Thứ 6, 19/04/2024 17:22:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:26, 10/06/2014 GMT+7

Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh đóng góp ý kiến cho dự án Luật căn cước công dân và dự án Luật hộ tịch

Thứ 3, 10/06/2014 | 14:26:00 2,322 lượt xem

>> Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào công tác lập pháp

BPO - Sáng ngày 9-6-2014, Quốc hội thảo luận tại tổ đối với dự án Luật căn cước công dân và dự án Luật hộ tịch. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước tham gia tổ thảo luận số 17 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang và Hà Giang.

 

Dự án Luật căn cước công dân bao gồm 5 chương, 36 điều. Trong đó dự thảo Luật quy định một số nội dung mới mà pháp luật hiện hành về căn cước công dân chưa quy định, như nguyên tắc quản lý căn cước công dân, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân, các hành vi bị nghiêm cấm, cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Một số vấn đề về thẻ căn cước công dân như nội dung thẻ căn cước công dân, số thẻ căn cước công dân, hạn sử dụng của thẻ căn cước công dân, người được cấp thẻ căn cước công dân… Dự thảo luật cũng dành 5 điều để quy định tăng cường trách nhiệm trong quản lý về căn cước công dân…

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đóng góp ý kiến cho dự Luật căn cước công dân

Dự án Luật hộ tịch gồm 7 chương, 76 điều. Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật hộ tịch nêu rõ việc ban hành Luật hộ tịch là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đặc biệt, trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân. Dự án luật quy định các vấn đề về hộ tịch, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch của người dân (như nguyên tắc đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch...).

Đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật căn cước công dân, đa số các đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc thẻ căn cước công dân thay thế cho các loại giấy tờ khác là khó khả thi vì còn nhiều thông tin chưa thể hiện rõ trong thẻ căn cước công dân theo quy định. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị không nên thay đồi số Chứng minh nhân dân khi cấp đổi mà nên giữ nguyên 9 số đã cấp, chỉ thêm vào các số định danh để tiện lợi và tránh gây phiền hà cho người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến Chứng minh nhân dân. Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rút ngắn thời gian cấp đổi giấy Chứng minh nhân dân cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Về dự án Luật hộ tịch, đại biểu Phạm Thị Mỹ Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đề nghị dự thảo luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định chi tiết về hướng dẫn vấn đề khai sinh lưu động, đồng thời dự thảo luật cũng cần phải quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật về vấn đề tiêu chuẩn của công chức hộ tịch để có một cách hiểu và áp dụng thống nhất giữa các địa phương.

Chiều cùng ngày, đóng góp ý kiến cho dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015, đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị xem xét đến hiệu quả, tính thiết thực sau giám sát để tránh những kiến nghị chung chung khó thực thi. Cụ thể đại biểu đề nghị 2 vấn đề là giám sát hoạt động tố tụng hành chính và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội định hướng cho hoạt động giám sát của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội về giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật và các van bản chỉnh sửa quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với hiến pháp mới.

Mỹ Hạnh

  • Từ khóa
11300

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu