựng 4 mô hình trồng cỏ trên địa bàn huyện. Đây là 2 giống cỏ có nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống cỏ thông thường. Kết quả kiểm tra cho thấy, cỏ ruzi và mombasa phát triển tốt trên đất Bình Phước.

Ông Ngô Phước Khánh, Chủ nhiệm Hợp tác xã bưởi da xanh Bù Đốp cho biết: Tháng 11-2019, hợp tác xã thực hiện trồng thử nghiệm giống cỏ mombasa và ruzi với hơn 5 ha. Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đến nay cỏ phát triển tốt và đã cho thu hoạch đợt đầu tiên với năng suất cao hơn dự kiến. Cỏ mombasa có nhiều ưu điểm vượt trội như: thân mềm, sinh trưởng nhanh, thời gian từ lúc gieo hạt đến thu hoạch đợt đầu tiên trong vòng 60 ngày. Những lần thu tiếp theo cách nhau từ 20-25 ngày.

Tiến sĩ Đàm Văn Toàn chia sẻ: Theo tính toán, năng suất trung bình cỏ mombasa trồng tại Hợp tác xã bưởi da xanh Bù Đốp ước đạt 340 tấn/ha/năm (khoảng 55 tấn/ha/lần thu hoạch). 1 năm có thể thu 6-8 lứa. Cỏ mombasa có đặc điểm non, mềm, không có lông, thân cao khoảng 1,5m. Ngoài sử dụng làm thức ăn tươi, cỏ mombasa có thể phơi khô, ủ chua làm thức ăn dự trữ cho gia súc, gia cầm.

Cỏ mombasa rất phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sinh khí hậu tại huyện Bù Đốp. Theo tính toán, trồng 1 ha cỏ mombasa có thể thu được 1.000-1.200 tấn cỏ (dự kiến thu 4-6 năm). Tính trung bình 500 ngàn đồng/tấn, tổng doanh thu khoảng 500-600 triệu đồng/ha/6 năm.

Đối với cỏ ruzi có nguồn gốc từ châu Phi, theo đánh giá bước đầu, năng suất tại huyện Bù Đốp đạt 160 tấn/ha/năm (khoảng 30 tấn/ha/lần thu hoạch). Cỏ ruzi phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện sinh khí hậu tại huyện Bù Đốp nói riêng và Bình Phước nói chung. Việc trồng cỏ tập trung phục vụ chăn nuôi gia súc giúp giảm công chăm sóc, chi phí thức ăn. Cỏ ruzi chịu được khô hạn, có thể sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng đất cao như bờ ruộng, bờ đê hoặc trung du miền núi, chịu được bóng râm và ngập úng nhẹ, có khả năng tự kháng sâu bệnh. Đặc biệt, cỏ ruzi chịu được giẫm đạp tốt nên có thể trồng nuôi gia súc chăn thả và trồng 1 lần có thể thu hoạch 5-6 năm.

  • Từ khóa
45659

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu