Thứ 6, 29/03/2024 12:00:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 17:29, 02/06/2020 GMT+7

Truyền thuyết về Quán Tiên - đồng cảm giữa 2 thế hệ

Phương Dung
Thứ 3, 02/06/2020 | 17:29:00 608 lượt xem
BPO - Ra rạp từ ngày 22-5 và không thuộc dòng phim thương mại nên Truyền thuyết về Quán Tiên được dự đoán rất khó hút khách, nhất là khi rạp mới hoạt động trở lại chưa lâu. Tuy nhiên sau khi xem, nhiều khán giả đánh giá phim khá lôi cuốn. Phim kết hợp yếu tố ly kỳ, hài hước cùng cách kể chuyện hấp dẫn đã tạo được sự hứng thú cho người xem, nhất là đối với phim về đề tài chiến tranh.

Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ là tác phẩm chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, lấy bối cảnh năm 1967. Nội dung phim kể về 3 cô gái thanh niên xung phong trẻ trung, xinh đẹp gồm Mùi (Thúy Hằng đóng), Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh đóng), Phượng (Minh Khuê đóng). Cả 3 cô gái được giao thực hiện nhiệm vụ dựng quán trong hang động tại cao điểm của tuyến đường Trường Sơn làm điểm nghỉ chân, bổ sung thức ăn, nước uống cho chiến sĩ hành quân. Ở Quán Tiên, mỗi người có số phận, cách sống, suy nghĩ khác nhau nhưng cùng điểm chung là khát khao về tình yêu và quyết tâm chiến đấu vì hạnh phúc của con người. Thế nhưng, chiến tranh đã đẩy câu chuyện tình yêu của những cô gái thanh niên xung phong vào đau khổ...

Truyền thuyết về Quán Tiên khắc họa rõ nét tình yêu của con người trong thời chiến. Đó là những giây phút thoáng qua nhưng ám ảnh đến suốt đời. Phượng dù chỉ gặp Quỳnh (Hoàng Long đóng) đôi lần nhưng đã nhớ nhung, để rồi khi anh hy sinh thì cô nguyện ở lại chăm sóc phần mộ của người mình yêu. Sự cuốn hút của bộ phim không phải là yếu tố ly kỳ đến từ con vượn, mà nói lên được sự cô đơn, khắc khoải của những cô gái tuổi thanh xuân sống giữa núi rừng. Sự cô đơn đó ám ảnh khiến họ luôn trống trải, dằn vặt trong suy nghĩ. Anh Nguyễn Hoàng Anh ở phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài cho biết: Nội dung về đề tài chiến tranh nhưng Truyền thuyết về Quán Tiên không nói nhiều về cuộc chiến mà lại nói về cảm xúc của con người. Phim lấy bối cảnh tại Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) nên có những cảnh quay rất đẹp, khán giả vừa thấy được sự hào hùng của chiến tranh vừa mãn nhãn với sự hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn. Phim phù hợp với nhiều đối tượng chứ không chỉ hướng đến giới trẻ và có ý nghĩa, thông điệp rõ ràng.

Thông qua câu chuyện tình yêu của 3 cô gái thanh niên xung phong ở Quán Tiên, phim diễn tả được sự khốc liệt của chiến tranh và tình yêu Tổ quốc của những con người trong thời chiến. Truyền thuyết về Quán Tiên còn đáng xem bởi lối diễn xuất tinh tế của các nhân vật. Thúy Hằng đã thể hiện tốt vai Mùi, một cô gái mạnh mẽ, là “chị cả”, trụ cột và là chủ Quán Tiên. Mai Anh (vai Tuyết Lan), cô gái giàu bản năng, khát khao yêu thương. Sự phức tạp trong nội tâm của Lan thể hiện ở nhiều cung bậc, lúc thì hồn nhiên, khi lại yếu đuối. Thậm chí, đôi khi vì bản năng đã khiến Lan có những biểu hiện bất thường. Bên cạnh đó, diễn viên trẻ Minh Khuê lại trong sáng và đầy hài hước. Sự kết hợp của Minh Khuê với Việt Hoàng và Leo Nguyễn đem đến cho khán giả những tình huống hài hước nhưng không kém phần sâu lắng.

Anh Trương Văn Bính, khán giả rạp The Gold, phường Tiến Thành cho biết: Tôi thấy kỹ xảo phim chưa tốt, nhất là nhân vật con vượn có phần giả tạo và khó thuyết phục người xem. Tuy nhiên, nội dung phim khá tốt, dàn diễn viên trẻ đẹp và diễn xuất hay. Đạo diễn rất giỏi khi chia những phân đoạn, đào sâu được nội tâm của nhân vật. Xem phim xong, tôi rất cảm phục những người phụ nữ xung quanh mình và biết ơn những người đã đi qua cuộc chiến.

Với một bộ phim nói về đề tài chiến tranh nhưng Truyền thuyết về Quán Tiên đã đổi mới cách tiếp cận, xoáy sâu vào cảm xúc và số phận của con người trong thời chiến để kéo khán giả đến rạp bằng sự đồng cảm giữa 2 thế hệ.

Truyền thuyết về Quán Tiên là tác phẩm điện ảnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng và tài trợ 70% kinh phí. Phim do Công ty TNHH MTV Truyền thông Nam Phương và Công ty cổ phần Sáng Tạo DV&H hợp tác sản xuất. Phim giành được giải thưởng Bông Sen bạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 tại Vũng Tàu (tháng 12-2019) và danh hiệu Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Phần nhạc phim gây ấn tượng mạnh mẽ khi không ghi âm bằng nhạc điện tử mà sử dụng dàn nhạc giao hưởng. Từ điểm nhấn này, bộ phim giành được giải âm nhạc xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam năm 2019 với những giai điệu trầm lắng, gây cảm xúc mạnh về nỗi cô đơn sâu sắc của con người trong chiến tranh. Ngoài ra, phim còn đoạt giải thiết kế mỹ thuật xuất sắc nhất của Top Indie Film Award 2019.

  • Từ khóa
94283

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu