Thứ 5, 25/04/2024 15:07:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 10:50, 17/03/2020 GMT+7

Tung tin thất thiệt về bệnh dịch Covid-19: Hệ lụy từ thiếu hiểu biết

Ngọc Tú
Thứ 3, 17/03/2020 | 10:50:00 343 lượt xem
BPO - Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, một số đối tượng đã tung tin đồn thất thiệt lên các trang mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận. Trong thời điểm dịch bệnh đang “nóng” như hiện nay, hành vi không chỉ có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà còn đi ngược lại sự nỗ lực phòng chống dịch bệnh của cả nước, gây ra nhiều hệ lụy khó lường khiến dư luận bất bình.

Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý 3 phụ nữ ở Hà Nội tung thông tin thất thiệt về bệnh nhân COVID-19 số 21. Đáng buồn là các trường hợp này chỉ vì thiếu hiểu biết mà gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân họ và người bị “bêu tên”.

Chỉ riêng TP. Hà Nội, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, công an đã lập hồ sơ xử lý gần 50 trường hợp đăng tin thất thiệt. Riêng thông tin liên quan đến bệnh nhân số 17 nhiễm COVID-19, Công an thành phố Hà Nội đã phải lập biên bản xử lý 23 trường hợp.

Tự đẩy mình vào việc vi phạm Luật một cách ngớ ngẩn, phải kể đến trường hợp bà Dương Kim Huệ, 58 tuổi ở An Giang. Do không có khả năng trả nợ một người dân cùng xã, bà Huệ đã tung tin mình bị nhiễm Covid -19. Sự nông cạn này khiến bà bị xử phạt 750 ngàn đồng về hành vi báo thông tin giả tới cơ quan nhà nước. Còn ở tỉnh Kiên Giang, công an đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 12,5 triệu đồng đối với Trương Thị Bích Tuyền 22 tuổi do cung cấp thông tin sai sự thật trên mạng xã hội về dịch cúm do Covid -19. Cũng vì muốn câu like và chia sẻ với bạn bè mà trước đó công an thành phố Rạch Giá, Kiên Giang cũng xử phạt Trần Như Ý (20 tuổi) số tiền tương tự với cùng hành vi.

Giữa lúc Chính phủ, các bộ ngành cùng các địa phương và toàn dân đang tập trung ngăn chặn bệnh dịch, thì những cách hành xử thiếu cẩn trọng, thiếu hiểu biết càng tăng thêm áp lực cho các đơn vị chức năng và gây hoang mang trong nhân dân. Điều đó, chắc chắn là khó có thể cảm thông, tha thứ. Bởi hành vi “gieo rắc”  thông tin gây hoang mang đã gây khó khăn thêm cho cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” mà toàn hệ thống chính trị và toàn dân đang nỗ lực đêm ngày.

Luật sư Hoàng Minh Quang, Phó trưởng Đoàn Luật sự tỉnh Bình Phước cho biết:

Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Điều 8, Luật An ninh mạng: Nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội “Đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” với mức phạt tù lên đến 3 năm.

Điều 156, Bộ luật Hình sự: Quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt nhằm gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đó về hành vi "Vu khống" với mức phạt cao nhất 7 năm tù.

  • Từ khóa
35729

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu