Thứ 6, 19/04/2024 09:23:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 13:35, 24/12/2019 GMT+7

Tròng trành hành trình đến lớp

Xuân Túc
Thứ 3, 24/12/2019 | 13:35:00 271 lượt xem
BP - Cách trung tâm xã Phước Sơn (Bù Đăng) chưa đầy 15km, nhưng đường đến trung tâm thôn 8 dường như xa hơn nhiều. Bởi con đường đất đỏ dẫn vào thôn đã xuống cấp nghiêm trọng, mùa nắng bụi bay mù mịt, mùa mưa trơn trượt. Việc đến trường đối với học sinh nơi đây rất gian nan. Để việc học tập thuận lợi hơn, nhiều phụ huynh đánh liều gửi con em qua xã Đức Liễu (Bù Đăng) theo học trên chuyến đò sắt chông chênh. Tuy chưa xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc nào nhưng nguy cơ luôn tiềm ẩn...

Em Đỗ Đức Hoàng, lớp 9A2, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, cho biết: Nhà em ở thôn 8, xã Phước Sơn nhưng em theo học tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ thuộc xã Đức Liễu. Gần 4 năm nay, ngày nào em cũng phải qua đò để đến trường. Mùa nắng đi đò còn đỡ lo, nhưng mùa mưa, nước sông dâng cao nên cứ nơm nớp lo sợ. Đặc biệt, những hôm mưa to, gió lớn, nhiều bạn phải nghỉ học hoặc nhờ cha, mẹ chở đi đường vòng để đến trường với quãng đường hàng chục cây số.

Gần 7 năm đến trường trên chuyến đò ngang này, em Cao Thị Ánh Nguyệt, lớp 12A9, Trường THPT Lê Quý Đôn (xã Đức Liễu) chia sẻ: Biết di chuyển bằng đò sẽ gặp nguy hiểm, nhất là vào những lúc trời mưa lớn, nhưng bù lại con đường đến trường của chúng em sẽ gần hơn. Qua bên kia sông, chỉ di chuyển bằng xe đưa rước học sinh tầm 4km là chúng em đến lớp học.

Học sinh thôn 8, xã Phước Sơn (Bù Đăng) đến trường trên chiếc đò ngang chông chênh

Còn em Nguyễn Thanh Sơn, học sinh lớp 8A2, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ mong muốn: Lo sợ mất an toàn nên có 3 bạn được cha mẹ cho ở lại nhà người quen gần trường. Em mong ước có một cây cầu vững chắc để chúng em đi học không phải lênh đênh trên sông nữa. Cha mẹ cũng không phải tốn mỗi tháng mấy trăm ngàn đồng để qua sông làm rẫy.

Có mặt tại đoạn sông này vào giờ tan học, chúng tôi chứng kiến cảnh 6 học sinh ngồi trên chiếc đò nhỏ bằng sắt khá chông chênh, không em nào mặc áo phao. Dù là dòng nước lặng nhưng theo người dân nơi đây, đoạn sông mà các em phải “lội qua” hằng ngày rộng gần 50m. Vào mùa mưa nước dâng cao, mặt sông “rộng thêm” cả trăm mét, sâu trên 10m nên rất nguy hiểm khi không may sự cố xảy ra.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực người dân và học sinh qua lại bằng đò ở thôn 8, xã Phước Sơn và thôn 2, xã Đức Liễu thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Theo một số người dân, bến đò ngang này tồn tại từ lâu. Khi mực nước lòng hồ xuống thì người dân qua sông bằng cầu tạm, nước dâng cao họ phải di chuyển bằng đò. Bằng đò hay cầu tạm thì người dân cũng phải đóng phí mỗi lượt qua 5.000 đồng và 70 ngàn đồng mỗi tháng cho một học sinh. Ông Đào Văn Miên (75 tuổi), người kéo đò cho biết, ông chỉ mới tiếp quản bến đò ngang này khoảng 3 tháng nay với mức thuê 24 triệu đồng/năm từ người chủ cũ. Tùy thời điểm, mỗi ngày ông vận chuyển từ 70-200 lượt khách. Trong có, 11 học sinh là khách thường xuyên. 1 năm chỉ kéo 9 tháng mùa nước lớn, khi nước rút mọi người di chuyển qua sông bằng cầu tạm. “Nguồn thu chẳng là bao nhưng vừa qua tôi phải bỏ cả triệu đồng để tu sửa con đò, lắp thêm lan can, mái che, hệ thống ròng rọc, dây kéo để giúp học sinh cũng như người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn” - ông Miên cho biết thêm.

Thực tế cho thấy, không chỉ học sinh, các hoạt động sản xuất, vận chuyển nông sản của người dân nơi đây cũng hết sức khó khăn, nhất là những hộ có vườn rẫy bên kia sông. Đến mùa thu hoạch, nông dân luôn bị thương lái tìm cách ép giá. Đó là chưa kể việc đi lại mỗi lượt 5.000 đồng tiền đò, tính cả tháng cũng mất mấy trăm ngàn đồng, cuộc sống vốn khó lại càng thêm khó.

Ông Trịnh Văn Năm, Phó chủ tịch UBND xã Phước Sơn cho biết: Bến đò tại thôn 8 chỉ là tự phát. Con đò này do hộ ông Hoàng Văn Lịnh, trú thôn 8 đóng từ năm 2009 để qua sông làm rẫy và buôn bán bên kia xã Đức Liễu. Thấy nhu cầu đi lại của người dân cao nên ông Lịnh đã cho người dân trong vùng thuê lại. Trước nguy cơ mất an toàn giao thông, UBND xã đã mời chủ đò lên làm việc và cam kết không vận chuyển hành khách qua sông. Tuy nhiên, do nhu cầu đi lại của người dân lớn nên khó khăn trong việc cấm chủ đò hoạt động. Xã đã phối hợp các ngành chức năng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với chủ phương tiện, người điều khiển đò để quán triệt không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đồng thời, cấp áo phao cho người đi đò, song ý thức chấp hành của chủ đò lẫn người đi đò còn hạn chế. Về lâu dài, xã đã có tờ trình báo cáo tình hình lên UBND huyện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện để có hướng giải quyết. Có thể việc xây cầu vượt quá khả năng của huyện nhưng chúng tôi mong muốn các cấp xem xét hỗ trợ bằng một phương tiện nào đó kiên cố, chất lượng, giúp người dân cũng như học sinh đi lại an toàn.

Đò ngang chông chênh, nguy hiểm đang rình rập từng ngày mỗi khi qua sông, người dân 2 bên bờ sông vẫn mong mỏi có một cây cầu vững chắc để việc đi lại thuận tiện hơn, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được tới trường an toàn, đều đặn. Đó là ước mơ lớn lao của người dân, còn trước mắt họ chỉ mong chính quyền địa phương có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn, xây dựng bến đò đủ an toàn để con em họ yên tâm mỗi khi qua sông đi học.

  • Từ khóa
89270

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu