Thứ 3, 16/04/2024 14:23:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:29, 05/03/2019 GMT+7

Từ mù quáng trở thành phản bội

Thứ 3, 05/03/2019 | 09:29:00 1,454 lượt xem
BP - Ngày 27-11-2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Tráng. Tuy nhiên, qua kết quả xác minh và được biết bị can Nguyễn Văn Tráng đã vắng mặt tại địa phương, hiện không biết đang ở đâu. Căn cứ Điều 36 và Điều 231 Bộ luật Tố tụng hình sự, ngày 5-12-2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định truy nã bị can đối với Nguyễn Văn Tráng về tội danh bị khởi tố: “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Vậy Nguyễn Văn Tráng là ai và làm gì mà bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can và ra quyết định truy nã? Theo tài liệu của cơ quan an ninh điều tra, Nguyễn Văn Tráng sinh năm 1991, có hộ khẩu thường trú tại thôn 8, xã Thành Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trước khi bị khởi tố bị can, Tráng là sinh viên K15, Khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Cũng theo tài liệu của cơ quan an ninh điều tra, sau khi trở thành sinh viên, Tráng luôn có những hoạt động đi ngược quy chế GD-ĐT của nhà trường với phát ngôn phản kháng cực đoan. Với những “nỗ lực” như vậy, Tráng đã gây được sự chú ý của cái gọi là “Hội anh em dân chủ”. “Hội anh em dân chủ” thực chất là cánh tay nối dài của Việt Tân tại Việt Nam. Tổ chức này hoạt động núp bóng “Xã hội dân sự” để thực hiện nhiệm vụ của Việt Tân ở trong nước. Chi nhánh “Hội anh em dân chủ” tại Thanh Hóa do Nguyễn Trung Tôn trực tiếp điều hành, nhưng lại chịu sự chỉ đạo của Việt Tân thông qua Xuyến Dân An (tên khác là Đông Matsuda Suzie Xuyến).

Sau khi được Nguyễn Trung Tôn giao nhiệm vụ, Tráng đã “nhiệt tình” liên lạc với số thành viên của “Hội anh em dân chủ” Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; thu thập thông tin, tài liệu, hình ảnh về tình hình dân chủ ở Thanh Hóa; lôi kéo, kích động người khác tham gia các hoạt động phá rối an ninh ở Hà Tĩnh, Nghệ An...; in tài liệu, làm băng rôn, khẩu ngữ xuyên tạc, chống phá chế độ. Nguyễn Văn Tráng còn trực tiếp tham gia các cuộc tụ tập đông người, biểu tình núp dưới danh nghĩa yêu nước, bảo vệ môi trường... Và theo kết luận điều tra của Công an tỉnh Thanh Hóa, Nguyễn Văn Tráng thường xuyên có các bài viết cũng như bình luận trái chiều, đi ngược lại lợi ích dân tộc, một mặt cổ xúy, kêu gọi cho cái gọi là phong trào dân chủ của tổ chức phản động Việt Tân, mặt khác tập trung tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chưa hết, Tráng còn điên cuồng lao vào các hoạt động chống phá đất nước. Nguyễn Văn Tráng thường xuyên viết bài, đăng status trên  mạng xã hội có nội dung xuyên tạc, bôi nhọ ngành công an; bóp méo, bình luận thiếu khách quan, nhằm phỉ báng chính quyền về vụ lãnh đạo tỉnh Yên Bái bị bắn tử vong; tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh nền báo chí nước nhà; cổ vũ cho những kẻ gây rối trật tự công cộng, cổ xúy cho giáo dân biểu tình chống chế độ núp bóng bảo vệ môi trường biển miền Trung; vu cáo Đảng và Nhà nước ta “bán nước quá rẻ” khi Tráng bình luận về việc cho Formosa thuê đất. Ngoài các status có những nội dung nêu trên, Nguyễn Văn Tráng còn lợi dụng chính trang mạng cá nhân của mình để tạo điều kiện cho đám tay chân của tổ chức khủng bố Việt Tân đăng bài xuyên tạc, chống chế độ. Các bài viết trong trang này sặc mùi phản động của Maria Thúy Nguyễn, Hồ Huy Trường, Chí Toại Đỗ Thang Chu, Xuyến Dân An... Và tất cả việc làm của Tráng là nhằm mục đích kiếm những đồng tiền bẩn thỉu từ tổ chức khủng bố Việt Tân.

Được sự “động viên”, “khích lệ” của “Hội anh em dân chủ”, Nguyễn Văn Tráng ngày càng hung hăng hơn. Gần đây, Tráng đã viết một số status đả kích lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên trang facebook cá nhân của mình. Không những thế, Tráng phỉ báng tự do báo chí ở nước nhà, trong khi đó lại lờ tịt những quy định tiến bộ của pháp luật về tự do báo chí ở Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 25 của Hiến pháp có ghi như sau: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Như vậy, tự do báo chí là một trong các quyền cơ bản của con người và đã được hiến định. Tuy nhiên, quyền tự do báo chí không phải là không có giới hạn. Quyền tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật, phục vụ lợi ích của quốc gia, dân tộc; không xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Nói tóm lại, tự do đến mức nào thì báo chí cũng phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, tức là không được làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích hợp pháp của người dân. Và điều này thì chẳng riêng gì ở nước ta, mà ở Mỹ hay các nước châu Âu, châu Mỹ, các nước tiên tiến khác cũng yêu cầu như vậy.

Và chắc hẳn mọi người còn nhớ vào năm 2010, khi WikiLeaks cho phát hành hàng loạt thông tin mật của chính phủ, quân đội các nước, trong đó có Mỹ và chính quyền Mỹ đã ra sức ngăn cản truy cập trang web của WikiLeaks. Chính quyền Mỹ còn tìm mọi cách để dẫn độ cho được ông chủ của trang web này về Mỹ đòi xét xử vì ông này đã tiết lộ bí mật ngoại giao của nước này lên không gian mạng. Chưa hết, Mỹ còn phong tỏa tất cả tài khoản của WikiLeaks và cấm vận các công ty ủng hộ trang web này. Con người được sinh ra và trưởng thành từ trong cộng đồng. Bởi vậy, bất kỳ cộng đồng nào cũng đòi hỏi mỗi người sống trong nó phải có ý thức chung. Nhu cầu về tự do được xem là một thuộc tính của loài người, là một quyền tự nhiên của con người. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống chỉ ra rằng, quyền tự do của người này nếu không có những hạn chế nhất định thì có thể xâm hại đến quyền, lợi ích của người khác. Tự do báo chí cũng không nằm ngoài quy luật đó.

Tấn công vào giới trẻ là một trong những thủ đoạn nham hiểm và thâm độc của các thế lực thù địch chống Việt Nam. Mục tiêu của chúng là nhằm làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, làm mờ tinh thần dân tộc, dẫn đến suy giảm niềm tin vào chế độ và cuối cùng là phản bội lại lợi ích dân tộc. Với những thanh niên không chịu rèn luyện, cống hiến, lao động mà chỉ muốn sung sướng là đối tượng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động như Việt Tân nhắm đến. Và Nguyễn Văn Tráng là một con thiêu thân tiêu biểu. Mới 28 tuổi, nhưng Nguyễn Văn Tráng đã phải sống chui lủi để trốn tránh bản án nghiêm khắc dành cho mình. Đây là cái giá mà Tráng phải trả cho sai lầm của chính mình.

Nhật Minh

  • Từ khóa
2833

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu